Gieo 'mầm' tử tế: Bài 2: Trao đi những 'giọt máu hồng'
>>> Bài 1: Kết nối tấm lòng, chia sẻ yêu thương
Bên cạnh sự sẻ chia về vật chất, nhiều người còn sẵn sàng trao đi những giọt máu quý giá của mình, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu máu trong điều trị tại các bệnh viện, mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân.
Với khoảng 32 ngàn đơn vị máu tiếp nhận mỗi năm, Đồng Nai là địa phương dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ và đứng thứ 5 cả nước (sau Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và thành phố Cần Thơ) về hiến máu tình nguyện. Đặc biệt, trong số những người hiến máu, có những người giữ kỷ lục về số lần hiến máu.
Khi hiến máu trở thành thói quen
48 tuổi, ông Nguyễn Thanh Phong (ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) đã có 51 lần hiến máu. Ông trở thành một trong những người hiếm hoi duy trì đều đặn số lần hiến máu hàng năm và có số lần hiến máu nhiều hơn tuổi đời.
Ông Phong cho biết, ông tình nguyện tham gia hiến máu lần đầu tiên vào năm 25 tuổi. Khi đó, ông chỉ có suy nghĩ đơn giản là làm gì đó có ích cho đời, để tuổi trẻ của mình không trôi qua uổng phí.
Sau lần hiến máu đầu tiên, ông Phong thấy việc lấy máu không hề ảnh hưởng đến sức khỏe, lại giúp người bệnh có cơ hội được sống nên từ đó, cứ có đợt phát động hiến máu là ông đăng ký tham gia. Tùy vào điều kiện sức khỏe, bình quân mỗi năm, ông Phong hiến máu từ 3-4 lần.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh ĐỖ THỊ PHƯỚC THIỆN cho biết, toàn tỉnh có gần 800 người hiến máu tình nguyện từ 20 lần trở lên; 150 trường hợp hiến máu 30 lần trở lên. Đặc biệt, có khoảng 10 gia đình có nhiều thế hệ cùng tham gia hiến máu tình nguyện với số lượng lớn.
"Giờ không hiến máu tôi lại thấy thiếu thiếu. 12 năm nữa sẽ hết tuổi được hiến máu theo quy định (60 tuổi) nên tôi hy vọng trong thời gian này mình có đủ điều kiện về sức khỏe để có thể có thêm thật nhiều lần hiến máu nữa" - ông Phong cho hay.
Cũng bởi "nghiện" hiến máu mà đến nay ông Trần Văn Chung (làm việc tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Bửu Long, thành phố Biên Hòa) đã có 41 lần hiến máu. Ông Chung là một trong 100 cá nhân được Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tôn vinh là người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2023.
Theo chia sẻ của ông Chung, cách đây 17 năm, lần đầu tiên tham gia hiến máu tình nguyện, ông cũng có tâm lý e ngại như bao người. Lúc đó, ông có cảm giác rất hồi hộp vì không biết bản thân có đủ điều kiện và sức khỏe để tham gia hiến máu hay không. Thế nhưng, sau khi hiến máu và nghỉ ngơi theo hướng dẫn của bác sĩ, sức khỏe ông ổn định lại bình thường. Từ đó, ông có suy nghĩ tích cực hơn về hiến máu và hàng năm, khi có đợt vận động hiến máu tình nguyện, ông đều đăng ký tham gia.
Không chỉ có những cá nhân, tại Đồng Nai còn có cả những gia đình tham gia hiến máu. Trong đó phải kể đến gia đình bà Vũ Thị Diệp (ngụ xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) có 8 thành viên với 3 thế hệ đã tham gia hiến máu trên 130 lần. Bà Diệp cho biết, bà là người đầu tiên trong gia đình tham gia hiến máu. Khi đó, bà công tác tại trường học nên đăng ký hiến máu với vai trò đoàn viên Công đoàn.
Sau khi hiến máu, bà không có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt hay ngất xỉu như mọi người nghĩ nên người thân trong gia đình bà yên tâm tham gia hiến máu.
Truyền đi thông điệp "hiến máu cứu người"
Để có nguồn máu sống phục vụ cho công tác điều trị tại các bệnh viện, công lao của những tập thể, cá nhân kết nối những người hiến máu với phong trào hiến máu tình nguyện là rất lớn.
33 năm gắn bó với công tác nhân đạo từ thiện, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) Nguyễn Văn Tắc đã sở hữu một danh sách hàng trăm cá nhân, gia đình đăng ký hiến máu tình nguyện. Điều đặc biệt, những cá nhân, gia đình đăng ký hiến máu đều là đồng bào Công giáo.
