Gìn giữ ngọt lành

Nhiều năm nay, chỉ mới đầu tháng 7 âm lịch là bánh Trung thu đã bày bán nhiều trên đường phố. Từ cao cấp đến bình dân, chắc có đến hàng ngàn thương hiệu cạnh tranh.

- Có một điều ngày càng thể hiện rõ: Trung thu chủ yếu không còn là dịp vui vầy của trẻ em. Bánh sản xuất ra với sản lượng lớn phần nhiều là để người lớn mua biếu tặng nhau. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bánh có thêm một cao điểm lợi nhuận. Nhưng về mặt tinh thần, ý nghĩa của “tết đón trăng” dành cho trẻ nhỏ đã ngày càng phai lạt.

- Không chỉ dịp này, mà một số ngày kỷ niệm khác cũng chỉ có “nội dung” là… lễ tặng quà! Dường như cứ đến những dịp đó, quà tặng hoặc phong bì lại trở thành một dấu hiệu bắt buộc. Rồi sự nối kết cũng tùy thuộc vào độ mỏng dày, nhiều ít của quà cáp. Dòm vậy thấy buồn ghê.

- Lợi ích về thương mại sẽ thúc đẩy mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Và nếu xu hướng tối đa hóa đó càng len sâu vào đời sống, giá trị vật chất sẽ thắng thế so với giá trị tinh thần. Nhưng cũng đừng bi quan để chỉ nhìn thấy màu u ám. Bởi mỗi dịp Trung thu, vẫn có nhiều hoạt động sẻ chia dành cho trẻ em nghèo, cơ nhỡ. Bao nhiêu bánh và lồng đèn đã thắp cho tình người và niềm vui sáng lên, lan tỏa. Cuộc sống có thế này và cũng có thế kia, nên cứ ráng gìn giữ ngọt lành.

TƯ QUÉO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/gin-giu-ngot-lanh-683710.html