Gió bão giật cấp 9 ở Bạch Long Vỹ, Cô Tô
Tối 3/7, bão số 2 tiến gần các huyện đảo khiến Bạch Long Vỹ và Cô Tô có gió giật cấp 9. Bão dự kiến đổ bộ Hải Phòng đến khu vực phía bắc Thanh Hóa vào sáng 4/7.
19h ngày 3/7, vị trí tâm bão nằm cách huyện đảo Bạch Long Vỹ khoảng 80 km về phía nam, cách đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định 180 km. Sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Bão có khả năng di chuyển vào đất liền vào khoảng 4-7h sáng mai. Vị trí tâm bão đi vào được dự báo từ Hải Phòng đến khu vực phía bắc Thanh Hóa.
Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục có mưa lớn trong đêm nay. Người dân khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn cần đề phòng dông lốc xuất hiện kèm theo mưa rất to. Các tỉnh Sơn La và Hòa Bình sẽ có mưa lớn cục bộ, nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Khu vực Hà Nội có mưa lớn kèm theo dông lốc từ chiều 3/7 và kéo dài đến hết ngày 4/7.
19:01 03/07
Chiều 3/7, bão số 2 đã vượt qua đảo Hải Nam và đi vào phía đông vịnh Bắc Bộ. Hồi 13h, vị trí tâm bão cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 130 km, cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định khoảng 240 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 11.
"Với tình hình này, khả năng bão sẽ đổ bộ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bìnhvào 4h sáng 4/7. Tâm bão nằm ở Hải Phòng", ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay.
Theo kịch bản đổ bộ của bão số 2 (tên quốc tế là Mun) được cơ quan khí tượng đưa ra, bão vào khu vực vịnh Bắc Bộ từ chiều 3/7. Ngay sau đó, bão Mun tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc và có khả năng mạnh lên với sức gió mạnh cấp 8.
Đến 4h sáng 4/7, bão đổ bộ vào khu vực đất liền thuộc các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. Lúc này, sức gió được dự báo mạnh cấp 8, giật cấp 11. Ngay sau khi di chuyển vào khu vực đất liền, bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục suy yếu thành áp thấp khi di chuyển lên vùng núi và trung du Bắc Bộ.
19:04 03/07
Với diễn biến này, khu vực vịnh Bắc Bộ bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải và Vân Đồn có gió mạnh đến cấp 8, giật cấp 11, biển động rất mạnh.
Từ tối 3/7, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh, mưa lớn. Các tỉnh Nghệ Anh, Hà Tĩnh và Quảng Bình cũng có mưa to. Lượng mưa tại các địa phương sẽ giảm dần vào đêm mai, khi bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa lớn trong 3 ngày (từ 3/7 đến 5/7).
19:04 03/07
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký công điện khẩn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung lực lượng ứng phó với bão số 2 sắp đổ bộ vào đất liền. Đứng trước nguy cơ thiệt hại về người và tài sản do bão, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không chủ quan, theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ.
Các địa phương ven biển cần rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn di chuyển, tránh trú an toàn. Căn cứ tình hình cụ thể, các địa phương cần cấm biển, hướng dẫn bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản.
Khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị, cần rà soát, chủ động sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm. Riêng khu vực miền núi, trung du, Phó thủ tướng yêu cầu địa phương chủ động sơ tán, di dời người dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Công điện cũng yêu cầu các đơn vị cần bảo vệ đê điều, đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư ứng cứu, khắc phục sự cố. Các bộ, ngành cùng vào cuộc để hỗ trợ địa phương ứng phó với bão số 2.
19:06 03/07
Theo ghi nhận của cơ quan khí tượng, đến trưa 3/7, ở trạm Bạch Long Vĩ và Cô Tô đã ghi nhận được sức gió giật cấp 7-8. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế mưa lớn, 50-100 mm/12 giờ.
Trong đêm nay, mưa tiếp tục phổ biến tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng. Khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa lớn. Đến ngày 5/7, lượng mưa giảm dần tại khu vực Trung Bộ.
Khu vực Hà Nội sẽ có mưa lớn kèm theo dông lốc từ chiều 3/7 và kéo dài đến hết ngày 4/7.
