Gieo mầm xanh, gìn giữ vẻ đẹp thiên nhiên
Mỗi khi Xuân về, 'Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ' đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Phát biểu tại Lễ Phát động Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ năm 2025, tại tỉnh Ninh Bình, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, 'Tết trồng cây' thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
![Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu trồng cây tại thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_294_51457899/add6b644810a6854311b.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu trồng cây tại thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Đây không chỉ là hoạt động mang ý nghĩa truyền thống sâu sắc, mà còn là hành động cụ thể, thiết thực để thực hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế và triển khai chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, hướng tới một hành tinh xanh, vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Mỗi cây xanh được trồng chính là một hành động yêu thương gửi gắm đến thiên nhiên, một món quà vô giá dành cho thế hệ mai sau. Chính vì vậy, tất cả hãy cùng nhau bảo vệ và trồng thêm thật nhiều cây xanh, với tất cả tình yêu, lòng biết ơn và niềm tự hào về vẻ đẹp vĩnh cửu của thiên nhiên để mùa xuân trở thành khởi đầu của những điều tốt đẹp, của hy vọng và những thắng lợi mới.
Phủ xanh những vùng đất
Rừng và cây xanh không chỉ là biểu tượng của sự sống còn là minh chứng cho sự gắn kết bền vững giữa con người với thiên nhiên. Từ nơi địa đầu đến cực Nam của Tổ quốc, phong trào trồng cây, gây rừng được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhân dịp Tết trồng cây năm 2025, các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, mỗi gia đình và mỗi người dân cùng nhau tham gia tích cực vào phong trào trồng cây, trồng rừng và bảo vệ cây xanh; đồng thời việc tổ chức trồng cây bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.
![Lãnh đạo tỉnh Hà Giang tham gia Tết trồng cây với đồng bào các dân tộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Ảnh: TTXVN phát](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_294_51457899/34af123d2573cc2d9562.jpg)
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang tham gia Tết trồng cây với đồng bào các dân tộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Ảnh: TTXVN phát
Cột cờ Quốc gia Lũng Cú (Hà Giang) - cột mốc đánh dấu điểm cực Bắc, biểu tượng bất diệt của lòng yêu nước, ý chí kiên cường và mỗi độ Xuân về, "Tết trồng cây" đã thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đây không chỉ là hoạt động mang ý nghĩa truyền thống sâu sắc, mà còn là hành động cụ thể, thiết thực để thực hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế và triển khai chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, hướng tới một hành tinh xanh, vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi lên thăm Hà Giang năm 1961 “Phải chú ý hơn nữa bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng”, huyện Đồng Văn đã trồng gần 200 cây sa mộc và cây lê bản địa, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế rừng, gìn giữ vẻ đẹp thiên nhiên. Lễ thượng cờ đầu năm mới Ất Tỵ trên Cột cờ Quốc gia Lũng Cú và những cây xanh được trồng nơi đây chính là cam kết quyết tâm hành động vì một Hà Giang xanh, bền vững, biên cương vững vàng trước mọi thử thách.
Tết trồng cây năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Thái Bình lựa chọn Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy, có vị trí quan trọng, tiêu biểu trong công tác bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học ở vùng đất ngập nước ven biển để tổ chức phát động và hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới (2/2). Trong đó, nhấn mạnh sự chung tay góp sức của cộng đồng để bảo vệ các hệ sinh thái đất ngập nước, hướng đến một thế giới mà tất cả mọi người có thể hưởng lợi từ các dịch vụ duy trì sự sống mà các vùng đất ngập nước mang lại.
Dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị đồng hành tặng Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và nhân dân huyện 10.000 cây trang, cây bần, là những cây bản địa phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất ngập nước Thái Thụy.
![Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo tỉnh Thái Bình, các học sinh trồng cây tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_294_51457899/58b17c234b6da233fb7c.jpg)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo tỉnh Thái Bình, các học sinh trồng cây tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN
Đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Thái Bình, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh, rừng ngập mặn được gọi là các "chiến binh khí hậu," góp phần đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Rừng ngập mặn không chỉ đơn thuần là cảnh quan thiên nhiên mà còn có vai trò huyết mạch trong việc bảo vệ các cộng đồng ven biển giảm thiểu tác động của bão, lũ, là nguồn lưu trữ carbon để chống lại biến đổi khí hậu và nuôi dưỡng, gìn giữ các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học phong phú. Vì vậy, bảo vệ các hệ sinh thái này vừa là trách nhiệm chung vừa là khoản đầu tư quan trọng cho tương lai. Các hoạt động hợp tác lâu dài của UNDP với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương đã có kết quả là hơn 4.000 ha rừng ngập mặn được trồng và phục hồi từ năm 2017, sẽ trồng thêm 1.000 ha trong những năm tới.
Tuổi trẻ cả nước hưởng ứng "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025 với tinh thần mỗi đoàn viên, thanh thiếu nhi trồng, chăm sóc và bảo vệ thật tốt ít nhất một cây xanh để mỗi chi Đoàn, chi Hội, chi Đội là một vườn cây xanh. Hôm nay là màu xanh, ngày mai là bóng mát, là nguồn sống, là tương lai của đất nước.
Nơi cực Nam Tổ quốc, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ tích cực trồng cây xanh tại cơ quan, đơn vị và khu vực biên giới, vận động nhân dân trên khu vực biên giới biển của tỉnh tích cực trồng cây và quản lý, bảo vệ rừng. Phong trào trồng cây đầu xuân của Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau không những trở thành nét đẹp văn hóa, mà trồng cây để bảo vệ biên giới, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và là hoạt động thiết thực giúp đỡ nhân dân khu vực biên giới xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Qua đó góp phần xây dựng biên giới lòng dân vững chắc, bảo vệ môi trường, tăng độ che phủ rừng trên các vùng miền của Tổ quốc.
