Gió bão ảnh hưởng đến kết cấu công trình: Chuyên gia nêu 3 lỗ hổng lớn nhất
Sức tàn phá của gió bão cho thấy, cần những giải pháp thiết yếu ứng phó, tránh gây ảnh hưởng đến kết cấu và chất lượng công trình xây dựng.
Gió bão và những sự tàn phá
Tại TP Hải Phòng, hai tòa chung cư công sản A7 và A8 trở thành tâm điểm chú ý sau cơn bão Yagi năm 2024. Được xây dựng từ nhiều năm trước, hai tòa nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng. Sau trận bão, cư dân phát hiện các vết nứt lớn trên tường, trần thạch cao sụp đổ, và dấu hiệu nghiêng lún rõ rệt.

Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh bị ảnh hưởng nặng nề sau bão Yagi. Ảnh: Tư liệu.
Bà Trần Thị Mơ, một cư dân sống gần tòa A7 vẫn chưa khỏi bàng hoàng: "Hôm ấy, nghe tiếng gió rít, rồi tiếng kính vỡ vang lên từ tầng trên. Cảm giác bất an còn đến tận bây giờ".
Chính quyền Hải Phòng sau đó ra quyết định thu hồi hai tòa nhà này để đảm bảo an toàn cho hơn 200 hộ dân.
Anh Thành Trung, một công nhân làm việc tại khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng chia sẻ: "Hy vọng bão Wipha qua nhanh, năm ngoái nhìn cảnh tượng toàn bộ mái tôn khu nhà xưởng rộng gần 6.000 m² của công ty bị gãy đổ, công nhân chúng tôi hoang mang vô cùng".
Tại Quảng Ninh, mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Ngoài thiệt hại về kinh tế, cụm công trình văn hóa như bảo tàng, thư viện, Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh đều bị hư hỏng nặng.
Tại Hà Nội, dù bão Wipha đã tan, nhưng chị Nguyễn Thị Bích, sống tại một chung cư trên đường Nguyễn Xiển vẫn lo lắng: "Không biết còn phải đối phó với bao nhiêu trận bão nữa. Cứ nghĩ cảnh năm ngoái gió giật, cửa kính vỡ, nước tràn vào nhà là tôi không sao ngủ được".
Bài toán thi công
Theo PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), công trình tại Việt Nam hiện nay thường được thiết kế theo quy chuẩn chịu gió cấp 9-10, trong khi những cơn bão lớn như Yagi đạt cấp 14-15 khi đổ bộ.
Điều này cho thấy sự bất cập trong quy chuẩn thiết kế hiện hành, đặc biệt khi biến đổi khí hậu khiến cường độ bão ngày càng mạnh. Hệ thống vách kính và kết cấu bao che, vốn được coi là "kính an toàn" (kính dán, kính cường lực), lại không chịu nổi áp lực gió, do thiếu thí nghiệm thực tế trước khi thi công đại trà.
Ngoài ra, việc thi công không đảm bảo chất lượng cũng là nguyên nhân lớn. Nhiều công trình sử dụng vật liệu không đạt chuẩn như kính mỏng, gioăng cao su kém chất lượng, hoặc bỏ qua khâu bơm keo chuyên dụng để bịt khe hở. Kết cấu khung nhôm và vách kính không được gia cố đúng cách, dẫn đến hiện tượng rung lắc, nứt vỡ khi gặp gió mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, nhà cao tầng ít chịu ảnh hưởng từ gió bão nhờ thiết kế kỹ lưỡng.
Trước những ảnh hưởng nặng nề của gió bão, TS Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch Hiệp Hội bê tông Việt Nam chia sẻ: Tải trọng gió từ bão gây ảnh hưởng lớn đến mặt đứng công trình, đặc biệt là các kết cấu phụ như cửa, vách kính, mái. Nhà cao tầng ít chịu ảnh hưởng từ bão, nhờ thiết kế kỹ lưỡng, nhưng nhà công nghiệp và nhà cấp 4 dễ bị tàn phá do vật liệu kém chất lượng và thiết kế không đủ tiêu chuẩn.
