Giếng Vua hơn 600 tuổi ở Thanh Hóa

Giếng Vua được phát hiện nằm ở góc đông nam của đàn tế Nam Giao tại xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa thuộc Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Theo lịch sử ghi chép, năm 1397 Hồ Quý Ly cho xây dựng kinh đô mới ở vùng đất An Tôn (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay), sau đó đến năm 1398 cho dời đô từ Thăng Long về An Tôn, đổi tên gọi là Tây Đô (Thành Nhà Hồ). Để hoàn thiện kinh đô mới, bên cạnh việc xây dựng cung điện trong Hoàng thành, đắp La thành… vương triều Hồ đã cho đắp đàn tế Nam Giao.

Giếng có tên gọi khác là giếng Ngự Duyên, giếng Ngự Dục. Vị trí của giếng nằm tại góc Đông Nam nền đàn 4 của đàn tế Nam Giao. Giếng có mặt bằng hình vuông (13m x 13m).

Cấu trúc Giếng Vua gồm 2 phần: Thành giếng được xây bằng các khối đá, lòng giếng hình tròn (đường kính 6,5m), mặt cắt hình phễu, độ sâu tính từ miệng giếng xuống là 4,90m.

Giếng Vua được kè bằng đá tạo thành bậc thu dần từ ngoài vào lòng, tính từ trên xuống có 9 thành bậc. Lòng giếng hình tròn và mặt cắt hình phễu.

Trong số đá kè bậc thành giếng, xếp cạnh các khối hình vuông có một số khối đá hình tròn và các nhà khảo cỗ vẫn đang giải mã.

Tính từ thành bậc trên cùng đến đáy giếng có chiều sâu 5,6m. Cấu trúc của giếng cũng là sự diễn giải biểu trưng trời (tròn) đất (vuông) của đàn tế Nam Giao.

Kể từ năm 2004 đến năm 2016, đàn Nam Giao Tây Đô đã qua 4 lần nghiên cứu khai quật với tổng diện tích 18.000m2. Di tích giếng Vua đã được các nhà khảo cổ chú tâm nghiên cứu ngay từ đợt khai quật đàn Nam Giao lần thứ nhất (năm 2004). Tuy nhiên, phải đến đợt khai quật tổng thể đàn Nam Giao lần thứ tư (2009-2011), các nhà khảo cổ mới phát lộ hoàn toàn kiến trúc của giếng.

Giếng Vua là một hạng mục công trình quan trọng trong kiến trúc đàn tế Nam Giao - Tây Đô. Khi xưa giếng được xây để phục vụ cho việc tế gia và trai giới (Trai giới tắm gội sạch sẽ, ăn chay, không uống rượu) trước khi làm lễ tế.

Giờ đây, đến thăm Giếng Vua du khách sẽ được các hướng dẫn viên giới thiệu chi tiết.

Đàn tế Nam Giao chính là nơi biểu hiện quyền lực tinh thần của vương triều trước trời - đất và lịch sử dân tộc. Đây là nơi tiến hành lễ tế trời, cầu cho quốc thái, dân an hoặc lễ tế vào những dịp đại xá thiên hạ.

Đàn tế Nam Giao hội tụ sự linh thiêng của đất trời và là nơi gửi gắm những ước mong của người Việt xưa.

Do vậy, có thể nói Giếng Vua là một bảo vật của quốc gia, góp phần tăng thêm giá trị đặc sắc của Thành Nhà Hồ.

Hoàng Đông

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/gieng-vua-hon-600-tuoi-o-thanh-hoa/20818.htm