Gìn giữ, vun đắp nghề truyền thống
Trong tiết trời se lạnh của những tháng cuối năm, các làng nghề trồng hoa trên địa bàn tỉnh dường như hối hả hơn với công việc chăm sóc hoa để phục vụ thị trường Tết. Và ẩn sau vẻ đẹp rực rỡ ấy là những nỗ lực gìn giữ, vun đắp cho nghề truyền thống của bao thế hệ người dân.
Đẹp cho đời, giàu cho mình
Toàn tỉnh có 6 làng nghề trồng hoa, trong đó 3 làng nghề trồng hoa đào, 3 làng nghề trồng hoa tươi kết hợp cây cảnh khác, doanh thu trung bình đạt 4-7 tỷ đồng/làng nghề/năm. Các làng nghề đều hình thành cách đây khoảng 30, 40 năm, thậm chí lâu hơn, vì vậy, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của địa phương và trở thành nét văn hóa riêng có.
Làng nghề hoa và cây cảnh Phương Viên, xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy có 20 hộ trồng đào, 15 hộ trồng hoa tươi với diện tích trên 3ha, doanh thu 4 tỷ đồng/năm. Dường như đã quen với những cuộc viếng thăm bất chợt của những khách lạ tìm hiểu về làng nghề, ông Nguyễn Xuân Nho - Trưởng làng nghề niềm nở đón khách, giọng ông xúc động pha chút tự hào khi nhắc về nghề trồng hoa được hình thành từ những năm 50 của thế kỷ trước. Những thế hệ khai mở cho làng nghề hoa lúc đầu chỉ trồng những loại hoa như thược dược, hồng ta, đồng tiền... phục vụ nhu cầu của gia đình, bán ở thôn xóm, chưa có điều kiện mang hoa đi bán ở khắp nơi như bây giờ. Chính việc trồng hoa đã định hình, gây dựng và có một vị trí nhất định trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Ông chậm rãi nhẩm tính: “Hoa tươi trung bình cho doanh thu 60 triệu đồng/sào/vụ, trừ chi phí còn được một nửa. Các loại hoa chủ yếu là cúc, lay ơn, huệ, thời gian trồng từ 3,5 đến 4 tháng, hoa trồng quanh năm theo kiểu luân canh, gối vụ, sẽ có vụ cho đất nghỉ nhưng đến vụ Tết, tính thời gian thu hoạch từ rằm tháng Chạp đến rằm tháng Giêng sẽ trồng tối đa diện tích bởi vụ Tết chiếm đến hơn 50% doanh thu. Nghề trồng hoa cũng có lúc thăng trầm nhưng đến nay, người dân vẫn theo được nghề, nghề làm đẹp cho đời, làm giàu cho mình là điều mà chúng tôi rất phấn khởi”.
Giữa đất hoa, câu chuyện của người nông dân cho chúng tôi thêm hiểu về nghề, về tình yêu nghề của họ. Trồng hoa đã lắm công phu nhưng để hoa nở đúng ngày tuần, dịp Tết không chỉ là kinh nghiệm mà còn là những ứng dụng khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng. Người làm vườn làm chủ thời vụ bằng kỹ thuật như: Che chắn, thắp điện, phòng trừ sâu bệnh, kích nở cho hoa... nhất là cách canh thời tiết để trồng, chăm sóc, cho thu hoạch đúng thời điểm.
Không lâu đời như làng hoa Phương Viên, nghề trồng hoa ở làng nghề hoa làng Thượng, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh được hình thành cách đây gần 30 năm. Nhưng chừng ấy thời gian đủ giúp cho người dân có kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa, hiểu được đặc tính của mỗi loài. Làng nghề có 32 hộ trồng hoa với diện tích khoảng 3ha. Trước đây, ngoài cây lúa, nguồn thu lớn của người dân là cây ăn quả, rau màu. Khoảng từ năm 1999, người dân làng Thượng đã đến các vùng chuyên canh hoa trong và ngoài tỉnh học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng hoa và mua giống về ươm. Những bàn tay chai sần, thô ráp vốn chỉ quen với cấy lúa, trồng ngô lại tỉ mẩn chăm sóc từng khóm hoa. Từ giống hoa hồng ban đầu, đến nay, cơ cấu hoa ở làng Thượng đã đa dạng về chủng loại; riêng hoa cúc đã có đến hàng chục loại.
Để cho chúng tôi hiểu được việc dồn công sức cho trồng hoa như thế nào, ông Nguyễn Anh Tài, Trưởng làng nghề ví von, khi khói bếp tản mác trong ánh nắng mai, người trồng hoa đã ra đồng và đến tối cánh đồng hoa vẫn sáng trưng để kích thích cho hoa sinh trưởng, vào thời kỳ cao điểm thì ăn, ngủ cùng hoa là chuyện thường. Năm nào mưa thuận gió hòa thì người trồng hoa cũng nhàn hơn, còn ngược lại thời tiết khắc nghiệt thì tốn nhiều công sức trong việc chăm sóc. Rồi chuyện mưa bão, sương muối cũng khiến nông dân “phập phồng”. Nhưng gương mặt ông giãn ra khi nói về thành quả của nghề: “Trước kia, nhà nào cũng khó khăn, từ ngày có nghề hoa, cuộc sống khấm khá hơn nhiều. Tuy vất vả nhưng thu nhập cao, nhờ đó, con cái được ăn học đầy đủ, nhà cửa cũng khang trang hơn. Riêng vụ hoa Tết, chúng tôi xuống giống từ đầu tháng 10 âm lịch, đổ nhiều tâm sức và mong chờ vào vụ hoa cuối năm”.