Tương lai xanh và thịnh vượng
![Các chiến sĩ lực lượng vũ trang ở Ninh Thuận cùng tham gia trồng cây xanh. Ảnh: Công Thử/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_294_51457899/0eb42d261a68f336aa79.jpg)
Các chiến sĩ lực lượng vũ trang ở Ninh Thuận cùng tham gia trồng cây xanh. Ảnh: Công Thử/TTXVN
65 năm qua, phong trào trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động không chỉ dừng lại là một hoạt động Tết, việc trồng cây, gây rừng đã trở thành chiến lược quốc gia với nhiều chương trình lớn. Điển hình là Chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc được triển khai năm 1990, đã giúp hồi sinh hàng triệu hecta rừng bị tàn phá bởi chiến tranh và khai thác quá mức; Chương trình trồng 5 triệu hecta rừng (giai đoạn 1998 - 2010) góp phần quan trọng đưa tỷ lệ che phủ rừng cả nước lên 39,7% vào năm 2010.
Mới đây, Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" được Thủ tướng phê duyệt ngày 1/4/2021 với mục tiêu đến hết năm 2025 cả nước trồng 690 triệu cây phân tán, 310 triệu cây tập trung. Tính trung bình mỗi năm, trồng 138 triệu cây phân tán và 36.000 ha rừng (tương đương 62 triệu cây) được trồng mới.
Thực hiện Đề án, các địa phương đã quan tâm, ưu tiên nguồn lực. Trong đó, gần 60 tỉnh, thành phố đã ban hành quy định về phân cấp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn. Một số nơi còn nêu rõ danh mục cây trồng, cây bảo tồn, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, sự quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách lồng ghép với các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương; phong trào xã hội hóa trồng cây phân tán được quan tâm, ủng hộ đã giúp đề án có được kết quả ấn tượng. Hơn 770 triệu cây xanh đã được trồng trên toàn quốc, đạt 121% so với kế hoạch đề ra cho ba năm đầu triển khai. Nhiều tỉnh, thành phố vượt chỉ tiêu, về đích sớm.
Sau 3 năm thực hiện Đề án và Nghị quyết số 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững, toàn tỉnh Hà Giang trồng được khoảng 22 triệu cây xanh, về đích sớm trước 1 năm. Tỷ lệ cây sống, sinh trưởng đạt trên 90%, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 60%.
Tỉnh phấn đấu năm 2025 sẽ trồng mới 19,7 triệu cây xanh ở khu vực đô thị và nông thôn. Với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh” và tinh thần chỉ đạo “trồng cây nào chắc cây ấy”, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh Hà Giang tích cực ra quân Tết trồng cây, khuyến khích trồng cây xanh tại các đường phố, công viên, vườn hoa, trụ sở, trường học, bệnh viện, công trình công cộng, vườn nhà, hành lang giao thông. Các loại cây xanh được lựa chọn trồng phù hợp với cảnh quan, môi trường sinh thái, tập quán canh tác của từng địa phương; trong đó, tập trung trồng cây bản địa, đa mục đích, có giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường, phù hợp bản sắc văn hóa địa phương như: keo, sa mộc, quế, đào, lê, mận, tường vi, bằng lăng.
![Các đại biểu tham gia trồng cây tại buổi lễ tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Cường/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_294_51457899/ef18cf8af8c4119a48d5.jpg)
Các đại biểu tham gia trồng cây tại buổi lễ tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Cường/TTXVN
Đến đầu tháng 6/2024, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành trồng 6 triệu cây xanh theo "Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, đạt 100% kế hoạch, cán đích trước 1 năm so với kế hoạch của Đề án. Cụ thể, trồng rừng tập trung đạt 4 triệu cây, trồng cây xanh phân tán đạt 2 triệu cây với các giống keo, bạch đàn, lát, chò chỉ, dổi, trám và một số cây trồng bản địa có giá trị khác. Hiện tại các diện tích cây xanh sinh trưởng, phát triển bình thường, tỷ lệ thành rừng đạt trên 90%.
Để thực hiện hiệu quả Đề án, tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương lồng ghép với các chương trình, dự án để tổ chức trồng rừng, trồng cây xanh phân tán từ các nguồn như: kinh phí hỗ trợ cây giống lâm nghiệp theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; kinh phí trồng, chăm sóc, duy trì hệ thống cây xanh tại khu đô thị và các khu di tích; kinh phí bố trí khu vực trồng cây xanh tại các khu đô thị, khu tái định cư mới... Tổng kinh phí thực hiện trồng rừng, trồng cây xanh theo Đề án trong giai đoạn 2021 - 2023 trên 42 tỷ đồng.
Nhằm duy trì phong trào trồng rừng, trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh, đảm bảo việc thực hiện Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức và nhân dân trồng rừng, trồng cây xanh, đưa nhiệm vụ này trở thành phong trào thi đua của các cấp, ngành và đông đảo người dân.
Trong hành trình nỗ lực "trở thành công dân tốt trong cộng đồng sở tại", Toyota Việt Nam luôn xác định bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu. Ngay sau khi Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt, Toyota Việt Nam đã triển khai chương trình “Một tỷ cây xanh - Vì Việt Nam xanh". Được thực hiện đều đặn hàng năm, từ năm 2021 - 2023, chương trình được triển khai tại các tỉnh Hà Giang, Thái Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Hà Tĩnh và An Giang với hơn 26.700 cây xanh đã được trồng. Năm 2024, chương trình tiếp tục đến với tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Quảng Nam với gần 4.500 cây xanh.