Giới đầu tư đe dọa 'giam' tiền thưởng của các giám đốc hãng vaccine Covid-19

Nhiều công ty đầu tư yêu cầu các nhà sản xuất vaccine Covid-19 không trả tiền thưởng cho các giám đốc đến chừng nào họ cải thiện việc phân phối vaccine một cách công bằng hơn.

“Nhóm 65 công ty đầu tư, kiểm soát tổng cộng gần 3,5 nghìn tỷ USD tài sản của các hãng sản xuất vaccine, tin rằng vaccine “đang không được phân phối một cách công bằng”, ông Rogier Krens, Giám đốc đầu tư của Achmea Investment Management chia sẻ với BBC.

Nhóm công ty đầu tư kêu gọi các hãng sản xuất vắc-xin lớn công bằng hơn trong việc phân phối tới các quốc gia. Ảnh: South China Morning Post.

Số liệu từ Our World in Data cho thấy nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất là các quốc gia châu Phi có thu nhập thấp như Burundi, Cộng hòa Congo và Chad. Trong khi đó, những nước đứng đầu danh sách là các quốc gia giàu có hơn như UAE, Bồ Đào Nha và Brunei.

Nhìn chung, Trung Quốc và Ấn Độ có số lượng bao phủ vaccine cao nhất, với gần 3 tỷ và 1,5 tỷ liều. Mỹ đứng thứ ba, với hơn 500 triệu. Nhiều quốc gia nghèo hơn đang dựa vào việc cung cấp từ Covax, một chương trình do Gavi, Liên minh vắc xin, cùng với WHO, đang cố gắng đảm bảo tất cả mọi người trên thế giới đều được tiếp cận với vắc-xin Covid-19. Cho đến nay, chương trình đã phân phối hơn 900 triệu liều vắc-xin.

Ông Krens cho rằng động thái từ các nhà đầu tư có thể đem lại nhiều thay đổi trong việc phân phối của các hãng sản xuất vắc-xin Covid-19 trong thời gian tới.

“Điều mà chúng tôi đang yêu cầu đó là các công ty gắn chính sách đãi ngộ với việc phân phối vaccine một cách công bằng hơn”, ông Krens lý giải.

Điều này đồng nghĩa với việc nếu các công ty này không cam kết phân phối công bằng hơn, nhóm các công ty đầu tư trước hết sẽ bỏ phiếu chống lại bất kỳ đề xuất tăng thù lao hay tiền thưởng nào.

Minh bạch hơn

Nhóm các nhà đầu tư đã bày tỏ mối quan ngại của họ trong một lá thư gửi đến hội đồng quản trị của Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson. Trong tuyên bố của mình, họ nhấn mạnh lộ trình của Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi 70% dân số của mọi quốc gia được tiêm chủng vào giữa năm nay.

Vắc-xin Covid-19 là một trong những biện pháp quan trọng nhất nhằm đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh: Reuters.

Lộ trình của WHO kêu gọi các nhà sản xuất vắc-xin cần phải minh bạch hơn về lịch trình sản xuất và ưu tiên các hợp đồng với Covax và Avat nhằm cải thiện việc phân phối vắc xin ở các nước nghèo hơn.

Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư còn kêu gọi các hãng vắc-xin đẩy mạnh sản xuất vì vắc-xin Covid-19 là một trong những biện pháp quan trọng nhất trong việc đẩy lùi đại dịch.

Đáp lại, các nhà sản xuất nhấn mạnh rằng họ đang làm mọi điều có thể để đảm bảo vaccine được phân bổ một cách công bằng và mọi quốc gia có thu nhập thấp đều có khả năng tiếp cận với vắc-xin.

AstraZeneca cho biết họ “đang sản xuất vắc-xin Covid-19 không lợi nhuận cho các quốc gia có thu nhập thấp và đã phân phối hầu hết nguồn cung cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình”.

Johnson & Johnson cho biết khoảng 60% vắc-xin Covid-19 của hãng đã được chuyển đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình và việc tiếp cận vắc-xin đối với các quốc gia này một cách công bằng luôn là ưu tiên hàng đầu của hãng. Hãng cho biết chiến lược trả lương cho các giám đốc nhằm đẩy mạnh những phát minh bền vững và dài hạn.

Moderna và Pfizer chưa trả lời yêu cầu bình luận. Tuy nhiên vào năm ngoái, trong một bức thư ngỏ, giám đốc điều hành Albert Bourla của Pfizer đã viết rằng hạn chế lớn nhất đối với việc mở rộng sản xuất vắc-xin Covid-19 là “sự khan hiếm nguyên liệu thô có tính chuyên dụng cao”.

Tuần trước, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vắc-xin trong việc chấm dứt đại dịch. Ông kêu gọi chống lại “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và tích trữ vắc-xin”, và nói thêm rằng nếu “chúng ta chấm dứt sự bất bình đẳng, chúng ta sẽ chấm dứt đại dịch”.

Hương Vũ (Theo BCC News)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gioi-dau-tu-de-doa-giam-tien-thuong-cua-cac-giam-doc-hang-vaccine-covid-19-post176430.html