Mong nghề phát triển
Câu chuyện giữ nghề, truyền nghề vẫn luôn là sự trăn trở của bất cứ làng nghề nào trong dòng chảy của đô thị hóa, kinh tế thị trường. Bởi nghề trồng hoa đòi hỏi về kỹ thuật và phụ thuộc vào thời tiết, mất nhiều công lao động. Để nghề phát triển, các làng nghề hoa cũng phải tìm hiểu thị trường, tìm thêm giống mới cho phù hợp thị hiếu khách hàng.
Dẫn chúng tôi xuống thăm ruộng quất, trong sắc xanh thẫm mượt đã thấy thấp thoáng quả căng mọng vỏ đang chuyển sắc hanh vàng, ông Nguyễn Xuân Nho- Trưởng làng nghề trồng hoa và cây cảnh Phương Viên hồ hởi: “Trồng hoa tươi thì cho thu nhập theo vụ, còn đào, quất thì cho thu vào dịp Tết. Đa dạng các loại cây thì nguồn thu nhập ổn định, cũng mong giữ được nghề. Nói thì đơn giản nhưng để trồng được các loại lại phải mày mò, học cách tỉa cành, tạo thế cho đào nở đúng Tết; để quất quả to, tán đẹp là cả một quá trình. Thực tế nghề trồng hoa mang lại thu nhập ổn định, chưa có cây gì thay thế được cây hoa nên số hộ làm hoa cơ bản vẫn giữ, đã có sự tiếp nối của thế hệ trẻ, có những gia đình 2, 3 thế hệ cùng gắn bó với nghề và phát triển dịch vụ kinh doanh hoa tươi. Chúng tôi cũng hy vọng rằng nghề sẽ được tiếp tục trao truyền qua các thế hệ”.
Năm nay ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn kéo dài gây ngập úng, các làng hoa đều chịu thiệt hại ít nhiều, người dân làng hoa cũng nhiều suy tư hơn. Với các hộ trồng hoa tươi, phải xuống giống lần 2, thậm chí lần 3. Anh Nguyễn Đại Nhân là một trong những hộ trồng hoa nhiều nhất làng hoa Phương Viên với 10 sào trồng cúc, 300 gốc quất, 1.000 gốc đào. Chỉ tay về phía cánh đồng hoa vừa xuống giống, anh Nhân bùi ngùi: “Trồng hoa đòi hỏi kỹ thuật và lựa theo thời tiết để điều chỉnh cho phù hợp nhưng vào trận lũ lịch sử như đợt tháng 9 năm nay thì cũng đành chịu, 2 sào cúc đến độ thu hoạch và hàng trăm gốc đào bị chết, thiệt hại sơ sơ 200 triệu đồng. Nghề này có vất vả thật nhưng đã là đam mê, với lại người không bỏ nghề, nghề không phụ người”. Ánh mắt anh ánh lên niềm vui khi kể về con trai đang học đại học, chuyên ngành nông nghiệp, sau ra trường chắc sẽ nối nghiệp cha.
Để gìn giữ nghề của các làng nghề, các địa phương đã đưa ra các giải pháp về quy hoạch làng nghề, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề... để nghề được tiếp nối. Bởi có những làng nghề hoa, lao động trẻ nhất làng nghề cũng đã ngoài 40 tuổi. Đồng chí Nguyễn Hồng Chất - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Du cho biết: “Thách thức với làng nghề là dần thiếu đi lao động trẻ. Tại làng nghề hoa làng Thượng, chủ yếu là lao động trung niên, thanh niên đa số làm việc tại các khu, cụm công nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động nên các hộ làm nghề chủ động vần công, đổi công. Xã đang nghiên cứu, định hướng quy hoạch lại làng nghề về quy mô, phương pháp tổ chức hoạt động và huy động nguồn lực đầu tư giao thông nội đồng vùng trồng hoa để tạo điều kiện cho nghề phát triển bền vững”.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2022-2030 nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề với các giải pháp tổng thể về bảo tồn, phát triển làng nghề; bảo tồn, phát huy các giá trị của nghệ nhân; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ... Thực hiện Kế hoạch sẽ góp phần thúc đẩy các làng nghề hoa nói riêng và các làng nghề trên địa bàn tỉnh nói chung phát triển.
Rời làng hoa, lòng chúng tôi vẫn chộn rộn sắc hương và những câu chuyện giản dị mà đầy tâm huyết của người dân. Mong rằng họ sẽ có những mùa hoa bội thu, để nỗ lực gìn giữ nghề được đền đáp xứng đáng và trong tương lai, các làng nghề có thể tận dụng lợi thế để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, để làng nghề trở thành điểm đến giàu bản sắc.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/gin-giu-vun-dap-nghe-truyen-thong-224573.htm