Gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

Tại chương trình đối thoại với cử tri qua sóng truyền hình với chủ đề 'Nghề và làng nghề truyền thống tỉnh Bình Dương: Khơi dậy những tiềm năng' do Thường trực HĐND tỉnh phối hợp cùng UBND tỉnh và Đài PT-TH Bình Dương tổ chức, cử tri trên địa bàn tỉnh đã đặt nhiều câu hỏi, trăn trở về định hướng, giải pháp cũng như chính sách trong việc bảo tồn và khơi dậy tiềm năng phát triển đối với nghề và làng nghề truyền thống.

Trăn trở bảo tồn, giữ gìn

Tại chương trình đối thoại, đại biểu, cử tri đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc chính sách khôi phục, bảo tồn, giữ gìn và phát triển những làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Đại biểu HĐND tỉnh Võ Thị Thanh Hương đặt câu hỏi: “Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7-7-2022 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030, đề nghị Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết đã triển khai thực hiện chương trình này như thế nào để vừa bảo tồn, phát triển, vừa tạo điều kiện khơi dậy các tiềm năng của nghề truyền thống trong thời gian tới?”. Tương tự, đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Khoa Diệu An nêu ý kiến: “Đối với nghề sơn mài, tỉnh đã có đề án phát triển làng nghề. Vậy đối với nghề gốm, đề nghị Sở NN&PTNT cho biết định hướng để bảo tồn và phát triển nghề này trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?”.

Cử tri tham dự tại trường quay của Đài PT-TH Bình Dương phát biểu, đặt câu hỏi tại chương trình đối thoại

Cử tri Huỳnh Văn Bình (TP.Tân Uyên) nêu ý kiến: Chủ trương chung của tỉnh là di dời các cơ sở sản xuất ở khu vực phía Nam lên phía Bắc, kể cả đối với các cơ sở nghề truyền thống. Đây là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì sản xuất cho các cơ sở. Tỉnh có định hướng giải pháp gì thực hiện công tác di dời bảo đảm một cách hài hòa? Cùng có chung băn khoăn này, ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, cho rằng vấn đề di dời cũng đang là mối băn khoăn của doanh nghiệp (DN) gốm sứ, bởi hiện nay đa số DN gốm sứ hoạt động sản xuất kinh, doanh theo hình thức gia đình. Rất ít DN có đủ nguồn vốn mua đất xây dựng mới để có thể di dời. Mặt khác, người lao động có tay nghề đã ổn định chỗ ở nên khó có thể đi theo DN đến địa điểm làm mới. Do đó để giữ gìn và phát triển nghề gốm, ông kiến nghị cần có những chính sách đặc thù để hỗ trợ DN, như quy hoạch khu sản xuất mới vị trí không quá xa, giao thông thuận tiện cho việc đi lại để thu hút người lao động có tay nghề…

Phát biểu, làm rõ hơn những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm tại chương trình đối thoại, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cũng đã thông tin thêm về việc tỉnh thực hiện chủ trương quy hoạch; chính sách hỗ trợ khôi phục, bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống; đồng thời quy hoạch không gian phát triển các làng nghề truyền thống theo hướng phát triển xanh, sạch, bền vững gắn với khoa học hiện đại, ứng dụng công nghệ và phát triển du lịch. Cùng với đó, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo tồn, giữ gìn và phát triển làng nghề để người dân nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy; xây dựng cơ chế đặc thù để khuyến khích, động viên các cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống phát triển, giàu lên từ nghề...

Xây dựng chính sách đặc thù

Các câu hỏi của đại biểu, cử tri tại chương trình đã được lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và địa phương trả lời, giải thích khá đầy đủ những nội dung thuộc thẩm quyền. Đối với việc bảo tồn, phát triển làng nghề, ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết sở phối hợp các địa phương rà soát, đánh giá lại hiện trạng làng nghề nông thôn. Trên cơ sở thực tế, sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ cho nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống; đồng thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức công nhận nghệ nhân, thợ giỏi nhằm phát huy những giá trị, tinh hoa, sáng tạo của nghệ nhân, góp phần lưu giữ ngành nghề truyền thống.

Đối với việc di dời các cơ sở sản xuất, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng tiêu chí di dời tham mưu UBND tỉnh, trên cơ sở tiêu chí này sẽ có những tiêu chí cụ thể để thực hiện công tác di dời và chuyển đổi công năng. Đối với ngành nghề truyền thống, sở cũng sẽ tham mưu đề xuất có những tiêu chí đặc biệt để giữ gìn, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống, như gốm sứ, sơn mài, điêu khắc...

Tại chương trình, Tiến sĩ Phạm Lan Hương, giảng viên chính trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ thêm, ngoài những chính sách của địa phương, nhà nước nhằm khơi dậy phát triển làng nghề truyền thống thì vai trò của hiệp hội làng nghề rất quan trọng. Đó là việc đẩy mạnh kết nối kinh doanh cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển làng nghề truyền thống của địa phương, khu vực và trên thế giới nhằm định hướng phát triển sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho các làng nghề truyền thống của địa phương.

ĐỖ TRỌNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/gin-giu-bao-ton-va-phat-trien-lang-nghe-truyen-thong-a307196.html