Cụ thể, thứ nhất, đối với kết cấu phụ (cửa, vách kính), nếu tính toán và thi công không đảm bảo, cửa ma sát và vách kính dễ bị vỡ, gãy do áp lực gió.
Thứ hai là mái tôn và kết cấu thép: Nhà xưởng công nghiệp sử dụng tôn mạ kẽm mỏng và khung thép nhẹ nên bị tốc mái, sụp đổ hàng loạt. Hệ khung thép được thiết kế tiết kiệm chi phí, không đủ sức chịu gió cấp 14–15 của những cơn bão lớn, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng.
Thứ ba, đối với nhà cấp 4: Thiếu thiết kế tiêu chuẩn chống bão, nhà cấp 4 chủ yếu dựa vào các biện pháp tạm thời như dùng vật nặng chèn mái, chi phí thấp khiến việc gia cố chống bão gần như không khả thi.
Giải pháp thiết yếu
Về giải pháp, TS Trần Bá Việt cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với các cơn bão ngày càng mạnh, cần áp dụng các giải pháp cụ thể về vật liệu và thiết kế.
Đối với nhà cao tầng: Vách kính và cửa cần được thiết kế chịu tải trọng gió cấp 12–14, sử dụng kính cường lực, kết hợp gioăng silicone chống thấm. Liên kết giữa khung nhôm, tường, và bê tông cốt thép phải được gia cố chắc chắn, thử nghiệm áp lực gió trước khi thi công.
Đối với nhà xưởng công nghiệp: Hệ khung thép cần sử dụng thép cường độ cao, thiết kế đáp ứng tiêu chuẩn chịu gió bão. Tôn mái nên có độ dày 0,8 - 1mm, kết hợp lanh tô và dầm mái chắc chắn, tăng số lượng vít neo chống gió. Hệ cột và kèo cần được tính toán kỹ, tránh tiết kiệm chi phí bằng vật liệu mỏng, yếu.
Mái công trình nên dụng giải pháp giằng chống và neo mái, sử dụng thanh thép hoặc dây cáp để cố định tôn mái, đảm bảo không bị tốc bay khi gặp gió mạnh.

Các công trình tại Việt Nam hiện nay thường được thiết kế theo quy chuẩn chịu gió cấp 9–10.
Nhà dân và khu vực bão lũ, nhà cấp 4, cần xây dựng lõi hoặc chòi bê tông cốt thép. Bộ Xây dựng cũng khuyến nghị phát triển bản đồ nguy cơ thiên tai để hỗ trợ quy hoạch.
"Để đối phó với thiên tai ngày càng cực đoan, Việt Nam cần nâng cấp quy chuẩn xây dựng, sử dụng vật liệu bền vững như thép cường độ cao, bê tông mác cao bổ sung sợi thép và kính chịu lực. Đồng thời, tăng cường giám sát thi công và xử phạt nghiêm các vi phạm để đảm bảo an toàn cho công trình trước những cơn bão thế kỷ", TS Việt chia sẻ
TS Vũ Thành Trung, Giám đốc Trung tâm kết cấu thép và xây dựng (Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng) cho rằng: Qua thực tế bão gió phá hoại hàng loạt các công trình tại Hải Phòng hay Quảng Ninh trong trận bão Yagi năm 2024, các công trình bị phá hoại ở đây chủ yếu là công trình kết cấu tạm, khung thép, mái chủ yếu là mái tôn, còn công trình kiên cố ở xung quanh thì hầu hết không hư hại.
Về giải pháp ứng phó với các trận bão lớn, TS Trung cho rằng, đối với các công trình thi công theo thiết kế, cần tính toán tăng cấp gió lên đối với các công trình quan trọng. Thứ hai, đối với cửa sổ, cửa đi cần có che chắn như gỗ, các thiết bị để không gây ra hư hại cục bộ. Còn đối với mái nhẹ, mái che, mái di động cần thu lại hoặc gia cố khi gió bão xảy ra.
"Để phòng chống gió bão, cần xem gia tốc gió để có phương án đối phó kịp thời", TS Trung cho hay.