Gió qua sông…
Tôi ngồi trên một cù lao giữa thênh thênh sông nước miền Tây. Bốn bề ngăn ngắt màu xanh cây trái phủ sẫm cả một vùng. Con sông rộng mênh mông, phải nheo mắt mới nhìn thấy dáng phố xa xa khuất lấp sau những miệt vườn. Gió chênh chao lướt qua mặt sông.
Phương Nam quả thật không có mùa đông co ro như miền Bắc, gió ở đây chỉ làm cái nắng dịu mát đi phần nào. Giữa trời mây sông nước và cây cối mát xanh, cảm giác thơ thới khẽ nhen lên trong lòng.
Tôi đã đặt chân lên rất nhiều miền đất khác nhau, ở những thời khắc khác nhau. Và đến đâu, tôi cũng cảm nhận được những điều mới mẻ. Bữa trưa hôm ấy ở miệt sông nước, chúng tôi gọi mời một người bạn đến dùng cơm. Dù lòng rất thiết tha, nhưng bạn không thể qua vì nhà ở bên cù lao, phải mất nhiều thời gian để di chuyển qua nội thành, phải chờ phà, ngại chúng tôi chờ lâu lỡ bữa. Thế nên, sau đó chúng tôi đã quyết định tìm đến thăm nhà bạn.
Lâu lắm, tôi mới lại được trải nghiệm trên chuyến phà đưa khách sang sông. Đã có một thời, đi lại phải mất rất nhiều thời gian, và phụ thuộc vào rất nhiều loại phương tiện khác nhau, trong đó có những chiếc phà. Những chiếc phà như một chiếc bè nổi cỡ lớn, cõng trên lưng đủ loại phương tiện, hàng hóa và con người, dập dềnh trôi qua những khúc sông… Giờ nhiều cây cầu đã thay thế dần những chiếc phà ấy nên cảm giác dập dềnh trên sông nước để qua xứ cù lao có gì đó thật gợi.
Gió vẫn man mác mang hơi nước từ mặt sông nhẹ rung lên cây lá. Tôi đung đưa trên chiếc võng nhìn những đốm nắng nhảy nhót dưới tàng xanh. Sóng lao xao ngay sát cạnh chân mình.
Trông từ xa, cù lao như nửa trái bưởi xanh mượt nổi bật trên mặt sông bàng bạc. Đến đây, tôi càng hiểu tại sao con người đã gắn đời sống của họ với sông với nước đến vậy. Một đứa trẻ có thể được sinh ra ngay trên chiếc thuyền dập dềnh sóng nước, trong một đêm gió hun hút thổi qua sông. Rồi một hành trình sống gắn chặt phận mình với sông nước, có khi là đến tận lúc vãn hồi.
Những con sông luôn mang trong lòng nó ăm ắp phù sa, ăm ắp sản vật. Phù sa đắp bồi đồng ruộng, sản vật gột nên vóc dáng con người. Giọng nói người miền Tây ngọt lịm tựa phù sa, nước da con gái ngần sáng. Có lẽ chính do thiên nhiên thoáng đãng, khí hậu ôn hòa, nơi nào cũng đầy cây trái thảo thơm mà làm nên cái chất riêng có ấy. Người miền Tây phóng khoáng, rộng lòng, nói với nhau điều gì cũng thấy như đem ruột gan mình mà trao đi vậy.
Nhớ một buổi trưa khác, tôi cũng có những suy nghĩ giống hệt như vậy, khi cũng ăn một bữa cơm trưa dập dềnh trên sóng nước, trong một ngôi nhà nổi, ở một làng chài tại lòng hồ Sê San. Cái làng chài ấy là của những người từ miền Tây lên “định cư”. Với tập quán sông nước của mình, họ đã dùng những vật liệu nổi để làm nhà trên lòng hồ, những ngôi nhà nổi kết lại với nhau thành một làng chài độc đáo giữa vùng Tây Nguyên trập trùng đồi núi.
Giữa vùng bạt ngàn đất đai màu mỡ, rất nhiều lựa chọn để họ có thể sống “khác đi”, là khác đi với thói quen nổi nênh sông nước ấy, nhưng họ vẫn chọn cách sống gắn mình với sông nước vậy.
Cuộc trò chuyện với chúng tôi, vẫn hào sảng và chân tình đúng cốt cách miền Tây. Anh chủ nhà bảo hồi nào giờ sinh ra lớn lên, nghe sóng nước lao xao ì oạp tối ngày ngay bên tai quen rồi. Giờ không được nghe âm thanh ấy thấy như thiếu đi một phần nào đó, nhớ lắm. Hôm ấy, gió cũng ràn rạt thổi trên mặt hồ, gió Tây Nguyên, mùa nào cũng ắp đầy đồi núi.
Hôm ấy, từ Sê San trở về, chúng tôi đem theo những con cá cơm khô trắng muốt làm quà. Cá vớt lên từ lòng hồ, được rắc lên phơi trên những tấm lưới căng ngay trên mặt nước, tinh sạch và an toàn. Bữa trưa có lẩu mắm miền Tây, có cá cơm khô Sê San chế biến thành nhiều món rất ngon miệng.
Nhấp với nhau ly rượu đế ấm sực cuống họng, kể với nhau nỗi nhớ quê hương, nghe sóng nước ì oạp vỗ về quanh mình, chúng tôi thấy như đã thân thiết với nhau từ lâu lắm vậy. Cô gái miền Tây, nước da ngần sáng và giọng ngọt như phù sa châu thổ, chợt cất lên giọng hò ngân nga tan vào mênh mang sóng nước. Lòng tôi trỗi dậy cảm giác ngọt lành quá đỗi, như thể vừa đón nhận một làn gió mát rượi lướt trên mặt sông lăng lắng chất phù sa, giữa một buổi trưa mặt trời đứng bóng.
Tôi lại vu vơ nghĩ, đời một con người thật giống những cơn gió, chẳng ở yên mãi một chỗ được. Những cơn gió luôn xô dạt về những phương trời vô định. Và khi cuốn qua mặt sông, dấu vết mà nó để lại luôn là sự mát lành. Đời người, nếu được làm một làn gió mát lành thổi qua một khúc sông thôi, cũng thấy thật đáng sống.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gio-qua-song-post308142.html