Gió mùa xưa đưa hương nhớ

Có khi nào ngọn gió thổi qua nhà sớm mai ở Sài Gòn chính là cơn gió mùa xưa chốn quê ùa lại. Hơi gió mang theo hương thức ăn từ chái bếp ngày cũ của má, đựng bên trong đầy thương nhớ khôn nguôi.

Sớm cuối tuần bật dậy, nghe trong hơi gió đưa mùi thức ăn từ nhà hàng xóm bay qua, tựa như món cua đồng rang ở quê xưa. Giật mình, nhiều năm chưa về quê, mấy mươi năm bị kéo rời càng lúc càng xa nơi chôn nhau cắt rốn.

Ăn dĩ vãng đẹp

Trong giấc mơ của kẻ xa xứ, tôi thường gặp mùi món ăn quê nhà trở về từ ký ức. Đêm qua, cơn mộng mị nào đưa về căn bếp nhỏ của má ở miền Trung, nơi luôn có đồ ăn ngon, hơn nhiều sơn hào hải vị trên hành trình về sau trong đời.

Dễ nhớ là hình ảnh đám cua, con mai xanh, con ngả vàng, đỏ, có cả cua non lớp mai mỏng như thấy bên trong bụng. Dễ hình dung là âm thanh giòn rụm, rào rạo của phần vỏ, hòa trong vị ngọt bùi của sớ thịt. Khó nắm bắt là mùi hương cũ đã quá xa xôi thì lại làm xao xác tâm trí nhất.

Món nấu sớm của hàng xóm chắc không phải cua rang. Nhưng nỗi nhớ dẫn lối tới mùi đồ ăn này, đã ghim sâu ở một nếp nào đó trên vỏ não. Hoặc kỷ niệm tự nó liên hệ với hương vị thường trực gần nhất có thể chạm đến được trong tâm tưởng.

Cũng chẳng cần sự xác nhận làm gì, của mình hay từ hàng xóm. Làn hương đâu phải phả từ máy hút mùi bên ấy qua cửa sổ bên này. Mà nó len từ chái bếp lá tranh quê nhà tỏa lên mải miết vào trời xanh mây trắng. Làn hương trôi qua bao nấc thời gian chồng lớp mà vẫn đượm như khoảnh khắc ban đầu chạm vào khứu giác thơ ấu.

Cua đồng rang không phải món ăn thường xuyên ở quê xưa. Khi nhà hết đồ nấu, má mới bắt cua ngoài ruộng về làm món cho bầy con ăn. Cua nhỏ khá mềm, có thể nhai luôn chân, vỏ cho kiệt nước rồi nhè phần xác ra.

Cua đồng giờ đã vắng đi nhiều ở vùng nông thôn mới. Ảnh: Gia Khánh

Cua đồng giờ đã vắng đi nhiều ở vùng nông thôn mới. Ảnh: Gia Khánh

Kịp nhớ thêm mấy món nữa chế biến từ cua đồng, như canh cua, cua nướng... Canh mồng tơi nấu cua non giã nát mát nhẹ, thanh lành. Cua già vùi nướng thơm thịt trong than hồng, tro bếp. Ẩm thực chốn đồng bãi dùng vừa vặn cho bữa chính giản dị, mà dành để ăn chơi cũng tung tẩy.

Đây là thực phẩm của nhà khó, quê nghèo. Cua có đầy ngoài đồng, về chỉ rửa sạch bỏ thêm chút muối rồi rang cho săn thấm thịt. Đảo đũa một lúc, cái chảo gang dậy lên mùi cua chín chứa hương bùn non, vị nước ruộng, thơm lúa trổ đòng.

Những cánh đồng của nông thôn mới bây giờ đã vắng đi nhiều cua. Do các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rải xuống, cua khó sống nổi. Vì cuộc sống khá lên, không còn mấy ai lội ruộng bắt cua nữa. Cua không còn trong hang, hay người không chọn cua làm món thiết yếu, cũng vậy.

Ở nhiều vùng quê ngày nay, ít thấy ai còn ăn món này. Nơi thị thành, cua đồng có thể hiện diện trong thực đơn quán ăn, kiểu nhấn nhá đặc sản để hút khách bán hàng. Giờ thưởng thức cua đồng ngoài tiệm không chắc ngon miệng như xưa. Nhiều người trong chúng ta thường thích ăn vào dĩ vãng đẹp.

Bữa ngon ngân dài

Nhớ về cua đồng, bỗng nghĩ ngay đến rau chua lẻ, thường ăn chung. Cua bò ngoài ruộng, chua lẻ mọc trên núi, tưởng cách xa nhưng lại rất gần. Con sông chảy qua thung lũng, ruộng lúa hai bên bờ, rìa cánh đồng đã là bìa rừng, chân núi.

Loại rau này chỉ xuất hiện vào mùa mưa ở Trung bộ. Tuyệt nhiên không thấy cây chua lẻ nào trong ngày nắng. Sau mưa, mấy anh chị em rủ nhau vô chân núi gần nhà hái rau. Trên những triền dốc bên bờ suối, nước dềnh ra, mưa thấm xuống, cây chua lẻ từ dưới đất chui lên.

