Gìn giữ nghề thuốc nam của người dân tộc Dao

Với kiến thức phong phú về các loại dược liệu có trong tự nhiên, từ lâu nghề bốc thuốc chữa bệnh đã gắn bó với cuộc sống của đồng bào Dao trên địa bàn xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi. Với các bài thuốc gia truyền, nghề thuốc nam đang được bà con người Dao nơi đây gìn giữ và phát huy.

Với kiến thức phong phú về các loại dược liệu có trong tự nhiên, từ lâu nghề bốc thuốc chữa bệnh đã gắn bó với cuộc sống của đồng bào Dao trên địa bàn xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi. Với các bài thuốc gia truyền, nghề thuốc nam đang được bà con người Dao nơi đây gìn giữ và phát huy.

Chị Phùng Thị Hiền (ngoài cùng bên phải), xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi) giới thiệu cây thuốc nam quý của dân tộc Dao.

Chị Phùng Thị Hiền (ngoài cùng bên phải), xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi) giới thiệu cây thuốc nam quý của dân tộc Dao.

Chị Phùng Thị Hiền sinh ra trong gia đình có 4 đời làm nghề thuốc nam ở xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn. Từ khi còn nhỏ chị thường xuyên theo mẹ lên núi tìm kiếm cây thuốc. Sau khi tốt nghiệp THPT, với mong muốn gìn giữ nghề thuốc nam, bổ sung kiến thức mới trong các bài thuốc nam của dân tộc mình, chị đã theo học Trường Trung cấp Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh. Đến nay, sau gần 20 năm tích lũy kinh nghiệm, chị đã biết trên 120 vị thuốc nam và nhiều bài thuốc chữa các bệnh như: Đau xương khớp, dạ dày, gan, thận, thuốc tắm gia truyền. Chị Hiền chia sẻ: "Từ nhỏ tôi đã được mẹ truyền dạy các bài thuốc nam, mỗi bài thuốc được làm từ hàng chục, hàng trăm loại dược liệu khác nhau. Để có thể học được nghề đòi hỏi sự kiên trì, cẩn trọng và cái tâm của người làm thuốc. Có những loại thuốc phải mất hàng tháng trời lên rừng mới tìm đủ các thành phần”.

Để sản xuất cây dược liệu, điều chế thuốc nam gia truyền của dân tộc Dao, đồng thời tạo việc làm, nâng cao đời sống cho bà con Thung Dao Bắc, năm 2019, chị Hiền thành lập Hợp tác xã (HTX) nam y gia truyền Phùng Gia với số vốn điều lệ 450 triệu đồng, với 7 thành viên. Từ ngày thành lập HTX, bà con không còn theo đuổi cây sắn, cây ngô. Ruộng vườn thành nơi trồng thuốc vì khai thác mãi trên rừng cũng hết. Hơn nữa, bà con muốn nhân giống để bảo tồn nguồn gen quý trước nguy cơ biến mất khi nhà nhà, người người cùng khai thác. Các sản phẩm của HTX được tiêu thụ chính tại thị trường miền Bắc, chủ yếu là Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... Tổng doanh thu trong năm 2023 của HTX đạt trên 3 tỷ đồng. Để mở rộng quy mô sản xuất, tháng 4/2024, HTX nam y gia truyền Phùng Gia giải thể, đồng thời thành lập Công ty TNHH thảo mộc xanh Thiên Nam, có trụ sở tại xóm Ve, xã Đông Bắc, huyện Kim Bôi, sản xuất những sản phẩm như: Trà An phụ phùng gia, trà xạ đen, trà giảo cổ lam, trà bách giải, trà đại phúc bỉ, trà cốt thái an, trà thảo mộc tiêu dao, trà bách chi liên...

Hiện nay, công ty đã chủ động ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước đẩy mạnh hoạt động theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thuốc nam dân tộc, hướng đến sự phát triển bền vững của nền y học cổ truyền dựa trên quy hoạch nguồn nguyên liệu theo nhu cầu thị trường. Thực hiện điều chế có kiểm soát để sản phẩm được kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Y tế. Sản phẩm có truy xuất nguồn gốc cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn trước khi đưa ra thị trường.

Các bài thuốc của người Dao đều được truyền lại bằng phương thức truyền miệng, có tác dụng hỗ trợ chữa nhiều bệnh như: xương khớp, gan, thận, dạ dày, thần kinh, bệnh ngoài da, răng miệng…, một số bài thuốc có tiếng như chữa xương khớp, trĩ và thuốc cho phụ nữ sau sinh. Những tinh hoa, kinh nghiệm làm nghề vì thế vừa kế thừa tri thức cổ truyền của dân tộc vừa tích lũy bí quyết gia truyền của dòng tộc, gia đình.

Đồng chí Bùi Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết: "Để có định hướng bảo tồn nghề thuốc gia truyền của đồng bào Dao, từng bước tạo được thương hiệu thuốc nam. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ khảo sát, thống kê lại những loài cây thuốc nam trong rừng; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong xã cùng bảo tồn, phát triển những cây thuốc quý đang dần bị mai một. Bên cạnh chữa bệnh cứu người, nghề thuốc nam gia truyền cũng góp phần phát triển kinh tế cho các hộ gia đình người Dao. Tuy nhiên, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng và cộng đồng để phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc, mang lại giá trị kinh tế cho người dân tại địa phương.

Bùi Thoa

(Trung tâm VH-TT&TT huyện Kim Bôi)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/191876/gin-giu-nghe-thuoc-nam-cua-nguoi-dan-toc-dao.htm