Gìn giữ kiến trúc dân tộc: Đừng để đồng bào 'thoát ly' bản sắc của dân tộc mình
Thời gian qua, công tác quản lý kiến trúc, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, nhất là các địa phương đang đẩy mạnh phát triển du lịch có cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tạo dựng những nét riêng biệt trong quy hoạch, công trình kiến trúc có bản sắc vùng, miền được đánh giá là việc làm cần thiết, vừa bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, dân tộc vừa góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương đến du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.
Kiến trúc dân tộc đang mai một
Cùng với tốc độ đô thị hóa, điều kiện kinh tế-xã hội thay đổi, ở nhiều nơi, đồng bào dân tộc thiểu số có xu hướng "thoát ly" nhà ở truyền thống khiến nguy cơ mai một bản sắc ngày càng hiện hữu. Đây là nỗi lo không chỉ của các cấp lãnh đạo địa phương mà cũng là nỗi trăn trở của các nhà quy hoạch, kiến trúc sư (KTS) trong nhiều năm qua.
Các xã Y Tý, Trịnh Tường... của huyện Bát Xát được xem là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến với Lào Cai. Đến đây, du khách được khám phá những nét độc đáo trong văn hóa truyền thống của đồng bào Hà Nhì, đặc biệt là những ngôi nhà trình tường-bản sắc riêng của đồng bào nơi đây. Nhưng hiện nay, tại các bản của người Hà Nhì, không khó để nhận thấy những ngôi nhà xây với gạch, ngói và xi măng đang dần thay thế những ngôi nhà trình tường. Bởi làm một ngôi nhà trình tường mất khá nhiều thời gian, công sức với kinh phí không rẻ, từ 300 đến 400 triệu đồng. Vì vậy, chính quyền địa phương và các ban, ngành vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, định hướng cho bà con giữ kiến trúc nhà truyền thống.
KTS Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam nhìn nhận: Thực tế, một số điểm du lịch nổi tiếng về cảnh quan thơ mộng và kiến trúc đẹp ở Việt Nam đang trong tình trạng biến đổi mạnh mẽ. Đà Lạt (Lâm Đồng) hay Sa Pa (Lào Cai)... giờ đã bị bê tông hóa hơn 80%. Đó chính là sự phá hủy nhân danh phát triển; là sự phát triển chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài, lợi ích của toàn thể cộng đồng. Sửa chữa các sai lầm này mất nhiều thời gian, công sức và thậm chí không thể khôi phục những giá trị từng có.
"Nhìn lại sự phát triển của kiến trúc hơn 20 năm qua, dễ dàng nhận thấy yếu tố bản sắc-vốn được tích lũy bao năm, từng có vị trí và thành tựu đáng kể, chưa được phát huy trong xã hội hiện đại, thậm chí nảy sinh đứt gãy, biến dạng giữa truyền thống và hiện đại", KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ.
Động viên, hỗ trợ đồng bào giữ bản sắc
Ngày 7/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 4/CT-TTg "Về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống" đã nêu: "Quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, văn hóa, lối sống với nông thôn nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng. Nhiều khu lân cận các đô thị phát triển một cách tự phát. Khu vực nông thôn, kiến trúc ngày càng mất bản sắc truyền thống, pha tạp, không phù hợp với cảnh quan tự nhiên, cấu trúc làng, xã và yêu cầu phòng, chống thiên tai, các giá trị kiến trúc truyền thống chưa được chú trọng kế thừa và phát triển". Bởi vậy, Chỉ thị số 4/CT-TTg đã đưa ra các nhiệm vụ để "xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế-xã hội, yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế".
Trong khuôn khổ Festival KTS trẻ toàn quốc lần thứ IX năm 2023 diễn ra tại Yên Bái vừa qua, Hội KTS Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Sáng tạo kiến trúc-lan tỏa và hội nhập" thu hút sự tham gia của khá đông nhà quy hoạch, KTS bàn về vấn đề giữ văn hóa bản địa, bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số trong các công trình kiến trúc mới, nhất là các công trình kiến trúc thu hút du lịch.
Là một tỉnh vùng cao đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa các dân tộc, Yên Bái được đánh giá là địa phương đã sớm quan tâm vấn đề quy hoạch kiến trúc, trong đó chú trọng bảo tồn những nét văn hóa và kiến trúc đặc trưng của đồng bào các dân tộc của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, việc tạo dựng những nét riêng biệt trong các đồ án quy hoạch, trong từng công trình kiến trúc có bản sắc vùng, miền trong giai đoạn hiện nay là một việc làm cần thiết, góp phần vừa bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, dân tộc vừa tạo ra các sản phẩm quy hoạch, kiến trúc có sức lan tỏa. Thời gian qua, công tác quản lý kiến trúc, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng đã được các cấp chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành tỉnh Yên Bái quan tâm sát sao; kiến trúc, quy hoạch ngày càng được nâng cao cả về quy mô, chất lượng, có trọng tâm, có chiều sâu, đặc biệt là tại các địa phương trong tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống như: Thị xã Nghĩa Lộ, các huyện: Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu... Các quy hoạch, dự án khu du lịch-nghỉ dưỡng đã có những định hướng nhất định mang tính chất đặc trưng về bản sắc, văn hóa vùng, miền.
KTS Hoàng Thúc Hào cho rằng, kiến trúc không chỉ đơn thuần là gạch, cát, đá, bê tông mà còn phải thể hiện tính nhân văn, có trách nhiệm xã hội, là nghệ thuật xã hội đem lại hạnh phúc cho con người, quan tâm đến lợi ích cộng đồng, có tính lan tỏa ra cộng đồng, tính thiết thực và bền vững. Đặc biệt là ở các vùng, miền có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với những nét văn hóa bản địa đặc sắc, đừng để đồng bào "thoát ly" bản sắc của dân tộc mình; động viên, hỗ trợ họ sống, gìn giữ chính ngôi nhà truyền thống của mình.
Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc Việt Nam rất cần sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các nhà quản lý, các KTS và những người thực hành xây dựng. Cần có cái nhìn thấu đáo, nhân văn để những công trình kiến trúc ấy thực sự vì cộng đồng, hướng tới cộng đồng./.