Gìn giữ, phát huy ngôn ngữ dân tộc trong giới trẻ vùng non nước Cao Bằng
Sở VHTTDL Cao Bằng vừa phối hợp với Sở GD&ĐT Cao Bằng tổ chức cuộc thi 'Bảo tồn tiếng dân tộc Tày, Nùng cho học sinh THCS và THPT trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng' nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá hình ảnh du lịch Cao Bằng đến du khách trong và ngoài nước.

Phần thi năng khiếu của trường THPT Cao Bình, thành phố Cao Bằng
Cuộc thi do Sở VHTTDL Cao Bằng phối hợp với Sở GD&ĐT Cao Bằng phát động từ cuối tháng 3.2025 nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học sinh và cộng đồng trong việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Qua đó, quảng bá các giá trị đặc sắc của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng bằng ngôn ngữ của các dân tộc, hướng đến phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc và bảo vệ môi trường.
Với nhiều hoạt động bổ ích, cuộc thi không chỉ là sân chơi trí tuệ và sáng tạo, mà còn tạo hiệu ứng truyền thông tích cực, thu hút sự quan tâm rộng rãi, lan tỏa thông điệp gìn giữ tiếng nói và di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần tạo phong trào học và sử dụng tiếng dân tộc thiểu số như Tày, Nùng trong giới trẻ, góp phần bảo vệ ngôn ngữ truyền thống trước nguy cơ mai một.

Phần thi năng khiếu của trường THCS Nà Giàng, huyện Hà Quảng
Vòng bán kết có sự tham gia của 12 đội thi là thành viên CLB “Cùng em khám phá Công viên địa chất Non nước Cao Bằng” của các trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố Cao Bằng, các huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang, Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình và Thạch An. Các thí sinh tham gia tranh tài ở hai phần thi tuyên truyền viên giỏi và năng khiếu.

Phần thi năng khiếu của trường THPT Thạch An, huyện Thạch An
Trong phần thi tuyên truyền viên giỏi, các đội thi trình bày kết quả triển khai các hoạt động bảo tồn tiếng dân tộc tại trường học thông qua mô hình CLB “Cùng em khám phá công viên địa chất bằng tiếng dân tộc Tày hoặc Nùng trong thời gian tối đa 6 phút. Các tiết mục đa dạng, sáng tạo, kết hợp giữa thuyết trình trực tiếp trên sân khấu với các sản phẩm minh họa như pano thông tin, báo tường, tranh vẽ, hoạt cảnh...

Cuộc thi góp phần lan tỏa ý thức gìn giữ, phát huy tiếng nói của dân tộc trong thế hệ trẻ
Ở phần thi năng khiếu, các đội thi thể hiện phần năng khiếu bằng tiếng Tày hoặc Nùng, thời lượng tối đa của mỗi đội thi là 8 phút. Các tiết mục phong phú về hình thức sáng tác và trình bày thơ ca, hò vè, đặt lời mới cho dân ca truyền thống, vẽ tranh, làm báo tường, diễn tiểu phẩm, kịch ngắn, thuyết minh du lịch, hùng biện bằng tiếng dân tộc.
Các tiết mục được các em học sinh thể hiện bằng tiếng Tày, Nùng một cách linh hoạt, sinh động, phản ánh sự sáng tạo, niềm tự hào dân tộc và hiểu biết sâu sắc của học sinh về văn hóa truyền thống, góp phần lan tỏa ý thức gìn giữ, phát huy tiếng nói của dân tộc trong thế hệ trẻ.
Kết thúc vòng bán kết, Ban tổ chức đã chọn ra 8 đội thi xuất sắc bước vào vòng chung kết dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 29.5, tại làng đá Khuổi Ky, huyện Trùng Khánh.