Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong trường họcTin khácTiếp tục siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt pháPhát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022

Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống như: mặc trang phục dân tộc, hát sli, hát lượn… vào những giờ ngoại khóa, hay những dịp lễ, tết, mít tinh kỷ niệm… Qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc tại địa phương.

Lạng Sơn hiện có dân số gần 800.000 người với 7 dân tộc chính gồm: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Mông, Sán Chay (Sán chỉ)… Mỗi dân tộc trong tỉnh đều có truyền thống, văn hóa đặc trưng được gìn giữ, lưu truyền tạo nên sự đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. Để phát huy những giá trị truyền thống đó, nhiều trường học đã quan tâm giảng dạy, giáo dục học sinh về những giá trị văn hóa, truyền thống các dân tộc ở địa phương thông qua việc quy định mặc trang phục truyền thống riêng từng dân tộc cho học sinh vào những ngày trong tuần; lồng ghép giảng dạy về các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, phong tục, tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian vào các môn học; tổ chức truyền dạy hát sli, hát lượn, hát then, dạy đánh đàn tính cho học sinh…

Học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An (thành phố Lạng Sơn) tham gia làm bánh chưng truyền thống trong hoạt động ngoại khóa

Học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An (thành phố Lạng Sơn) tham gia làm bánh chưng truyền thống trong hoạt động ngoại khóa

Cô Nguyễn Thùy Chi, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Năm học này, toàn trường có hơn 600 học sinh, trong đó 98% là người dân tộc thiểu số nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được nhà trường đặc biệt chú trọng. Vào ngày thứ hai hằng tuần và các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm, nhà trường đều quy định học sinh mặc trang phục truyền thống. Qua đó, vừa giúp học sinh nhận thức sâu sắc về văn hóa của dân tộc mình, vừa xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh.

Thời gian qua, một số trường học cũng đã lồng ghép các chương trình giáo dục địa phương vào môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, hay tổ chức cho các em tham gia chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp, dạy hát then, đàn tính; giảng dạy về di tích văn hóa, lịch sử… Em Triệu Nam Hà, người dân tộc Dao, học sinh lớp 8, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình chia sẻ: Tham gia các buổi ngoại khóa tìm hiểu về văn hóa dân tộc giúp em hiểu về bản sắc của dân tộc mình cũng như nét văn hóa đặc sắc khác của các dân tộc trên địa bàn, từ đó có ý thức giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống đó.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, cuộc thi cũng được các nhà trường tổ chức như: thi tìm hiểu lịch sử “Tự hào Việt Nam” do Trung ương Đoàn phát động; thi tìm hiểu Lịch sử 190 năm Ngày thành lập tỉnh; thi trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số, trò chơi dân gian ở các trường dân tộc nội trú; thi làm video về các lễ hội trên địa bàn. Cùng với đó là việc thành lập các câu lạc bộ (CLB) trong trường học như: CLB hát then, đàn tính; CLB di sản văn hóa… Ngoài sinh hoạt thường kỳ, các CLB này còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi học sinh như: tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, làm video, in lịch, làm tờ rơi, thuyết trình về di sản bằng tiếng Anh… từ đó, đã thu hút sự quan tâm, tham gia của học sinh.

Cả tỉnh hiện có 674 trường học với trên 200.000 học sinh. Theo tìm hiểu, hằng năm 100% trường học đều lồng ghép giảng dạy, tổ chức hoạt động tìm hiểu văn hóa truyền thống cho học sinh. Nhiều trường học cấp tiểu học, THCS, THPT đã thành lập các CLB văn hóa (với gần 200 CLB) để giữ gìn, khơi dậy tinh thần ham mê học hỏi, tìm hiểu các phong tục, tập quán, lễ hội, bổ sung kiến thức về lịch sử, văn hóa của dân tộc cho học sinh. Trung bình mỗi năm học, các trường trong tỉnh tổ chức được trên 1.200 buổi ngoại khóa tìm hiểu về văn hóa, di tích lịch sử của tỉnh…

Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc đưa văn hóa các dân tộc của tỉnh vào giảng dạy trong trường học đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Tuy nhiên, để việc giảng dạy được hiệu quả, các nhà trường cần bố trí đội ngũ giáo viên có tâm huyết, kinh nghiệm và sắp xếp thời gian hợp lý để tổ chức các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoại khóa, tạo không khí thoải mái cho học sinh khi tham gia học tập, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.

THẢO NGUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/474298-gin-giu-ban-sac-van-hoa-dan-toc-trong-truong-hoc.html