"Để có danh sách đăng ký hiến máu này, tôi đã gặp từng người, đến từng nhà để vận động hiến máu. Mỗi khi dự thánh lễ tại nhà thờ, tôi đều đem theo một cuốn sổ tay để sau khi kết thúc lễ sẽ trò chuyện, mời gọi từng giáo dân tham gia hiến máu. Những ai đồng ý hiến máu, tôi sẽ ghi lại họ và tên, địa chỉ, số điện thoại. Đến đợt hiến máu lưu động tại địa phương, tôi sẽ viết thư mời tham gia hiến máu gửi đến tận nhà thể hiện sự trân trọng" - ông Tắc nói.
Ông Tắc chia sẻ, ông theo dõi và ghi chép lại số lần hiến máu của người dân theo danh sách đã lập. Khi Hội Chữ thập đỏ huyện, tỉnh có thông báo khen thưởng, ông có danh sách để đề xuất ngay. Từ đề xuất của ông Tắc, đã có nhiều tấm gương được tuyên dương, khen thưởng. Trong đó có trường hợp đảng viên Phạm Quốc Khánh (ngụ ấp Tân Yên, xã Gia Tân 3) nhiều lần hiến máu, vận động đảng viên, nhân dân tham gia hiến máu được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh gửi thư khen.
Nhờ cách làm của ông Tắc, nhiều năm qua, Hội Chữ thập đỏ xã Gia Tân 3 luôn là đơn vị nằm trong tốp đầu về số lượng người tham gia hiến máu tình nguyện của huyện với số lượng bình quân từ
200-300 người tham gia hiến máu/năm.
Tương tự, bà Trần Kim Oanh, phụ trách Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện trong đồng bào dân tộc thiểu số xã Bảo Quang (thành phố Long Khánh), đã vận động được 45 cá nhân và 5 hộ gia đình tham gia hiến máu tình nguyện. Đây là câu lạc bộ hiến máu duy nhất của tỉnh kết nối được đồng bào dân tộc tham gia hiến máu.
Bà Oanh cho hay, ngoài việc giữ mối liên hệ thường xuyên, tuyên truyền để đồng bào hiểu về lợi ích của việc hiến máu cứu người, bà còn dùng tiền cá nhân của mình để hỗ trợ thêm chi phí ăn uống, đi lại cho những người tham gia hiến máu. Từ chỗ chỉ có 5 cá nhân hiến máu (năm 2004), đến nay câu lạc bộ đã thu hút gần 50 người sẵn sàng hiến máu khi có đợt.
Ngoài những nhóm máu phổ biến, trong cộng đồng còn có những người mang nhóm máu hiếm loại Rh(-). Đồng Nai có trên 3,2 triệu người, song chỉ có 115 người mang dòng máu hiếm này. Họ đồng thời là thành viên của Câu lạc bộ Máu hiếm miền Nam.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Máu hiếm miền Nam Nguyễn Thị Bích Nguyệt cho biết, đặc điểm của những người mang nhóm máu hiếm loại Rh(-) chỉ có thể nhận nhóm máu hiếm loại Rh(-). Do đó, việc kết nối, giữ liên lạc thường xuyên giữa những người có nhóm máu hiếm vô cùng quan trọng. Với vai trò chủ nhiệm, bà cẩn thận lưu lại số điện thoại, nơi cư trú của từng thành viên; đồng thời, thường xuyên đăng tải các hoạt động của câu lạc bộ lên mạng xã hội để mở rộng kết nối với những người có nhóm máu hiếm loại Rh(-).
Thông qua bà Nguyệt, bà Nguyễn Thị Lơ (45 tuổi, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa), người mang nhóm máu hiếm loại Rh(-), đã đăng ký làm thành viên của Câu lạc bộ Máu hiếm miền Nam. Theo bà Lơ, trong cuộc đời khó tránh được những lần điều trị y tế. Việc tham gia câu lạc bộ giúp bà yên tâm vì biết được những người có cùng nhóm máu với mình, trong trường hợp cần máu sẽ có người trợ giúp. Đồng thời, bà cũng có cơ hội hiến máu cứu sống những người có cùng nhóm máu hiếm loại Rh(-) như bà.
Từ khi trở thành thành viên câu lạc bộ, bà Lơ đã có 6 lần hiến máu cho người cấp cứu tại bệnh viện hoặc tại điểm hiến máu lưu động, giúp những người có nhóm máu hiếm loại Rh(-) có cơ hội được sống, được điều trị khỏi.