Lội dưới suối có thể bắt cá, leo lên bờ còn hái những loại rau rừng khác, nhưng chua lẻ dễ thấy, dễ ăn nhất. Không ai biết nó ở đâu trong mùa nắng, mọc lên từ củ, hạt hay từ cành, rễ. Chỉ thấy sau những đêm mưa dài, chua lẻ hiện ra, xanh mướt mát no mắt. Đi dọc suối một lúc, ngắt được cả bó.

Rau chua lẻ chỉ xuất hiện vào mùa mưa ở Trung bộ. Ảnh: Gia Khánh

Rau chua lẻ chỉ xuất hiện vào mùa mưa ở Trung bộ. Ảnh: Gia Khánh

Thứ rau dại trời cho này là cứu sinh của bữa ăn mùa mưa, khi rau củ ngoài đồng lẫn trong vườn hầu hết ngập nước, gãy đổ. Luộc chín, chua lẻ thoảng mùi hăng nhẹ, chua dịu, chấm nước mắm tỏi ớt rồi và cơm trắng nấu từ gạo cũ thôi cũng đủ vạt lưng nồi.

Bữa ăn mùa khó, có biến thể cơm xáo mỡ. Nồi cơm nấu vừa chín tới, trút miếng mỡ vô. Đó là mỡ heo lỏng cô đặc dưới trời lạnh, nhìn như miếng pho mát, tan ra trong hơi nóng ngàn hạt cơm. Dùng đũa bếp xáo đều trên lửa liu riu, cơm thấm mỡ, thơm lừng.

Có thể trên mâm bát thịnh soạn với khẩu vị sành điệu ở đâu đó, rau chua lẻ lạc lõng, vì nó quê kiểng. Nhưng trong phản xạ thương nhớ đồng quê thường gặp của thời buổi sống gấp, dám chừng chua lẻ mộc mạc thành tâm điểm nơi bàn ăn sang cả.

Loài rau dại này gần đây được “thuần hóa”, nhiều người tìm cách trồng để có thêm lựa chọn cho bữa ăn lạ miệng. Cũng chỉ cần chua lẻ như kiểu thực phẩm điểm xuyết hương hoa, chứ không mong thành thương phẩm. Để còn gặp được hương rau chua lẻ từ quá khứ bay về, như từng nghe mùi cua đồng đánh thức một sớm mai.

Bởi niềm nhớ là bữa cơm đạm bạc, với rau chua lẻ hái ven suối, cua bắt ngoài đồng, miếng mỡ trong cũi (tủ bếp) xắn ra. Trong tiếng mưa lộp độp rơi trên mái tôn, hơi gió lạnh lùa qua khe cửa, bữa ăn đơn sơ ngày cũ ngon đến tận hôm nay.

Dư vị thương yêu

Nhớ gì không nhớ, lại nhớ mấy món ăn, mùi hương gợi nhắc cái nghèo. Với nhiều người, cua đồng rang cũng là món phổ biến, nhưng rau chua lẻ thì không mấy quen. Còn cơm xáo mỡ, hẳn nghe rất lạ tai. Nếu không ở miền Trung, nếu không… nghèo, chắc không biết trên đời này từng xuất hiện cái nồi cơm trắng thấm mỡ như thế.

Tôi biết mình đã ở rất xa những món ăn thời ấu dại. Ngồi hồi tưởng về bữa cơm từ thôn nhỏ ven rừng xa xôi, đâm ra lẩn thẩn. Do trải nghiệm, khẩu vị, môi trường sống… nên đặc phẩm của mình, nhiều khả năng là món bình thường đối với người khác.

Đồng mạ non miền Trung với nhiều sản vật thiên nhiên, vừa vặn cho bữa chính giản dị. Ảnh: Võ Tiến

Đồng mạ non miền Trung với nhiều sản vật thiên nhiên, vừa vặn cho bữa chính giản dị. Ảnh: Võ Tiến

Mình nhớ lại thấy ngon, gặp trong mơ nữa thì như nhất phẩm, nhưng có lẽ cũng chỉ để chấp chới miền xa vắng vậy. Cố gắng chế biến như năm tháng cũ hay nhúng đũa xuống để kỳ vọng gắp lên được hương vị xưa, sợ chơi vơi.

Nhưng hàng xóm nấu ăn mà vô tình gợi cho mình hương sắc, bắc cho mình lối về ngày tháng chưa quên, thì cầm lòng sao được. Có khi nào ngọn gió thổi qua nhà buổi sớm mai ở thành phố, chính là cơn gió mùa xưa chốn quê ùa lại. Hơi gió mang theo mùi thức ăn từ chái bếp của má, đựng bên trong đầy thương nhớ khôn nguôi.

Hương vị ngày cũ sẽ còn vương vấn, một khi mình vẫn nhớ về. Khi có dịp, lại hướng đến vùng không gian yêu dấu đã qua. Lúc yếu lòng, lại lấy những câu chuyện an lành tình thân ra tự an ủi. Hẹn mùa sau, tìm về đắm mình vào những vết dấu của tháng năm vất vả, giờ đã sáng tươi hơn.

Để nhận ra trên chặng đường dài, mùi hương những món ăn đã hằn sâu tâm tư thăm thẳm, thi thoảng ẩn hiện, như nhắc nhở, dỗ dành. Ẩn ức nhọc nhằn nhiều nỗi niềm, nhưng cũng là dư vị ấm áp, thương yêu, được phần nép giữ một góc nhỏ đẹp trong đời mình.

Võ Tiến

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/gio-mua-xua-dua-huong-nho-43546.html