Gìn giữ nghề gò đồng đất Kẻ Chợ
Phố Hàng Đồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) từng nức tiếng với nghề gò đồng. Tuy nhiên, những xưởng đồng từ thuở nghề bén rễ đất Kẻ Chợ đang dần mai một, số lượng thợ lành nghề cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Với chiều dài chỉ khoảng 130m, phố Hàng Đồng đã gắn liền với nghề thủ công lâu đời, cho ra lò những kiệt tác bằng đồ đồng với ý nghĩa mang may mắn đến cho mọi nhà. Không chỉ trực tiếp sản xuất, đây cũng là nơi buôn bán đồ đồng rất sầm uất các đồ gia dụng như: Mâm, chảo, bình hoa, đèn đồng trên bàn thờ, đến mâm đồng, nồi đồng, hộp quả… và những pháp khí, nhạc cụ dùng trong lễ nghi Phật giáo, lễ nghi cung đình và lễ nghi dân gian cho cả kinh thành Thăng Long khi ấy.
Gặp ông Nguyễn Đình Dũng, người đang lưu giữ linh hồn của cha ông để lại từ thuở nghề mới bén rễ ở đất Kẻ Chợ này. Ông Nguyễn Đình Dũng ngay từ khi còn nhỏ đã theo ông nội và bố mình làm nghề này. Họ được gọi là những người thợ gò nổi tiếng ở phố Hàng Đồng.
Để duy trì được nghề, ông Dũng cho hay, thị trường nay đã thay đổi, nghề thủ công đòi hỏi phải có lòng yêu nghề và sự kiên trì. Nếu không có đam mê sẽ nhanh nản chí, nóng ruột bởi công sức tạo ra một sản phẩm bằng tay luôn đòi hỏi công phu và rất kỳ công.
Theo ông Dũng, thị trường các sản phẩm gò đồng được ưa chuộng làm bằng 2 loại là đồng đỏ và đồng vàng. Giá cả có sự chênh lệch rõ rệt, đồng đỏ đắt hơn rất nhiều. Để làm các đồ trang trí trong gia đình, người tiêu dùng sẽ lựa chọn đồng vàng, khi ra thành phẩm sẽ đẹp mắt, sáng. Đối với các sản phẩm mang tính cổ điển, nhuốm màu thời gian sẽ được làm từ đồng đỏ.
Đồng nguyên chất, compa, thước kẻ, dao cắt, đe, quai búa với nhiều kích thước, hình dạng, kết cấu và khối lượng khác nhau, mỏ hàn, máy mài… đó là những thiết bị hỗ trợ thiết yếu không thể thiếu của một người thợ gò đồng. Nhưng quan trọng nhất là bàn tay khỏe mạnh và khéo léo, không chỉ cầm quai búa mà còn cảm nhận độ dày mỏng, căng hay duỗi của tấm đồng để tạo ra một sản phẩm ưng ý.
Để gò được một sản phẩm hoàn hảo, người thợ sẽ phải làm đủ các công đoạn như cắt đồng theo hình dáng sản phẩm, gò cho đồng mềm để dễ chế tác, gò tạo hình hoàn thiện, đánh bóng hoặc làm màu sản phẩm theo yêu cầu. Nghe có vẻ đơn giản nhưng mỗi công đoạn đều phải thực hiện đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn và đạt chất lượng. Vì vậy muốn làm được nghề này cần hội tụ đủ đức tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn thận, có gu thẩm mỹ cũng như óc sáng tạo.
Ngày qua ngày, dòng người qua con phố Hàng Đồng vẫn bất ngờ với hình ảnh ông Dũng gắn mình với hàng chục loại búa, đưa lên đập xuống nhịp nhàng. Ai đó đã từng hỏi ông Dũng rằng: “Bây giờ vẫn còn làm nghề này? Sao không chuyển nghề khác cho đỡ vất vả?”. Ông đáp: - Tôi theo nghề, nghề lại gắn vào mình rồi nên cứ theo thôi!.
Xu thế không thể đảo ngược của đô thị hóa Thủ đô đã nhanh chóng làm mất đi nghề gò đồng truyền thống. Bên cạnh đó, sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ đã tạo ra những sản phẩm từ đồng đúc có phần bắt mắt hơn, khiến cho sản phẩm thủ công bị mất vị thế, khó cạnh tranh trong thị trường giá cả khốc liệt.
Ông Dũng cho biết thêm, khó khăn chung của nghề truyền thống phải đối mặt chính là nguyên liệu đầu vào, nhân lực, nguồn vốn cho đến đầu ra của sản phẩm. Khi nghề truyền thống mai một thì hậu quả tất yếu làm người thợ làm nghề mất đi nguồn thu, người trẻ sẽ không còn mặn mà với nghề và đi tìm việc làm mới phù hợp. Không chỉ vậy, ông Dũng cũng chỉ ra, nhân lực của nghề truyền thống nói chung và nghề gò đồng nói riêng không chỉ thiếu mà còn yếu. Bởi, đào tạo ra một thợ thủ công lành nghề mất rất nhiều thời gian, tâm huyết của cả thầy và trò. Đó cũng chính là lý do khiến nhiều nghề truyền thống chỉ còn người già và trẻ nhỏ, những lao động trẻ đều tìm kiếm cho mình kế sinh nhai ở “vùng đất hứa”.
Bài, ảnh: TRẦN HUYỀN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/gin-giu-nghe-go-dong-dat-ke-cho-740629