Gìn giữ nét đẹp truyền thống ở làng cổ Cửu Cao
Xã Cửu Cao có tên nôm là làng Gàu, dân làng thường gọi là làng Gầu. Trải qua các thời kỳ lịch sử, quá trình phát triển, đến nay, xã Cửu Cao có hơn 7 nghìn nhân khẩu với 5 dòng họ chính sinh sống. Các dòng họ ở xã Cửu Cao có truyền thống văn hóa, hiếu học, người dân cần cù, năng động, đoàn kết, chăm lo cuộc sống gia đình và đóng góp thiết thực cho xã hội.
Kiến trúc cổ của Đình Cửu Cao, xã Cửu Cao (Văn Giang) được lưu giữ đến ngày nay
Trải qua các thời kỳ phát triển, các thế hệ người dân xã Cửu Cao luôn giữ gìn, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư. Hiện nay, xã có 4 thôn gồm: Thôn Vàng, thôn Hạ, thôn Nguyễn và thôn Thượng. Theo các cụ cao niên trong xã, Cửu Cao có địa hình tựa như con hạc: Hai sải cánh là cánh đồng thôn Vàng và thôn Nguyễn, mình con hạc là thôn Hạ. Xưa kia có 4 gò cao ở bốn hướng Đông – Tây – Nam – Bắc, tượng trưng cho tứ trấn. Dân làng tin rằng, tứ trấn có các vị thần che chở, phù hộ cho làng bình an, thịnh vượng.
Cửu Cao xưa là một làng cổ, các di tích còn khá nguyên vẹn, gồm: Đình, chùa, miếu và văn chỉ. Đình Chung, hay còn gọi là đình Cửu Cao, nằm trên địa bàn thôn Nguyễn, là đình chung của các thôn trong xã. Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê, trên khu đất cao ráo, thoáng mát ngay cạnh làng. Đình thờ Hoàng Nương công chúa và 4 vị đại vương. Văn chỉ Cửu Cao thờ Khổng Tử và ghi danh những người đỗ đạt của xã. Hàng năm, xã Cửu Cao có nhiều lễ hội tại các di tích, nhưng đông vui và hội tụ nhiều trò chơi dân gian độc đáo là dịp chính hội ngày 8.2 (âm lịch). Vào ngày này, Nhân dân trong xã tạm gác công việc đồng áng, sản xuất để tham gia các hoạt động lễ hội như: Tế lễ, rước kiệu, thi đánh cờ tướng, chọi gà... Trong số những trò chơi dân gian ở xã Cửu Cao được duy trì thì chơi đu tiên mỗi dịp đầu xuân thu hút đông đảo người dân trong làng tham gia. Trò chơi đu tiên từ lâu đã trở thành phong tục, nét đẹp văn hóa in sâu vào tiềm thức của người dân địa phương. Nhân dân trong xã chơi đu tiên thỏa thích đến ngày mùng 10 tháng Giêng mới hạ đu. Không chỉ là trò chơi dân gian mang tính chất vui chơi, giải trí đầu xuân mà trò chơi đu tiên còn góp phần gắn kết cộng đồng dân cư, mang ý nghĩa gửi gắm ước nguyện về một năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, buôn may bán đắt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Làng Gàu xưa vốn có sản vật nông nghiệp phong phú, bằng đôi bàn tay khéo léo, người dân trong làng đã làm ra chiếc bánh giầy trắng dẻo, có hương vị đặc trưng. Chẳng thế mà người làng Gàu vẫn truyền tai nhau câu ca “Mâm cao cỗ đầy – Không bằng bánh giầy làng Gàu”. Ngày nay, gần 20 hộ dân ở Cửu Cao vẫn duy trì và phát triển nghề truyền thống của quê hương. Anh Lê Quang Điền, thôn Nguyễn cho biết: Việc tiếp nối và phát huy nghề làm bánh giầy không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn duy trì nét đẹp nghề truyền thống của quê hương. Để bảo đảm năng suất, giảm sức lao động, gia đình tôi áp dụng máy móc vào khâu giã xôi. Các khâu từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, nặn bánh vẫn được làm thủ công, tỉ mỉ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm nghề truyền thống của địa phương, gia đình. Bánh giầy nay đã trở thành thương hiệu riêng, đặc sản của xã Cửu Cao và được khách hàng đặt mua trong mỗi dịp lễ, tết, công việc quan trọng của gia đình. Mỗi năm, gia đình tôi sản xuất hàng nghìn chiếc bánh giầy các loại.
Phát huy truyền thống khoa bảng của quê hương, xã Cửu Cao quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục của học sinh trong xã. 7 đơn vị khuyến học của xã luôn quan tâm, động viên tinh thần hiếu học của học sinh; trong đó, tiêu biểu là nét đẹp phong trào khuyến học của dòng họ Bùi Ngô ở thôn Hạ. Hàng năm, dòng họ vận động con, cháu đóng góp kinh phí để duy trì quỹ khuyến học; động viên các cháu học sinh của dòng họ nỗ lực học tập, kịp thời giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Ông Bùi Ngô Thành, thôn Hạ cho biết: Vào ngày giỗ tổ của dòng họ, chúng tôi tổ chức dâng hương tưởng nhớ tổ tiên, báo cáo thành tích học tập của con, cháu trong dòng họ; khen thưởng, động viên các cháu có thành tích cao trong học tập; cùng ôn lại truyền thống cách mạng, khoa bảng của dòng họ để các thế hệ trẻ có ý thức về trách nhiệm của bản thân, tiếp tục phát huy truyền thống...
Trải qua thời gian với những thăng trầm lịch sử, làng cổ Cửu Cao hôm nay đang dần đổi thay, phát triển không ngừng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bền vững. Những giá trị truyền thống xưa, quý báu của xã vẫn được các thế hệ người dân gìn giữ từ năm này qua năm khác như niềm tự hào về quê hương. Vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng đặc trưng của làng quê vùng Đồng bằng Bắc bộ với cây đa, giếng nước, sân đình, tiếng nhịp chày giã bánh đều đều mỗi sáng vẫn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện đại, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.