Thế giới thực hiện bước đi quan trọng để tạo dựng 'Hòa bình với thiên nhiên'
Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học của Liên hợp quốc lần thứ 16 (COP16) diễn ra từ ngày 21/10-1/11/2024 tại thành phố Santiago De Cali, Colombia.
Khoảng 23.000 đại biểu đăng ký trước đại diện cho hầu hết mọi quốc gia trên Trái đất đã tham dự Hội nghị các bên lần thứ 16 theo Công ước về Đa dạng sinh học (CBD COP 16) tại thành phố Santiago de Cali, Colombia. Sau khi COP 15 thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (KMGBF) vào năm 2022, cuộc họp kéo dài hai tuần tại Thành phố Santiago de Cali, Colombia là sự kiện quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng của khuôn khổ và 23 mục tiêu cho năm 2030, bao gồm bảo vệ 30% đất liền và biển của thế giới vào năm 2030 và khôi phục các hệ sinh thái bị suy thoái. Phát biểu tại Lễ khai mạc, Tổng thống Colombia ông Gustavo Petro nhấn mạnh những cuộc khủng hoảng môi trường đan xen vào nhau, tàn phá hệ sinh thái và sinh kế, đe dọa sức khỏe con người và làm suy yếu sự phát triển vững.
Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterre khẳng định thiên nhiên chính là cuộc sống của chúng ta, đồng thời kêu gọi các hành động nhằm tăng cường các nỗ lực quốc gia và quốc tế hướng tới mối quan hệ cân bằng và hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn, phục hồi, sử dụng và chia sẻ bền vững đa dạng sinh học toàn cầu.
Tham dự hội nghị còn có các nguyên thủ quốc gia của Brazil, Ecuador, Haiti, Guinea-Bissau, Guatemala, Mozambique và Surinam, và các phó chủ tịch của Bolivia, Gabon, Kenya, Cuba và Tây Ban Nha, cùng gần 100 bộ trưởng cho Phiên họp cấp cao của COP 16 (diễn ra từ ngày 29 đến 30 tháng 10 năm 2024).
Các quốc gia thông báo về tiến độ trong việc thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (KMGBF), cũng như mức độ liên kết của các Chiến lược và Kế hoạch hành động Đa dạng sinh học Quốc gia (NBSAP) với mục tiêu GBF được thông qua tại COP 15.
Nhiều cuộc đàm phán được diễn ra để đưa cơ chế đa phương (do COP 15 thành lập) vào hoạt động nhằm chia sẻ công bằng và bình đẳng các lợi ích từ việc sử dụng Thông tin trình tự kỹ thuật số về tài nguyên di truyền (DSI), bao gồm cả một quỹ toàn cầu.
Các nhà đàm phán đã thảo luận và tìm tiếng nói chung về cách huy động thêm các nguồn lực để bảo vệ đa dạng sinh học và đảm bảo các nguồn lực này được phân bổ kịp thời đến nơi cần nhất. Trọng tâm là công nhận và tận dụng những đóng góp của người dân bản địa và cộng đồng địa phương với tư cách là người bảo vệ đa dạng sinh học và là đối tác chính trong việc bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững của đa dạng sinh học
Mức độ quan trọng tại COP 16 chưa bao giờ cao hơn thế. Các cuộc thảo luận phản ánh những thách thức đa chiều mà hành tinh của chúng ta đang phải đối mặt. Quan trọng hơn, chúng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về hành động tập thể để tạo dựng được “hòa bình với thiên nhiên”.
Tham dự COP16 lần này, đoàn đại biểu Việt Nam gồm có đại diện các Bộ, ngành có liên quan (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao). Đoàn Việt Nam đã tham dự các phiên họp toàn thể, các phiên thảo luận đa phương, phiên họp cấp cao và tham dự các sự kiện bên lề của Hội nghị.
