Gìn giữ chiếc máy cày Bác tặng
Từ TT Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị), chúng tôi qua miền đồi đất đỏ bazan trù phú kề bên bờ biển hướng ra thôn Roọc, xã Vĩnh Kim, nay là xã Kim Thạch (là tên gọi mới sau khi sáp nhập 2 xã Vĩnh Kim và Vĩnh Thạch). Đường quê thênh thang, sáng tháng Năm dường như cũng rộn hơn, xúc động hơn khi đông đảo người dân lại ghé về Nhà truyền thống trong khuôn viên trụ sở UBND xã Vĩnh Kim cũ (trên địa bàn thôn Roọc) thăm kỷ vật thiêng liêng, tài sản vô giá mà quê hương đã gìn giữ, bảo vệ mấy chục năm qua. Đó là chiếc máy cày Zetor 25 mã lực, quà của Bác Hồ gửi tặng Vĩnh Kim vào hơn 60 năm về trước.
Ông Nguyễn Đức Điền, Bí thư Đảng ủy xã Kim Thạch dẫn chúng tôi vào thăm Nhà truyền thống, vừa làm luôn vai trò thuyết minh. Bởi trước khi sáp nhập xã, ông Điền là Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kim nên rất hiểu, và ông cũng chính là con trai của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp Nguyễn Đức Đồng có nhiều gắn bó với quà tặng đặc biệt đến từ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Bằng tất cả niềm tự hào, ông Điền nhắc nhớ về giai đoạn lịch sử quan trọng. Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc, thực hiện đường lối cải tạo và phát triển nông nghiệp, đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể, sau 5 lần sáp nhập cùng các xã, vùng đất Vĩnh Kim bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, tràn ngập trong niềm vui làm chủ cuộc đời. Trong lúc phong trào hợp tác hóa trên miền Bắc gặp không ít khó khăn trở ngại thì HTX nông nghiệp Vĩnh Kim dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và sự nỗ lực vươn lên của toàn dân đã vững vàng vượt qua khó khăn thử thách. Chỉ trong thời gian ngắn, HTX Nông nghiệp Vĩnh Kim đã trở thành đơn vị xây dựng mô hình HTX cao cấp thành công đầu tiên của miền Bắc, cũng đồng thời là HTX tiên tiến đầu tiên của khu vực Vĩnh Linh và miền Bắc XHCN lúc bấy giờ.
Với những thành tích xuất sắc đóng góp cho xây dựng XHCN, vào tháng 12-1959, Bác Hồ đã tặng thưởng cán bộ và nhân dân Vĩnh Kim chiếc máy cày Zetor 25 mã lực của Tiệp Khắc gửi tặng Bác trước đó. Trước tình cảm bao la của Người, ngày chiếc máy cày được đưa về tới Vĩnh Kim, không chỉ người dân nơi đây mà cả vùng phía đông Vĩnh Linh đều như được tiếp sức, động viên lớn lao. Hỏi về ngày tháng đó, bà Nguyễn Thị Thệ, 75 tuổi, thôn Roọc, xúc động khi ký ức quay về. Ở vùng quê heo hút vang lên tiếng máy cày giòn giã, đem lại sức sống mới trên vùng đất hoang hóa lâu đời như vùng cây Sui, Cồn Hôi, Đuôi Tôm, Cố Bộ, hàng trăm héc-ta đất được giải phóng để đưa vào khai thác mở ra đồi chè, bãi sắn, nương khoai xanh mượt... Chính đó là cơ sở cho cây lạc, cây hồ tiêu, cây cao su phát triển về sau, mặt khác đã vận chuyển hàng vạn tấn vật tư phân bón giống cây trồng cho sản xuất nông nghiệp của xã Vĩnh Kim và cả vùng giới tuyến Hiền Lương-Bến Hải.
Đến năm 1965, khi cuộc chiến tranh của giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc cả Vĩnh Linh đi vào trận chiến vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chiếc máy cày vạn năng lại chuyển sang nhiệm vụ vận chuyển ở khu Đông để góp phần bảo vệ đảo Cồn Cỏ và đánh trả địch ở bên kia bờ Nam sông Bến Hải. Những người tham gia lái chiếc máy cày này đều được người dân nhớ rõ. Đầu tiên là ông Nguyễn Đức Đồng, cán bộ Ty Nông nghiệp Vĩnh Linh, sau đó là ông Khúc, ông Ái...Với khẩu hiệu "Giỏi tay cày, chắc tay súng" vừa sản xuất giỏi vừa chiến đấu kiên cường, người dân Vĩnh Kim đưa sản xuất nông nghiệp đạt 5 tấn/ha dù chịu mưa bom bão đạn.
Ông Điền cho hay, năm 1967, chiếc máy cày bị hỏng và được đưa ra miền Bắc để sửa chữa. Nhưng do chiến tranh ác liệt kéo dài, phải gửi lại ở xưởng tại Hà Nội, tin tức từ đó mất hẳn. Ngày hòa bình lập lại, công cuộc tái thiết quê hương gian nan đòi hỏi nhiều thời gian, đến năm 1979, xã Vĩnh Kim quyết tâm tìm lại quà tặng của Bác dù gặp khó khăn đến mức nào. Ông Nguyễn Đức Đồng cũng là một trong những người ra Hà Nội tìm lại kỷ vật này. Sau bao gian nan lần tìm khi tìm thấy được chiếc máy cày, ai nấy vỡ òa hạnh phúc khi kỷ vật vẫn được cất giữ trong khu nhà máy dù đã hư hỏng nhiều và chưa có phụ tùng thay thế. Sau 2 tháng nỗ lực, cùng sự giúp đỡ của nhiều đơn vị, đến tháng 2-1981, quê hương Vĩnh Kim lại rộn vang, xúc động đón quà tặng của Bác về lại sau nhiều năm lưu lạc. Nhớ ơn Bác, bao năm qua, xã Vĩnh Kim giữ gìn, nâng niu kỷ vật thiêng liêng này. Đến năm 2007, xã xây nhà Truyền thống nhằm cất giữ, bảo tồn chiếc máy cày cùng nhiều hiện vật trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc, trong đó, chiếc máy cày Zetor được đặt ở vị trí trung tâm.
Nhớ ơn Người, nhân dân Vĩnh Kim từng ngày vươn lên, xây dựng quê hương giàu đẹp. Năm 2014 Vĩnh Kim là 1 trong 3 xã đầu tiên của Quảng Trị đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2019, Vĩnh Kim được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Quê hương khang trang, cuộc sống đi lên càng nhắc nhớ về tấm lòng của Bác Hồ kính yêu trong lòng người dân nơi đây. Điều đó càng khiến không chỉ quê hương Vĩnh Kim mà cả Vĩnh Thạch đều đồng lòng sau sáp nhập xã, chung sức bảo vệ kỷ vật vô giá này.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_224853_gin-giu-chiec-may-cay-bac-tang.aspx