Gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
PTĐT - Phú Thọ là vùng đất cội nguồn của dân tộc- nơi đang gìn giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể với những giá trị độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất Tổ.
PTĐT - Phú Thọ là vùng đất cội nguồn của dân tộc- nơi đang gìn giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể với những giá trị độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất Tổ. Để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng những năm gần đây, Phú Thọ đã có những chủ trương, chính sách, quan điểm nhất quán, xuyên suốt để gìn giữ di sản cho thế hệ mai sau.
Tạo “không gian sống” cho di sản văn hóa phi vật thể
Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) các dân tộc trên địa bàn tỉnh còn được bảo tồn rất đa dạng, phong phú, gồm tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề truyền thống và tri thức dân gian. Tỉnh Phú Thọ đã và đang có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp hiệu quả khuyến khích các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT, hỗ trợ kinh phí cho các cá nhân, tập thể, cộng đồng tham gia nghiên cứu, sưu tầm các truyền thuyết, nghi lễ, diễn xướng dân gian liên quan di sản thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, tổ chức kiểm kê khoa học, xây dựng ngân hàng dữ liệu, quảng bá, hỗ trợ hoạt động truyền dạy, thực hành di sản, đặc biệt là tạo “không gian sống” cho DSVHPVT bởi mỗi DSVHPVT đều gắn với không gian thực hành di sản, đó chính là những mái đình cổ, những ngôi đền, miếu… và người dân là chủ thể thực hành, gìn giữ di sản. Để có không gian thực hành tín ngưỡng, tổ chức lễ hội, diễn xướng dân gian… trong số 318 di tích đã được xếp hạng, có gần 200 di tích được tu bổ, tôn tạo, phục dựng trong 10 năm qua như: Đình Thét- xã Kim Đức, đình An Thái- xã Phượng Lâu, đàn Tịch điền- phường Minh Nông (thành phố Việt Trì); đền Du Yến- xã Chí Tiên, đền Thượng- xã Ninh Dân (huyện Thanh Ba); đình Thạch Khoán- xã Thạch Khoán (huyện Thanh Sơn); đền Lăng Sương (huyện Thanh Thủy), đình Hạ Mạo, chùa Long Khánh (thị xã Phú Thọ)… Công tác phục hồi không gian thờ tự, những nghi lễ, diễn xướng liên quan cùng việc khuyến khích trao truyền, thực hành nghi lễ, tín ngưỡng cho các thế hệ đã góp phần giáo dục ý thức về nguồn cội và đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt, để di sản mãi mãi trường tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại. Là địa phương có gần 60% dân số là đồng bào dân tộc Mường, huyện Thanh Sơn thực hiện có hiệu quả “Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025” để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay, toàn huyện có 96 câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường được thành lập ở 100% các xã, thị trấn, thu hút đông đảo người dân tham gia hưởng ứng, từ đó góp phần phát huy những nét đẹp truyền thống, đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Từ hoạt động của các CLB, nhiều người đã tham gia luyện tập và biết thêm các hình thức diễn xướng dân gian, hiểu biết thêm về các DSVHPVT đặc trưng của dân tộc Mường. Cùng với việc thành lập các CLB văn hóa Mường, huyện Thanh Sơn còn hỗ trợ các xã, thị trấn mua gần 30 bộ cồng chiêng, nâng tổng số chiêng hiện có khoảng 300 chiếc để hoàn thiện không gian văn hóa dân tộc Mường.
Kế thừa và phát huy giá trị di sản Trong thực tế, đối với các DSVHPVT, cộng đồng đã đóng vai trò chủ thể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị, bao gồm cả hai DSVHPVT đại diện của nhân loại là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”. Sau khi được UNESCO vinh danh, Hát Xoan Phú Thọ đã có sự lan tỏa trong đời sống xã hội. Nếu như trước đây, việc truyền dạy hát Xoan chủ yếu do các nghệ nhân cao tuổi thực hiện thì hiện nay, đã có sự chuyển giao từ các nghệ nhân cao tuổi sang lớp nghệ nhân kế cận, thậm chí trùm phường Xoan Kim Đái mới chỉ ngoài 30 tuổi. Việc truyền dạy hát Xoan không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ 4 phường Xoan gốc là An Thái (xã Phượng Lâu), Phù Đức, Kim Đái, Thét (xã Kim Đức), thành phố Việt Trì mà còn từ việc tổ chức các lớp truyền dạy, thực hành hát Xoan, đào tạo nghệ nhân kế cận, đưa hát Xoan vào trường học, thành lập các CLB Hát Xoan và dân ca ở khắp các địa phương trong tỉnh. Không riêng đối với di sản Hát Xoan mà các DSVHPVT của đồng bào dân tộc thiểu số như Mường, Dao, Mông, Cao Lan… cũng đang được các địa phương có nhiều cách làm hay để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Một số địa phương trong tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên âm nhạc, cán bộ văn hóa các xã, thị trấn để các nghệ thuật trình diễn dân gian của các dân tộc lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Có nhiều nghệ nhân đã tự tìm tòi, học hỏi, sưu tầm, ghi chép lại những lời các bài hát, cách trình diễn, các nghi lễ truyền thống của dân tộc mình để truyền dạy cho thế hệ mai sau như nghệ nhân ưu tú Hà Thị Sóng ở xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Hoạch ở xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, ông Đinh Văn Thành ở xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn… Theo ông Nguyễn Đắc Thủy - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, để di sản văn hóa nói chung, DSVHPVT nói riêng được bảo tồn và nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, ngoài sự quan tâm của các cấp, các ngành, cần có sự tham gia gìn giữ của cộng đồng với tư cách là chủ thể di sản, trong đó các nghệ nhân đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản, nghệ nhân được coi là báu vật nhân văn sống, là những người gìn giữ, thực hành di sản, đồng thời cũng là những người truyền thụ di sản cho thế hệ sau, quyết định việc bảo tồn, lan tỏa giá trị DSVHPVT. Một trong những hướng đi để DSVHPVT phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh là kết hợp giữa di sản văn hóa và phát triển du lịch. Trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030” đã xác định rõ tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác được sử dụng phục vụ mục đích du lịch. Đó chính là nguồn tài nguyên du lịch vô cùng quý giá để phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng… Đã có nhiều chương trình kết nối di sản văn hóa với du lịch cội nguồn được thực hiện hiệu quả, thu hút du khách đến với Phú Thọ như: Chương trình Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam; Chương trình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc; Chương trình hợp tác phát triển tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ; Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng… Di sản văn hóa là tài nguyên cho du lịch khai thác; du lịch góp phần quảng bá di sản, làm cho di sản sống trong cộng đồng và tạo ra nguồn lực kinh tế để quay lại đầu tư cho công tác bảo vệ di sản.