Một số sự kiện bên lề đáng chú ý:
Ngày 28 tháng 10 năm 2024, trong khuôn khổ sự kiện bên lề của COP 16, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng, Cục Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ và làm việc với bà Masha Kalinina cán bộ cấp cao bộ phận Bảo tồn quốc tế của Tổ chức từ thiện PEW (PEW Charitable Trusts) và bà Silvia Bor, Giám đốc Chương trình biển của Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (Pacific Environment) để trao đổi về cơ hội hợp tác, hỗ trợ, phát triển hệ thống bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản Việt Nam.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng đã chia sẻ những quan tâm và nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhiều chủ trương, chính sách lớn đã được Ban Chấp hànhTrung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển để đạt diện tích 6% diện tích vùng biển quốc gia được bảo tồn đến năm 2030. Các Bộ, ngành, địa phương đã lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản vào hoạt động của các ngành kinh tế, nhằm giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng mất mát đa dạng sinh học ở các vùng biển và các hệ sinh thái đặc thù như san hô, cỏ biển,....
Bên cạnh đó, ông Lê Trần Nguyên Hùng cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi mà Việt Nam đã và đang phải đối mặt, bao gồm: Sự thiếu hụt về nguồn tài chính đầu tư cho các khu bảo tồn biển, năng lực quản lý về bảo tồn biển còn hạn chế, thiếu công cụ giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các khu bảo tồn biển, cơ chế tài chính bền vững để duy trì hoạt động của các khu bảo tồn biển, đặc biệt là các khu bảo tồn biển xa bờ và sự xung đột giữa khu bảo tồn biển với hoạt động của các ngành kinh tế ven biển,...
Phía bạn đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ đa dạng sinh học biển, bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt Việt Nam đã tuyên bố ủng hộ mục tiêu 30 x 30 toàn cầu tại COP 15 (Kunming - Montreal). Việt Nam đã đi trước, chủ động, tích cực lồng ghép mục tiêu, nội dung bảo vệ đang dạng sinh học vào ngành thủy sản và thu được những kết quả tích cực.
Các bên đã trao đổi và đề xuất một số nội dung có triển vọng hợp tác, hỗ trợ để phát triển, mở rộng mạng lưới bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và xây dựng cơ chế liên lạc thường xuyên giữa các bên để chia sẻ các cơ hội hợp tác, nhằm góp phần đạt được các mục tiêu của quốc gia và toàn cầu.
Sáng ngày 31 tháng 10 năm 2024, ông Lê Trần Nguyên Hùng - Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư đã tham gia và đồng chủ trì sự kiện đối thoại cấp cao với chủ đề “Lồng ghép đa dạng sinh học trong và giữa các lĩnh vực để ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học vào năm 2030”. Tham dự và đồng chủ trì sự kiện gồm có đại diện nước và các tổ chức quốc tế: Australia, Canada, Costa Rica, Colombia, Germany, Georgia, Kenya, the Netherlands, Peru, South Africa, Pacific Environment, Pew, TNC, WCS, and WWF. Đến tham dự sự kiện có khoảng 100 đại biểu ở các quốc gia, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế.
Tại cuộc đối thoại này, ông Lê Trần Nguyên Hùng đã có bài phát biểu về kinh nghiệm của Việt Nam trong việc lồng ghép mục tiêu, nội dung bảo vệ đa dạng sinh học trong lĩnh vực thủy sản. Nhiều chủ trương, chính sách lớn từ cấp Trung ương, Chính phủ, Bộ ngành, địa phương được ban hành đã đề cập, lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học trong hoạt động của ngành thủy sản. Cụ thể, Việt Nam đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, để giảm áp lực cho hoạt động khai thác nguồn lợi; đẩy mạnh nuôi biển với công nghệ cao, công nghệ mới, thân thiện với môi trường. Tổ chức khai thác thủy sản phù hợp với tiềm năng nguồn lợi thủy sản của từng vùng biển theo hướng hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm,... Xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong ngành thủy sản. Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, mở rộng các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, khu vực đường di cư tự nhiên của các loài thủy sản; hình thành và phát triển mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đại diện các quốc gia và các tổ chức đồng chủ trì sự kiện cũng đã chia sẻ về kinh nghiệm lồng ghép mục tiêu bảo vệ đa dang sinh học vào các lĩnh vực khác như: Nông nghiệp, du lịch, lâm nghiệp,...
Phiên đối thoại diễn ra trong thời gian 80 phút, với nhiều thông tin được chia sẻ cởi mở từ các đại biểu, khách mời. Thông qua sự kiện này, đại diện Việt Nam đã thông tin cho bạn bè quốc tế về trách nhiệm và nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ đa dạng sinh học biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần tạo dựng một hành tinh “hòa bình với thiên nhiên”.