Giới chủ khách sạn vẫn lo 'càng làm càng lỗ'
Lượng khách quốc tế sụt giảm giữa mùa cao điểm, cộng với gánh nặng từ tiền thuê đất đang đẩy nhiều chủ đầu tư khách sạn rơi vào cảnh càng làm càng lỗ, thậm chí 'chết lâm sàng' vì nợ nần chồng chất, nhân viên nghỉ việc.
Sau làn sóng ồ ạt rao bán, thị trường khách sạn tại Đà Nẵng đang tiếp tục chìm sâu vào khó khăn, khi các chủ đầu tư “kêu trời” vì tiền thuê đất áp dụng theo bảng giá mới tăng vọt tới chục lần, trong bối cảnh kinh doanh ảm đạm, giá dịch vụ không theo kịp các khoản chi phí.
Thu không đủ bù chi
Ông Lâm, chủ một khách sạn ven biển quận Ngũ Hành Sơn, chia sẻ sau khi TP Đà Nẵng áp dụng bảng giá đất mới, chi phí thuê đất của nhiều doanh nghiệp du lịch đang tăng dựng đứng gấp 3-10 lần giai đoạn trước.
Riêng doanh nghiệp của ông Lâm, từ giai đoạn 2022 - 2026, tiền thuê đất tăng sốc hơn 360%, chiếm hơn 47% chi phí đầu vào, so với giai đoạn 2017 - 2021 chỉ chiếm chưa đầy 7%. “Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, chi phí tăng nhưng khách sạn không dám tăng giá phòng vì sợ khách sẽ chạy hết”, ông Lâm than thở.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra hàng loạt chủ đầu tư bất động sản du lịch trên địa bàn TP Đà Nẵng rơi vào cảnh lao đao vì giá dịch vụ không theo kịp tiền thuê đất. Đơn cử, một dự án tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà phải nộp tiền thuê đất tăng từ 3 tỷ đồng/năm (giai đoạn 2015-2019) lên 28,45 tỷ đồng/năm (giai đoạn 2020-2024).
Cần nhắc lại, trước đó, thị trường khách sạn tại Đà Nẵng diễn ra làn sóng rao bán vì làm ăn thua lỗ. Thống kê cho thấy, lúc đỉnh điểm, có khoảng 150 khách sạn từ 1-5 sao được rao bán. Riêng trên đường Võ Nguyên Giáp có 12 khách sạn (từ 2 -5 sao) được rao giá từ 35 tỷ đồng đến 1.100 tỷ đồng.
Trong bối cảnh nhiều khách sạn rơi vào cảnh càng làm càng lỗ, nợ nần chồng chất, nhân viên nghỉ việc, chi phí tăng nên buộc phải đóng cửa…, theo giới quan sát, việc tiền thuê đất tăng quá mạnh có thể là “cú đấm bồi” khiến các chủ đầu tư không thể vực dậy, đối diện nguy cơ đổ vỡ hàng loạt.
Không chỉ có những khó khăn về tiền thuê đất, việc thu hút khách du lịch quốc tế kém khả quan cũng đang khiến ngành khách sạn như “ngồi trên đống lửa”. Điều này khiến không chỉ các cơ sở lưu trú 2-4 sao phải cạnh tranh khốc liệt, mà nhiều khách sạn 5 sao đang triển khai chương trình giảm giá chưa từng có.
Như ở Phú Quốc, du khách có thể "sốc" với hàng loạt chuỗi các khu nghỉ dưỡng 5 sao giảm giá phòng 40%-85% như Vinpearl Resort & Spa Phu Quoc giảm từ 7,8 triệu đồng/đêm còn 1,7 triệu đồng/đêm, Wyndham Grand Phu Quoc từ 10 triệu đồng/đêm còn 1,5 triệu đồng/đêm…
Nan giải tìm “lối thoát hiểm”
Chia sẻ với VnBusiness, ông Vũ Quốc Trung, chủ một khách sạn 3 sao, quy mô 150 phòng tại Phú Quốc, cho biết đơn vị đang phải “lay lắt” đón khách, gom từng đồng bạc lẻ. Có thời điểm, khách sạn có tỷ lệ lấp đầy chỉ vào khoảng 10%.
“Ngay cả trong kỳ nghỉ lễ cao điểm 30/4-1/5, dù chúng tôi đã cắt hết phần phụ phí 10-20% dịp lễ, đồng thời tăng chiết khấu cho các đơn vị dẫn tour, nhưng tỷ lệ đặt phòng chỉ đạt khoảng 25%. Trong quý III này, nếu tình hình không được cải thiện, có thể chúng tôi phải tạm dừng hoạt động", ông Trung nói.
Thực tế, chuyện khách sạn đóng cửa trong thời gian qua không hiếm. Hồi tháng 5, giữa làn sóng đóng cửa khách sạn, chuyển đổi công năng ồ ạt, khách sạn Norfolk (quận 1, TP HCM) quy mô trên 100 phòng dừng hoạt động.
Giữa tháng 6, 2 khách sạn Ibis Saigon South (3 sao) và khách sạn Capri by Frasers (4 sao), trị giá hàng chục triệu USD cũng về tay chủ mới. Các khách sạn trên đã được chủ đầu tư cũ là SHREIT rao bán từ cuối năm 2020, khi đại dịch hoành hành, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, nợ chồng chất.
Trong tháng 7, khu vực quanh chợ Bến Thành, quận 1 cũng ghi nhận nhiều khách sạn rơi vào cảnh công suất sụt giảm mạnh và thua lỗ trong mùa thấp điểm du lịch. Trước đó, không ít khách sạn ở "phố Tây" Bùi Viện, đường Bùi Thị Xuân và trục Lê Thánh Tôn - Lý Tự Trọng quận 1 cũng kinh doanh ảm đạm, phải đóng cửa tạm thời.
Báo cáo thị trường dịch vụ lưu trú của Savills Việt Nam cũng cho thấy, trong quý II, công suất khách sạn tại TP HCM giảm 8 điểm phần trăm theo quý. Tình hình hoạt động kém diễn ra ở tất cả phân khúc khách sạn do lượng khách quốc tế đến TP HCM giảm 13% theo quý.
Trước khó khăn của thị trường khách sạn, ngành du lịch đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, tuy nhiên, nguồn khách èo uột chưa thể giúp quá trình hồi phục đáp ứng kỳ vọng. Dự báo có thể phải mất ít nhất 2-3 năm tới để doanh nghiệp phục hồi về mức trước dịch.
Theo các chuyên gia, trước mắt cần tiếp tục áp dụng giảm khung giá điện kinh doanh dịch vụ lưu trú bằng với khung giá điện sản xuất trong vòng 3 năm, giảm giá nước sinh hoạt và chi phí internet cho ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú… Sau đó là có các chính sách nhằm kích cầu du lịch nội địa và đón khách quốc tế.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng đang kiến nghị các địa phương cân nhắc giảm tiền thuê đất trong bối cảnh kinh doanh khó khăn. “Giảm tiền thuê đất là sự điều chỉnh về mức hợp lý, không phải chỉ vì quyền lợi doanh nghiệp mà còn vì hàng nghìn lao động”, lãnh đạo một doanh nghiệp nói.
Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các khách sạn cũng cần liên tục làm mới mình để thuyết phục du khách "móc hầu bao". Khi miếng bánh thị phần thu hẹp lại, nếu các chủ đầu tư không có những chiến lược tốt, sự thích nghi kịp thời thì rất có thể bị đào thải.