Gìn giữ nét đẹp văn hóa người Cờ Lao đỏ - Bài 2: Một số nét đặc trưng bị mai một
Theo thời gian cùng sự chung sống và giao lưu buôn bán với các dân tộc khác, một số nét đặc trưng của người Cờ Lao đỏ tại Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã bị mai một, mất đi.
Trước thực trạng này, những người làm văn hóa đang trăn trở về việc phục dựng lại để thế hệ sau của người Cờ Lao đỏ biết được ngôn ngữ, đặc trưng của dân tộc mình.
Khi tiếng Cờ Lao không còn được sử dụng
Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì Trần Chí Nhân, do đặc điểm và thói quen sống quần cư nên người Cờ Lao xã Túng Sán sống theo làng, bản. Tuy nhiên, trong các làng, bản của người Cờ Lao vẫn có một số dân tộc khác sống đan xen. Điều đó đã tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc với nhau, thể hiện qua sự biến điệu, pha trộn về ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán và một số lễ nghi truyền thống.
Hiện những em nhỏ người dân tộc Cờ Lao đỏ tại Túng Sán gần như không còn nói được tiếng Cờ Lao. Ngoài tiếng Việt được sử dụng phổ thông khi đi học, các em giao tiếp với nhau bằng những ngôn ngữ khác.
Không chỉ người trẻ không nói được tiếng Cờ Lao, mà ngay cả người già cũng không còn nhiều người biết tiếng của dân tộc mình. Theo một số cụ cao niên tại xã Túng Sán, tiếng Cờ Lao hiện tại chỉ còn xuất hiện ở những bài văn cúng cổ, hoặc một số đoạn của các bài hát dân ca. Tuy nhiên, đời nọ truyền lại đời kia theo lối truyền miệng, rất ít người hiểu được ý nghĩa thực sự. Vì vậy, bà con mong muốn Đảng và Nhà nước sẽ xây dựng một đề án để khôi phục lại vốn ngôn ngữ, vì ngôn ngữ cũng là văn hóa rất quan trọng của đồng bào.
Là người tận tâm với công tác bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ông Bùi Thanh Hưởng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì luôn trăn trở về việc ngôn ngữ của người Cờ Lao đỏ tại Túng Sán ngày càng mai một. Ông Bùi Thanh Hưởng cho biết: Đồng bào hiện đang sử dụng ngôn ngữ tiếng Hán để giao tiếp trong đời sống hàng ngày. Bà con đã không còn nói được tiếng Cờ Lao gốc của mình nữa.
Chúng tôi rất mong muốn từ những chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ xây dựng một đề án để có thể khôi phục lại vốn ngôn ngữ, vì ngôn ngữ cũng là văn hóa rất quan trọng của đồng bào, ông Bùi Thanh Hưởng chia sẻ.
Trang phục truyền thống không còn giữ nguyên bản
Hiện người Cờ Lao đỏ tại Túng Sán mặc trang phục truyền thống nguyên bản là điều rất hiếm gặp. Theo chị Min Thị Nguyệt (thôn 4 Tả Chải, xã Túng Sán), để phù hợp với đời sống hàng ngày trong lao động, sản xuất, giao thương, buôn bán, bà con giờ không còn thường xuyên mặc váy như trước nữa. Việc may áo giờ cũng được cải tiến, cách tân đi nhiều.
Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì Trần Chí Nhân chia sẻ: Trước đây, chất liệu vải để may quần áo và các vật dụng đi kèm của người Cờ Lao được nhân dân tự dệt bằng lanh hoặc sợi bông tự trồng, sau đó đem nhuộm bằng nhựa củ nâu và lá chàm. Mỗi gia đình đều có những chiếc xa để quay sợi lanh, một hoặc hai chiếc khung cửi. Thời gian gần đây, trang phục thường ngày của bà con đã có nhiều sự thay đổi. Trang phục của phụ nữ được may bằng vải Trung Quốc, có màu xanh dương, quần đen. Khăn đội đầu được thay bằng khăn len nhiều màu có từng ô vuông màu xanh hoặc màu đỏ. Tuy nhiên, kiểu dáng và hình thức trang phục của cả nam và nữ vẫn được giữ nguyên.
Cũng theo ông Trần Chí Nhân, trang phục nam cổ truyền đặc trưng nổi bật nhất là áo 4 thân dài đến ngang mông, mở đằng trước, khuy bằng vải, cổ đứng. Áo có 3 túi và chủ yếu đều khâu bằng vải đen, chất liệu vải mộc nhuộm bằng lá chàm. Trang phục truyền thống của phụ nữ thường được may bằng chất liệu vải mộc tự dệt, nhuộm màu đen. Áo may dài đến đầu gối, 4 thân, tà xẻ dài 2 bên hông, cổ đứng, áo cài cúc chéo sang bên nách phải; phần trên ngực áo được trang trí vòng tròn trước, sau bằng những khoanh vải có màu sắc đẹp. Hai ống tay áo được may đáp bằng một mảnh vải hoa rộng khoảng 2 cm hoặc có khâu nảy các nét chỉ màu, cách gấu áo 3 - 5 cm.
Hiện nay, phụ nữ dân tộc Cờ Lao đỏ chủ yếu vẫn sử dụng trang phục theo kiểu truyền thống; tuy nhiên không thường xuyên và không nguyên bản như bộ trang phục gốc bởi sự giao thoa giữa các dân tộc và để thuận tiện trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất hàng ngày. Bộ trang phục truyền thống chủ yếu chỉ được sử dụng trong những dịp quan trọng...
Vấn đề này không chỉ xảy ra ở nhóm người Cờ Lao đỏ tại Túng Sán mà một số dân tộc khác cũng diễn ra tình trạng tương tự. Đối với dân tộc rất ít người như Cờ Lao, việc không sử dụng thường xuyên trang phục truyền thống gốc sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất đi trang phục truyền thống giống như ngôn ngữ. Tất nhiên, điều đó sẽ không diễn ra trong một vài năm, mà phải trải qua quá trình nhiều năm.
Những năm gần đây, sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế đã tạo điều kiện tích cực cho đồng bào mở mang giao lưu với các dân tộc khác khiến sự tiếp biến văn hóa diễn ra ở cường độ cao, đã góp phần xóa dần khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi. Thế nhưng, sự đổi thay về kinh tế đã khiến cho đồng bào dân tộc Cờ Lao ở đây đang "đánh mất" dần những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của mình.
Việc duy trì bản sắc và sự đa dạng văn hóa của dân tộc Cờ Lao xã Túng Sán, cùng với việc tạo ra cho họ cơ hội tiếp thu những giá trị văn hóa của các dân tộc khác để từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế là việc làm cần thiết.