Gìn giữ, trao truyền nghệ thuật dân gian cho thế hệ trẻ Cơ Ho

Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số công bố năm 2019, dân tộc Cơ Ho có 200.800 người, cư trú tập trung ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk và Đồng Nai. Đồng bào Cơ Ho có di sản nghệ thuật trình diễn dân gian rất phong phú, đặc sắc, chủ yếu được truyền miệng và thực hành diễn xướng trong cộng đồng từ đời này sang đời khác.

Nghệ nhân truyền dạy cách chơi chiêng của dân tộc Cơ Ho cho học viên tại xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận.

Nghệ nhân truyền dạy cách chơi chiêng của dân tộc Cơ Ho cho học viên tại xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận.

Mạch nguồn di sản

Dân ca, dân vũ, dân nhạc của người Cơ Ho là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt thường ngày, gắn liền với các lễ nghi, lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, dòng tộc, gia đình... như Lễ hội đâm trâu, Lễ cúng mừng lúa mới, lễ cúng ông bà, trong dịp Tết hay đám cưới, đám hỏi, trong lao động sản xuất trên nương rẫy... Đồng bào Cơ Ho coi loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian là phương tiện, cầu nối giữa con người với con người, giữa con người với các đấng thần linh, tạo mối quan hệ gắn kết cộng đồng và không ngừng được sáng tạo, bồi đắp qua từng thế hệ để tạo nên giá trị bản sắc văn hóa riêng.

Theo lời kể của các nghệ nhân dân tộc Cơ Ho ở các xã Đông Giang, La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận thì trong lễ nghi cúng lúa mới của dân tộc đều có điệu hát “Cúng lúa mới” với tiết tấu chậm rãi, mang yếu tố tâm linh. Khi các nghi thức lễ kết thúc, người Cơ Ho thường diễn xướng các động tác múa tín ngưỡng dân gian để tạ ơn thần linh. Còn trong sinh hoạt cộng đồng, cuộc vui của gia đình, dòng họ trong dịp Tết, đám cưới, đám hỏi và lao động sản xuất sẽ hát các điệu “Tỏ tình”, “Ô mê lơi”, “Đối đáp”... để dặn dò, dạy dỗ, khuyên nhủ con cháu làm những điều tốt; kể về cuộc sống khó khăn trước đây và các vấn đề khác diễn ra thường ngày.

Trước đây, nhạc cụ của dân tộc Cơ Ho rất phong phú nhưng hiện nay chỉ còn lưu giữ được cồng, chiêng, trống Sagơr, kèn bầu, lục lạc. Các nhạc cụ này thường được diễn tấu với các điệu nhạc trong các lễ cúng của gia đình, dòng tộc và các lễ hội, ngày vui của cộng đồng.

Đặc biệt là nhạc cụ cồng chiêng đi cùng người Cơ Ho suốt cả vòng đời - từ khi cất tiếng khóc chào đời, đến khi nhắm mắt xuôi tay về với Yàng. Trong các lễ nghi nông nghiệp đều có âm vang cồng chiêng, trong những sự kiện buồn vui, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào, cồng chiêng đều hiện hữu. “Tiếng chiêng nhỏ, chiêng to, cồng con, cồng mẹ hòa vào nhau như mưa như gió, lúc nhẹ như nước chảy, lúc êm như gió chiều, lúc ầm ầm thác đổ, như sấm rền tháng 8, như mưa sa tháng 10. Đánh to rồn rập, tiếng chiêng luồn vào rừng sâu, bò lên núi cao; đánh chậm, tiếng chiêng trườn lên đồng cỏ, thú rừng quên ăn, quên uống, ngẩng đầu nghe tiếng chiêng”.

Tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, người Cơ Ho chơi chiêng với dàn chiêng 6, khèn M’puốt, Ching Yu (đấu chiêng đôi). Trong lễ hội, khi men rượu cần đã ngấm sâu vào mỗi người thì cũng là lúc các chàng trai thử tài đánh chiêng để chiếm lấy trái tim của các cô gái. Ching Yu là một hình thức đấu chiêng của người Cơ Ho như một cuộc chơi tao nhã. Trong thể thức cuộc chơi này, các chàng trai sẽ dùng tài nghệ đánh chiêng của mình để ép đối phương không đánh chiêng được, át đi tiếng chiêng của đối phương, làm cho đối phương loạn nhịp, sẽ giành chiến thắng. Phần thưởng giành cho người thắng cuộc là những cần rượu, ánh mắt và nụ cười ngọt ngào của các cô gái.