19:08 03/07
Hiện trên đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) vẫn còn hơn 1.600 khách du lịch kẹt lại. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu đảm bảo các phương án an toàn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn khách du lịch diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Trước tình hình bão có khả năng đổ bộ vào vùng biển và đất liền, Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh tạm dừng cấp phép đối với tàu du lịch và tàu ra các tuyến đảo từ 11h. Riêng tàu ra đảo Cô Tô đã được yêu cầu dừng cấp phép từ 6h ngày 3/7.
Ngoài Quảng Ninh, các tỉnh Ninh Bình và Nam Định cũng đang gấp rút thực hiện các phương án di dời, sơ tán và chuẩn bị tốt công tác cứu hộ cứu nạn trước khi bão số 2 tiến vào đất liền Việt Nam.
19:09 03/07
Ngày 3/7, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh lập 3 đoàn công tác phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại cơ sở; thường xuyên liên lạc phối hợp với đơn vị quân đội sẵn sàng xử lý các tình huống. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
19:10 03/07
19:10 03/07
Tại Hải Phòng: Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP đã họp khẩn bàn biện pháp ứng phó với bão. Theo đó, cơ quan chức năng địa phương đã yêu cầu tạm ngừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách, đường thủy nội địa trên khu vực biển, ngừng các hoạt động vui chơi giải trí trên khu vực biển, đảo và ven sông.
Lực lượng chức năng đã thông báo cho hơn 2.300 phương tiện, 400 tàu bè, 300 chòi canh và hàng nghìn lao động để chủ động phòng tránh, kiên quyết không để các phương tiện đường thủy hoạt động trong thời gian có bão.
19:15 03/07
Trao đổi với Zing.vn, ông Hoàng Bá Nam, Chánh văn phòng Tỉnh ủy, cho biết chiều nay, Quảng Ninh đã thành lập các tổ công tác do đồng chí Bí thư và Phó bí thư tỉnh ủy dẫn đầu về một số địa phương để rà soát, kiểm tra hệ thống đê điều cũng như các phương án triển khai ứng phó với bão số 2.
Đến 15h ngày 3/7, gần 8.500 tàu đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã nhận được thông tin về bão, di chuyển về khu neo đậu, tránh trú an toàn. Trên 500 tàu du lịch và các phương tiện ra các tuyến đảo đã di chuyển về khu neo đậu, tránh trú trước 14h ngày 3/7.
Toàn tỉnh có hơn 9.600 ô lồng nuôi thủy sản tập trung tại vùng biển kín đều được các địa phương thông tin, hướng dẫn biện pháp chằng chống, gia cố, di chuyển người già, trẻ nhỏ vào bờ.
Tại huyện Cô Tô đang còn 1.640 khách du lịch (4 khách nước ngoài); huyện Vân Đồn còn 148 khách đang ở lại trên đảo. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở lưu trú bố trí đảm bảo an toàn cho du khách, cấm tình trạng lợi dụng thiên tại để tăng giá...
19:33 03/07
Tại Cát Bà: Lúc 19h, tại thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng), những cơn mưa ngắt quãng thành từng đợt. Sau khoảng 2 giờ gió mạnh liên tục, trời Cát Bà yên lặng, không một gợn gió. Ảnh: Việt Hùng
19:38 03/07
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 2.
Tại các hải đoàn, hải đội thực hiện theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc, hướng dẫn cho tàu, thuyền, biết vị trí, hướng di chuyển của bão để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.
Hiện nay các đơn vị đã phối hợp với các gia đình và kêu gọi được 8.045 phương tiện, với 15.598 thuyền viên, ngư dân vào các khu vực tránh trú bão an toàn. Bộ đội biên phòng cùng các đơn vị khác tổ chức ứng trực, kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu, hỗ trợ cho ngư dân và tàu thuyền tránh trú bão. Ảnh: VTV
19:45 03/07
Tại Hà Nội: Lúc 18h15, 2 người đi xe máy trên phố Trích Sài, quận Tây Hồ bị cây phượng đổ trúng làm ngã xe. Chỉ huy Công an phường Bưởi cho biết tai nạn khiến một phụ nữ bị thương nhẹ, được sơ cứu tại chỗ.
