Giày cao gót dần mất địa vị ở Trung Quốc
Nhiều phụ nữ Trung Quốc ngày càng tìm kiếm cân bằng giữa thoải mái, hình thức và thẩm mỹ trong khi vẫn làm hài lòng bản thân.
Từng là biểu tượng thời trang
Giày cao gót du nhập vào Trung Quốc đầu những năm 1990, được giới diễn viên và xã hội Thượng Hải sùng bái, đồng thời mang nhiều dấu ấn trong các bộ phim kinh điển.
Trong những thập kỷ thiếu thốn nguyên liệu, giày cao gót là một thứ xa xỉ. You Yehui, sinh năm 1948 tại Quý Châu (tây nam Trung Quốc) kể lại: "Năm 11 tuổi, tôi lén đi thử đôi giày cao gót mà chị tôi được người chồng tương lai tặng. Nó màu đen, gót bằng da có dây đeo. Hồi ấy, giày cao gót là một đồ vật có giá và thường chỉ được diện trong những dịp trang trọng".
Khi nền kinh tế của Trung Quốc đi lên sau cuộc cải cách và mở cửa cuối những năm 1970, giày cao gót trở nên quen thuộc. Con gái của bà You Yehui, lúc đó 20 tuổi, luôn đi giày cao gót vì chúng là biểu tượng của thời trang. Với các cô gái lớn lên trong những năm 80 và 90, đi giày cao gót là một trong những biểu tượng cho phụ nữ trưởng thành. Han Li, hiện đang làm trong bộ phận tiếp thị tại một công ty luật ở Bắc Kinh, cho biết, cô đã bắt đầu đi giày cao gót khi học trung học và quen với điều này trong suốt 10 năm nay.
Thái độ về giày cao gót đang thay đổi
Thời gian trôi qua, sở thích của phụ nữ cũng thay đổi, hướng đến những đôi giày tiện dụng và thoải mái hơn, như giày búp bê, boot, giày thể thao hay giày lười. Daphne - công ty có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) từng thống trị thị trường giày nữ trong nước, báo cáo doanh thu giảm 83% vào năm 2020 và đóng cửa tất cả các cửa hàng truyền thống. Doanh thu bán hàng trực tuyến của công ty cũng ảm đạm, giảm 77% trong nửa đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tháng 2/2021, thương hiệu giày quen thuộc với phụ nữ Trung Quốc, ST & SAT, ghi nhận mức lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết cổ phiếu năm 2009.
Phụ nữ không còn khắt khe với bản thân
Nhiều phụ nữ Trung Quốc ngày càng tìm kiếm cân bằng giữa thoải mái, hình thức và thẩm mỹ trong khi vẫn làm hài lòng bản thân. Mo Mo, 26 tuổi, cho biết: "Đi giày cao gót có thể mang lại vẻ ngoài tự tin và thanh lịch nhưng tôi chọn không quá khắt khe với bản thân". Trừ khi thỉnh thoảng lái xe đi làm, nếu không Mo sẽ không mang giày cao gót bởi vì tàu điện ngầm thường rất đông đúc vào buổi sáng.
Celia, hiện là giám đốc điều hành của một công ty dược phẩm, ngày càng yêu thích những đôi giày đế thấp và giày thể thao sau khi bước sang tuổi 40. Cô chia sẻ: "Với nhịp sống ngày càng nhanh, đặc biệt là cuộc sống văn phòng, tôi có ít thời gian đến phòng tập thể dục nên tôi thường tận dụng một phần thời gian đi làm cho việc đi bộ. Chính vì vậy tôi cần một đôi giày thoải mái". Cô nhận thấy hầu hết đồng nghiệp nữ trẻ cùng công ty cũng ít đi giày cao gót hơn trong những năm qua, một điều cho thấy phụ nữ ngày nay tự tin và quyết đoán hơn trong việc chọn đồ để mang, Celia nói.
Trong khi việc phụ nữ Trung Quốc chuyển sang đi giày đế thấp nói lên xu hướng phá vỡ các chuẩn mực giới tính, thì đó cũng là một phần thay đổi trên thế giới. Theo nhà nghiên cứu thị trường Mỹ NPD Group, ngày càng nhiều phụ nữ chọn giày thoải mái thay vì những đôi cao gót. Nhiều nữ diễn viên cũng lên tiếng phản đối luật bất thành văn phải mang giày cao gót tại Liên hoan phim Cannes. Ngoài ra, KuToo, một phong trào phản đối chính sách khắt khe về bắt buộc đi giày cao gót ở nơi làm việc tại Nhật Bản, cũng đã bắt đầu vào năm 2019.
Song, dù đi giày cao gót hay giày đế bằng thì đây vẫn là lựa chọn riêng của mỗi người. Han Li, người đã mang giày cao gót trong suốt 10 năm, hiện vẫn yêu thích chúng. Cô nói: "Tôi đi giày cao gót nhiều vì tôi thường ra ngoài gặp khách hàng. Tôi muốn thể hiện sự tôn trọng và trông chỉnh chu hơn mặc dù nơi làm việc không có quy định về trang phục. Những thứ đẹp đẽ mang lại cho tôi cảm giác thích thú, lấn át sự khó chịu và mệt mỏi khi mang chúng".
Nguồn: CGTN