Những bạn trẻ là thế hệ kế cận lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Cơ Ho.

Trao truyền cho mai sau

Trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, người Cơ Ho hôm nay vẫn lưu giữ các điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc mình, nhưng số lượng người biết hát, múa và sử dụng nhạc cụ truyền thống ngày càng ít đi, nhất là với thế hệ trẻ thì hầu như rất ít người biết diễn xướng. Một số nghệ nhân lớn tuổi say mê, tâm huyết với văn hóa dân tộc đã cố gắng gìn giữ, bảo tồn và tìm cách truyền dạy lại di sản văn hóa của cha ông cho thế hệ trẻ. Đặc biệt là khi có Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đôgnf bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 đã mang đến “luồng gió mới” để các nghệ nhân có điều kiện để bảo tồn, truyền dạy, phát huy di sản văn hóa bằng những việc làm thiết thực.

Đơn cử như tại tỉnh Bình Thuận, hồi tháng 11/2023, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận phối hợp với UBND xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, tổ chức lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc) của người Cơ Ho cho 20 học viên. Trong thời gian 10 ngày, các nghệ nhân đã hướng dẫn, truyền dạy các kỹ thuật ngâm hát dân ca, các điệu múa dân vũ và chơi các loại nhạc cụ truyền thống như kèn bầu, lục lạc, cồng chiêng, trống... cho thế hệ trẻ. Các nghệ nhân K’Văn Phiếp, Huỳnh Văn Đẹp, K“Văn Bún, K” Thị Hậu (xã Đông Giang) được mời đứng lớp đều rất nhiệt tình truyền dạy. Họ rất vui và có niềm tin từ đây nét văn hóa đặc sắc của dân tộc sẽ được lưu truyền trong cộng đồng, không còn sợ thất truyền, mai một.

"Đội chiêng nhí" tại không gian nhà sàn của gia đình Nghệ nhân Ưu tú K’Bes, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng

Hay như tại Lâm Đồng, việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Cơ Ho cũng được địa phương đặc biệt quan tâm. Từ tháng 8/2023, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì phối hợp cùng với UBND huyện Lâm Hà, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện và xã Tân Văn triển khai lớp truyền dạy cồng chiêng cho 2 đội chiêng “nhí” dân tộc Cơ Ho (nhóm Cơ Ho Srê). 2 Nghệ nhân Ưu tú là K’Chung và K’Bes cùng nghệ nhân K’Ken đảm trách việc truyền dạy các bài chiêng cơ bản cho 14 thành viên trong đội chiêng nam và đội chiêng nữ.

Theo Nghệ nhân Ưu tú K’Bes, đến nay các nghệ nhân đã truyền dạy cho “Đội chiêng nhí” nam được 2 bài chiêng cơ bản. Riêng “Đội chiêng nhí” nữ đã truyền dạy được 4 bài. Mặc dù đã truyền dạy cồng chiêng cho nhiều lớp, nhiều đối tượng khác nhau, nhưng đây là 2 đội chiêng mà ông thích nhất, tâm đắc nhất.

Bên cạnh việc truyền dạy dân ca, dân vũ của người Cơ Ho cho thế hệ trẻ, tỉnh Lâm Đồng cũng đã quan tâm, tạo điều kiện thành lập các CLB dân ca, dân vũ dân tộc Cơ Ho nhằm tạo sân chơi văn hóa, nghệ thuật cho đồng bào, bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với bản sắc văn hóa của dân tộc Cơ Ho gắn với phát triển du lịch. Đơn cử như việc thành lập CLB dân ca, dân vũ dân tộc Cơ Ho tại thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng với 35 thành viên tâm huyết. CLB đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các nghệ nhân phổ biến, tuyên truyền nội dung xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nhằm triển khai có hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”; Thực hành kỹ năng biểu diễn, biên đạo, dàn dựng một số tiết mục dân ca, dân vũ đặc trưng của dân tộc Cơ Ho... Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, văn minh. Đề cao vai trò của chủ thể văn hóa, các nghệ nhân trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Có thể khẳng định, việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Cơ Ho sẽ làm phong phú thêm văn hóa địa phương, nâng cao khả năng thực hành văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc, góp phần quảng bá, giới thiệu đất và người nơi đồng bào Cơ Ho sinh sống đến bạn bè và du khách.

Ngọc Ánh (Báo Dân tộc và phát triển)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/gin-giu-trao-truyen-nghe-thuat-dan-gian-cho-the-he-tre-co-ho-218236.htm