Giới đầu tư kỳ vọng cao Fed sẽ chậm lại trong việc tăng lãi suất

Phố Wall tăng tích cực trong phiên ngày thứ Sáu (4/11), khi báo cáo việc làm tháng 10 dù gây chia rẽ, nhưng nhìn chung niềm tin đã được nâng cao về việc Fed sẽ chậm lại trong con đường tăng lãi suất.

Báo cáo việc làm tháng 10 của Mỹ được công bố khiến nhà đầu tư chia rẽ, làm dấy lên một số lo ngại rằng Fed sẽ tiếp tục chiến dịch nâng lãi suất vì thị trường lao động đã tạo ra thêm 261.000 việc làm trong tháng 10.

Báo cáo việc làm tháng 10 của Mỹ khiến giới đầu tư chia làm hai nửa, một bên cho rằng, dữ liệu cho thấy thu nhập theo giờ giờ tăng hơn một chút so với dự báo, cũng như tăng trưởng việc mới lên con số 261.000, cho thấy một thị trường lao động phần lớn vẫn đứng vững, khiến kỳ vọng Fed thu hẹp việc tăng lãi suất trở nên mờ nhạt.

Số khác giải thích dữ liệu này là một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động bắt đầu co hẹp, mặc dù với tốc độ chậm khi tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên 3,7%, khiến kỳ vọng Fed sẽ chậm lại trên con đường tăng lãi suất trong tương lai.

Hôm thứ Sáu, các quan chức khác của Fed lặp lại bình luận của Chủ tịch Powell về khả năng giảm quy mô tăng lãi suất, nhưng cần tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian dài hơn và có khả năng cao hơn mức mục tiêu 4,6% mà Fed đã đưa ra tại cuộc họp tháng 9.

Sự tập trung của thị trường giờ đây sẽ chuyển sang chỉ số lạm phát tiêu dùng quan trọng sẽ được công bố vào tuần tới, cũng như cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào ngày 8/11.

Trong khi đó, hy vọng nới lỏng các quy định khắt khe chống Covid-19 của Trung Quốc đã hỗ trợ một số nhóm ngành của thị trường, với cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của các công ty Trung Quốc bao gồm Alibaba, tăng 7,05% và JD.com, tăng 9,74%.

Những hy vọng đó cũng giúp tăng giá các mặt hàng như đồng, từ đó nâng đỡ ngành vật liêụtăng 3,41% và là ngành hoạt động tốt nhất trong số 11 ngành chính của S&P 500.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,39%, S&P 500 giảm 3,34% và Nasdaq giảm 5,65%.

Kết thúc phiên 4/11, chỉ số Dow Jones tăng 401,97 điểm (+1,26%), lên 32.403,22 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 50,66 điểm (+1,36%), lên 3.770,55 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 132,31 điểm (+1,28%), lên 10.475,26 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ ủng hộ việc Fed sẽ đưa ra các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn, và hy vọng nới lỏng các hạn chế Covid-19 ở Trung Quốc đã thúc đẩy các cổ phiếu khai thác và xa xỉ.

Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 1,81% lên 416,98 điểm với cổ phiếu tài nguyên cơ bản tăng 5,4%, hàng hóa tiêu dùng & gia dụng tăng 3,9% và các nhà sản xuất ô tô tăng 3,7% đã dẫn đầu các ngành tăng điểm.

Nhờ có một mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III tốt hơn dự kiến và hy vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ đã giúp, STOXX 600 đánh dấu mức tăng thứ tư trong tuần liên tiếp với mức tăng 1,5%.

Teeuwe Mevissen, nhà kinh tế thị trường cấp cao tại Rabobank cho biết: “Chúng tôi chắc chắn tin rằng Fed sẽ tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất, mặc dù không phải với những đợt tăng chóng mặt trong các cuộc họp vừa qua”.

Hơn nữa, Trung Quốc dự kiến sẽ thực hiện những thay đổi đáng kể đối với chính sách Zero COVID trong những tháng tới và rút ngắn hơn nữa các yêu cầu kiểm dịch đối với khách du lịch trong nước cũng được thị trường hoan nghênh.

Cổ phiếu Những gã khổng lồ xa xỉ có doanh số lớn ở Trung Quốc đều tăng mạnh với bao gồm LVMH, Kering, Pernod Ricard và Hermes, tăng từ 3,7% đến 7,1%.

Trong khi đó, dữ liệu cho đến nay chỉ ra rằng, khu vực đồng euro đang hướng tới một cuộc suy thoái vào mùa đông ,khi một cuộc khảo sát cho thấy hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro đã thu hẹp vào tháng 10 với tốc độ nhanh nhất kể từ cuối năm 2020 do lạm phát cao và cuộc khủng hoảng năng lượng gia tăng ảnh hưởng đến nhu cầu.

Đáng chú ý nhất trong phiên này là cổ phiếu của Adidas đã tăng 21,4%, sau khi có báo cáo rằng giám đốc điều hành Puma sắp mãn nhiệm Bjorn Gulden sẽ trở thành người đứng đầu mới tại Adidas.

Kết thúc phiên 4/11: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 146,21 điểm (+2,03%), lên 7.334,84 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 329,66 điểm (+2,15%), lên 13.459,85 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 173,16 điểm (+2,77%), lên 6.416,44 điểm.

Giá dầu thô tiếp tục tăng nhờ tin đồn về việc Trung Quốc sẽ nới lỏng các biện pháp chống Covid-19 hiện tại. Tính cả tuần, dầu Brent tăng 2,9% và dầu WTI tăng 4,7%.

Kết thúc phiên 4/11, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 2,96 USD/thùng (+3,3%), lên 92,61 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 3,99 USD/thùng (+4,2%), lên 98,57 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gioi-dau-tu-ky-vong-cao-fed-se-cham-lai-trong-viec-tang-lai-suat-post309442.html