Gìn giữ và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế

Với những nỗ lực không mệt mỏi, công tác bảo tồn, trùng tu di tích Cố đô Huế đã đạt được nhiều thành tựu trên các mặt: bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế; ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản.

Sân khấu hóa tái hiện lễ Ban Sóc (ban lịch) triều Nguyễn

Sân khấu hóa tái hiện lễ Ban Sóc (ban lịch) triều Nguyễn

Nỗ lực bảo tồn

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang đứng trước nhiều thời cơ và điều kiện thuận lợi cho phát triển, đặc biệt, Nghị quyết 54-NQ/BCT của Bộ Chính trị đã khẳng định vai trò hết sức quan trọng của di sản, văn hóa Huế trong tiến trình xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Với trọng trách được giao quản lý, bảo tồn, gìn giữ và phát triển kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quốc gia vô cùng đa dạng và quý giá, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh, kế thừa các thành quả đã đạt được, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đã và đang nỗ lực hoàn thiện tổ chức bộ máy, đổi mới mô hình quản lý phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế nhằm phát huy tối đa các thế mạnh, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Năm 2023, Trung tâm BTDTCĐ Huế triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 12 dự án (DA), hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư và khởi công 4 DA (trong đó, DA Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ từ vốn xã hội hóa). Hoàn thành công tác đấu thầu đối với 2 DA; triển khai thực hiện và chuyển tiếp 13 DA. Đến thời điểm này, các DA cơ bản đã hoàn thành và giải ngân gần 224 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch năm. Trung tâm cũng triển khai thực hiện DA Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Hiện DA đang hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản được Trung tâm BTDTCĐ Huế quan tâm, chú trọng. Trong đó, Trung tâm tiếp tục bảo tồn và phát huy tốt các lễ hội cung đình như: lễ tế Xã Tắc, Nam Giao, lễ tế ở đàn Âm Hồn; phối hợp tổ chức lễ tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát tại lăng chúa; bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể: Nhã nhạc, múa cung đình, tuồng cung đình… Xây dựng hồ sơ lễ hội điện Huệ Nam đề nghị công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia; xây dựng hồ sơ Cửu đỉnh đề nghị công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Thực hiện công tác Khảo cổ học các di tích lầu Đức Hinh (lăng vua Thiệu Trị), Văn Miếu để làm tiền đề, cơ sở khoa học cho việc trùng tu các di tích này.

Phát huy giá trị

Theo Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung, công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách đến Huế. Đồng thời, đưa di sản văn hóa thành lợi thế cho sự phát triển, tăng các nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ, tạo được sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân Huế trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, di sản, sự quan tâm các tầng lớp xã hội và Nhân dân cả nước đối với di sản văn hóa truyền thống. “Nhờ những thành tựu của công tác bảo tồn mà di sản văn hóa Huế đã được quảng bá rộng rãi trên toàn thế giới, tạo nên sức hút to lớn của Huế đối với du khách”, ông Trung nói.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm trên địa bàn di tích Huế nhằm phục vụ du khách, quảng bá giá trị di sản văn hóa Huế, như các triển lãm nhân kỷ niệm 30 năm Quần thể di tích Huế và 20 năm Nhã nhạc được UNESCO vinh danh; triển lãm “Vua Hàm Nghi - Cuộc đời và Nghệ thuật”; triển lãm “Hành trình 100 năm từ Museé Khải Định đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế”…

Năm 2023 cũng ghi dấu ấn của Trung tâm BTDTCĐ Huế khi tổ chức thực hiện các chương trình nghệ thuật, sự kiện thành công: Chương trình sân khấu hóa lễ Ban Sóc; Tham gia vào chương trình khai màn cho chuỗi “Festival bốn mùa”; Festival Nghề truyền thống Huế cùng các chương trình, hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong nước, quốc tế khác… Chủ trì phối hợp tổ chức “Festival Nhiếp ảnh Quốc tế Huế 2023”, Tổ chức “Festival Âm nhạc Quốc tế Huế 2023”, phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức sự kiện “Hue by Light”… thu hút hàng chục vạn người dân và du khách tham gia.

Đơn vị cũng hợp tác chặt chẽ với UNESCO tiếp tục thực hiện các nội dung của Kế hoạch Quản lý Di sản Huế năm 2015 - 2020 tầm nhìn đến 2030. Thực hiện có hiệu quả việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, giao lưu trao đổi văn hóa, kêu gọi và thu hút nguồn đầu tư tài trợ trong lĩnh vực nghiên cứu, khoa học công nghệ, trùng tu di tích với các tổ chức nước ngoài chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế. Hợp tác với tập đoàn Hàn Quốc thực hiện DA “Trung tâm Thông tin và Diễn giải Lịch sử Hoàng thành Huế”; Hợp tác với Viện Quy hoạch Đô thị và Vùng (Nhật Bản) thực hiện nghiên cứu về bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử khu vực các lăng tẩm triều Nguyễn. Hợp tác với Đại sứ quán Đức và Hiệp hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Đức về Bảo tồn - phục hồi, giáo dục tại điện Phụng Tiên; Hợp tác thực hiện DA do Bộ Văn hóa - Chính phủ Pháp tài trợ tu bổ mái Khải Tường Lâu - Cung An Định…

Bài, ảnh: LIÊN MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/gin-giu-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-co-do-hue-136661.html