Hơn nửa giờ sau, lực lượng chức năng phải cưa cắt cây để chuyển khỏi hiện trường. Ảnh: Nguyễn Chiến
19:57 03/07
20:34 03/07
Chiều tối 3/7, cả TP Cẩm Phả chìm trong mưa lớn. Mọi công tác chuẩn bị ứng pháo bão số 2 - Mun đã hoàn tất từ sáng. Một số thuyền gần bờ cũng nhanh chóng hoàn tất việc neo đậu trước khi mưa lớn xuất hiện. Công nhân công ty Môi trường đô thị Cẩm Phả túc trực 24/24 để dọn những cành cây được chặt tỉa. Ảnh: Phạm Thắng
21:15 03/07
Đến 19h ngày 3/7, vị trí tâm bão nằm cách huyện đảo Bạch Long Vỹ khoảng 80 km về phía nam, cách đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định 180 km. Sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Hiện, ở Bạch Long Vỹ và Cô Tô đang có gió giật mạnh cấp 9, Văn Lý (Nam Định) và Cửa Ông (Quảng Ninh) gió giật cấp 8.
21:32 03/07
Ông Nguyễn Văn Hưởng, trưởng phòng Dự báo Khí hậu, cho biết cường độ của bão số 2 không mạnh lên khi tiến sâu vào đất liền. Vị trí của bão đang nằm dưới khu vực huyện đảo Bạch Long Vỹ.
Bão có khả năng di chuyển vào đất liền vào khoảng 4-7h sáng mai. Vị trí tâm bão đi vào được dự báo từ Hải Phòng đến khu vực phía bắc Thanh Hóa.
Do hoàn lưu phía nam tây nam của bão số 2 phát triển mạnh nên trong đêm nay, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ có mưa lớn. Cơ quan khí tượng lo ngại khu vực này vừa trải qua đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài gần 1 tháng cùng với các vụ cháy rừng xảy ra khiến kết cấu đất bị phá vỡ, nguy cơ xảy ra hiện tượng lũ bùn, lũ ống và lũ nghẽn dòng là rất lớn.
21:43 03/07
Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục có mưa lớn trong đêm nay. Người dân khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn cần đề phòng dông lốc xuất hiện kèm theo mưa rất to. Các tỉnh Sơn La và Hòa Bình sẽ có mưa lớn cục bộ, nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Trong ảnh, khu vực bãi tắm biển ở thị trấn Cát Bà (Hải Phòng) đóng cửa, sẵn sàng đối phó với mưa bão số 2. Ảnh: Việt Hùng
22:03 03/07
Tại Nam Định: Mưa dông xuất hiện tại khu vực ven biển các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng vào chiều tối, sau đó mưa nhỏ dần. Hiện, mức gió ghi nhận được ở khu vực này giật cấp 5-6, biển động. Thành phố Nam Định cũng có mưa nhỏ.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Doãn Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho biết sau khi nhận được cảnh báo bão số 2 sẽ đi qua Nam Định, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của tỉnh đã cho di dời toàn bộ tàu, bè khu vực ngoài khơi vào đất liền, đảm bảo tất cả ngư dân đều cập bờ an toàn.
22:18 03/07
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Thanh Hóa, ngày 3/7 vẫn còn một số tàu thuyền và lao động nghề cá của tỉnh này hoạt động trên biển. Tuy nhiên, các phương tiện này đã nhận được thông tin về vị trí, hướng di chuyển của cơn bão số 2. Các chủ tàu thuyền đang thường xuyên giữ liên lạc với gia đình và chính quyền địa phương. Họ đang tìm đường vào nơi tránh trú an toàn.
Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền của ngư dân tránh tình trạng tàu thuyền va đập vào nhau. Lực lượng biên phòng cũng kiểm đếm quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, kể cả tàu du lịch và tàu vận tải biển nhắm tránh những tình huống xấu có thể xảy ra. Chính quyền tỉnh này cũng đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão để thông tin kịp thời đến người dân nhằm chủ động các phương án phòng tránh có hiệu quả.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gio-bao-giat-cap-9-o-bach-long-vy-co-to-post963087.html