Gìn giữ nghề đan quẩy tấu trên Cao nguyên đá
Trước cuộc sống phát triển, nhiều nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một. Nhưng người Mông ở thôn Lùng Hẩu, xã Thái An (Quản Bạ) vẫn gìn giữ nghề đan quẩy tấu, bởi chiếc quẩy tấu luôn là vật dụng gắn liền với cuộc sống của bà con vùng cao. Ước mong chiếc quẩy tấu và nghề đan lát truyền thống vươn cao, vươn xa là động lực giúp người dân thoát nghèo đang được vun đắp từng ngày ở nơi đây.
Đến Lùng Hẩu, thôn xa nhất cách trung tâm xã hơn 8 km, dù đường xá đi lại khó khăn, song anh cán bộ phụ trách văn hóa dẫn đường vẫn vui vẻ chia sẻ: Mấy năm nay nhờ có nghề đan quẩy tấu mà đời sống của người Mông ở Lùng Hẩu đã khá lên nhiều, nhà nào cũng sắm được ti vi, xe máy; trẻ em được đến trường. Đường lên Lùng Hẩu quanh co, uốn lượn chạy dần lên đỉnh núi cao, làng Mông nhỏ bé được sương mai và nắng sớm ôm ấp dần hiện ra, quanh thôn được bao bọc bởi rừng trúc vàng do người dân trồng để làm nguyên liệu đan lát. Đang ngồi đan quẩy tấu trước cửa nhà, anh Vàng Mí Pua, nhiệt tình mời khách vào chơi và tâm sự: “Nhà tôi làm nghề đan lát lâu lắm rồi, từ đời ông cha truyền lại rồi các thế hệ sau cứ thế tiếp nối. Ngày xưa, nhà nào cũng phải biết đan quẩy tấu vì nó là vật dụng hàng ngày; đến nay ,khi đời sống đã khá lên thì nhiều gia đình không còn đan quẩy tấu nữa mà ra chợ mua, một phần do cây trúc vàng ngày càng khan hiếm”. Anh Pua hiện đang trồng hơn 1.000 m2 trúc vàng thân nhỏ, ruột đặc, dẻo, dai và có độ bền chắc hơn so với trúc dưới xuôi. Một tuần anh đan được khoảng 13 – 14 chiếc quẩy tấu, mang đi bán ở chợ phiên Tráng Kìm, Đường Thượng (Yên Minh). Giá bán dao động từ 100 – 130 nghìn đồng/chiếc. Thu nhập trung bình từ việc bán quẩy tấu vào khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/tháng; nếu có đủ nguyên liệu thì có thể đạt 4 triệu đồng/tháng.
Cả thôn Lùng Hẩu đều biết đan quẩy tấu, nhà nào cũng trồng trúc vàng để làm nguyên liệu. Tuy nghề đan quẩy tấu đang đem lại thu nhập cho các hộ dân, song với những người sống gắn bó với nghề vẫn trăn trở, bởi sự xuất hiện của các loại quẩy tấu làm bằng nhựa bán sẵn ngoài chợ, trong khi vùng nguyên liệu để chế biến đang bị hạn chế. Anh Ly Mí Ly, chia sẻ: “Hầu hết các gia đình ở đây đều có diện tích trúc được trồng từ đời cha ông để lại, số diện tích này không nhiều nhưng chúng tôi rất khó mở rộng do đất đai ở đây khan hiếm. Nếu trồng thêm trúc thì sẽ không có đất để trồng ngô làm lương thực chính dùng hàng ngày. Vì thế hàng tuần, các hộ trung bình chỉ làm được từ 8 – 10 chiếc quẩy tấu, nhiều khi vào vụ mùa là lúc đắt hàng nhất thì số lượng bán quẩy tấu cũng không thể tăng lên được”. Chính vì vậy, việc tăng số lượng sản xuất và đổi mới mẫu mã để phát triển nghề đan lát truyền thống đang gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch UBND xã Thái An, Vàng Vần Chính, cho biết: “Thôn Lùng Hẩu có 90 hộ làm nghề đan quẩy tấu. Để phát triển nghề đan truyền thống, chúng tôi đã thành lập HTX, tổ chức các lớp học nghề, trong đó có mời nghệ nhân từ Bắc Ninh lên dạy cách đan đồ thủ công mỹ nghệ để đa dạng hóa sản phẩm. Chủ động nguồn nguyên liệu cho làng nghề, xã chỉ đạo bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng trúc đã trưởng thành, đồng thời trồng thêm trúc mới. Tuy nhiên đến nay, hầu hết bà con mới dừng lại ở việc đan quẩy tấu vì đây là sản phẩm phù hợp với địa phương, dễ bán. Bên cạnh đó là khó khăn trong việc mở rộng vùng nguyên liệu nên các hộ thỉnh thoảng mới làm một số mẫu đan mới do HTX đặt hàng”. Dù còn nhiều khó khăn trong việc phát triển nghề đan lát, song những chiếc quẩy tấu hàng tuần vẫn được chở đến bán tại các chợ phiên, quẩy tấu Lùng Hẩu vẫn giữ được uy tín, được bà con xa gần biết đến.