Gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa
Bình Phước là nơi quy tụ 41 cộng đồng các dân tộc cùng chung sống. Các dân tộc Bình Phước có truyền thống yêu nước nồng nàn, cần cù, sáng tạo trong lao động, kiên cường, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm. Những phẩm chất cao quý này đã làm nên kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú. Đây chính là những sắc màu làm nên vẻ đẹp tinh thần độc đáo của người Bình Phước, góp phần làm đa dạng thêm kho tàng văn hóa Việt Nam.
Nhạc sĩ Minh Phương (tên thật là Nguyễn Văn Phức) hiện sinh hoạt tại Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh. Ông đam mê nghiên cứu, sáng tác các nhạc phẩm ca ngợi, lan tỏa nền văn hóa Bình Phước đến công chúng. Nhạc sĩ Minh Phương cho rằng, các giá trị văn hóa Bình Phước cần được bảo tồn và phát triển hơn nữa.
Nhạc sĩ Minh Phương cho biết: Bình Phước có 45 di tích lịch sử, văn hóa, tiêu biểu như: Di tích nơi thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ, Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Căn cứ Cục Hậu cần quân giải phóng, Địa điểm chiến thắng Đồng Xoài, di tích mộ 3.000 người…
Các di tích lịch sử này ghi dấu truyền thống anh hùng cách mạng không chỉ của quê hương Bình Phước mà còn là của cả dân tộc Việt Nam anh dũng chống giặc ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chính vì vậy, các di tích lịch sử, văn hóa Bình Phước là những bông hoa sáng chói trong vườn hoa muôn sắc của non sông Việt Nam. Ý thức được tầm quan trọng của các di tích, Bình Phước đã đầu tư, tôn tạo và phát triển các di tích này xứng tầm để trở thành điểm đến tham quan du lịch và giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng.
Dân ca S’tiêng Bình Phước có nhiều thể loại: hát ru, hát đồng dao, hát tăm pớt, hát tự sự, tâm tình, giao duyên, giải trí, tình ca… Dân ca S’tiêng phong phú, đa dạng, tiết tấu đơn giản, lời lẽ mộc mạc, trong sáng, nhưng tính chất âm nhạc rất gần gũi với mọi giai đoạn của đời người. Trong dân ca S’tiêng, con người với thiên nhiên và thần linh thành một thể thống nhất. “Dân ca S’tiêng là một điểm son quan trọng xứng đáng được bảo lưu và truyền dạy trong kho tàng văn hóa Bình Phước. Tuy nhiên hiện nay, dân ca S’tiêng bị mai một khá nhiều” - nhạc sĩ Minh Phương trăn trở.
Cồng, chiêng là bộ nhạc khí thuộc họ thân rung vang của dân tộc S’tiêng. Với đồng bào S’tiêng, cồng và chiêng vừa thể hiện sự giàu sang về vật chất vừa là biểu tượng cho sức mạnh tinh thần và tâm linh. Tiếng cồng, chiêng vang lên trong mọi lễ hội của đồng bào S’tiêng để nối kết con người với tổ tiên và các bậc thần linh. Ngoài âm nhạc, dân tộc S’tiêng còn có nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Những nghệ nhân với đôi tay khéo léo đã dệt nên các bộ trang phục thổ cẩm tinh xảo. Họ mang cả thế giới thiên nhiên diệu kỳ từ động vật đến cỏ cây, hoa lá vào trong bộ trang phục thổ cẩm, làm nên nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.
Theo nhạc sĩ Minh Phương, ẩm thực Bình Phước phong phú, nổi tiếng với món xôi hạt điều, cơm lam, canh thụt, canh bồi của đồng bào S’tiêng... Ngoài ra còn có món bánh gừng, bánh tét lá cẩm của đồng bào Khmer, món cá nướng lá tre và gà nướng lá chanh của đồng bào M’nông. Tuy nhiên, chúng chưa tạo được thương hiệu trên thị trường mà chỉ là những món ăn thông thường hằng ngày trong đời sống đồng bào.
Để bảo tồn và phát huy kho tàng văn hóa đa sắc màu, Bình Phước đã tổ chức Hội nghị Văn hóa năm 2023, ban hành các nghị quyết đầu tư tôn tạo và xây mới các công trình văn hóa. Cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Bình Phước nói chung và đồng bào S’tiêng nói riêng được thực hiện, thế nhưng việc truyền tải những thông điệp của các công trình này đến đại chúng còn rất hạn chế. Từ những băn khoăn, trăn trở đó, nhạc sĩ Minh Phương cho rằng, các giá trị văn hóa Bình Phước cần được bảo tồn và phát triển một cách tích cực hơn nữa. Tỉnh nên đưa dân ca S’tiêng vào giảng dạy trong trường dân tộc nội trú. Đồng thời, mở các lớp dạy dân ca S’tiêng, cồng, chiêng cho học sinh và thanh thiếu niên tại nhà văn hóa các thôn, sóc vào dịp hè hoặc các ngày nghỉ lễ. Tổ chức các cuộc thi hát dân ca S’tiêng, đánh cồng, chiêng cho mọi lứa tuổi vào ngày hội đại đoàn kết toàn dân hằng năm cho cả đồng bào S’tiêng và các dân tộc khác. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhạc sĩ viết lời mới về các làn điệu dân ca S’tiêng và sáng tác ca khúc mới mang âm hưởng dân ca S’tiêng. Có như vậy, các thế hệ trẻ S’tiêng mới biết ơn ông cha, mới thấm nhuần chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sẵn sàng xả thân xây dựng và bảo vệ vững chắc sự nghiệp các thế hệ đi trước đã dày công xây dựng. Đồng thời, họ sẽ phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết và kiên cường của dân tộc, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu của đất nước.
“Trách nhiệm của thế hệ đương thời không chỉ gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa mà còn phải truyền tải những thông điệp sâu sắc của nó vào lòng mỗi người dân Bình Phước, làm cho những giá trị ấy có thể trổ hoa sinh trái tốt tươi. Những sắc màu văn hóa Bình Phước chính là cơ hội, tiềm năng, những khối gỗ quý đang mong chờ bàn tay các nghệ nhân điêu khắc để trở thành những tác phẩm độc đáo cho Việt Nam và thế giới” - nhạc sĩ Minh Phương chia sẻ.