Giới đầu tư từ bỏ quan điểm lãi suất 'cao hơn trong thời gian dài hơn'
Thông điệp ôn hòa mà Fed đưa ra trong tuần qua đang được thị trường đón nhận như tín hiệu rằng cuộc chiến chống lạm phát đã sắp đến hồi kết.
Tín hiệu về các đợt giảm lãi suất
Sự phục hồi của thị trường trái phiếu toàn cầu trong tuần qua đã phá vỡ giả định kéo dài hàng tháng trời của các nhà đầu tư rằng lãi suất ở Mỹ và nhiều nơi khác sẽ được duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống dưới 4% lần đầu tiên kể từ tháng 8. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm vốn nhạy cảm với chính sách và theo sát kỳ vọng về lãi suất, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5.
Các thị trường trái phiếu chính phủ khác cũng trải qua những bước chuyển biến mạnh mẽ trong những ngày gần đây, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức trượt xuống mức thấp nhất trong 9 tháng qua.
Những động thái mạnh mẽ này xuất hiện sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra dấu hiệu rõ ràng nhất rằng họ sẽ không tăng lãi suất nữa, đồng thời dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 3/4 điểm phần trăm vào năm 2024. Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý rằng lãi suất “có thể đã tới hoặc gần tới” mức đỉnh của chu kỳ thắt chặt này”.
“Cụm từ “cao hơn trong thời gian dài hơn” đã được loại bỏ”, Kristina Hooper, trưởng chiến lược gia tại Invesco, nhận định. “Ông Powell đã đánh tín hiệu trong tuần này”.
Gần đây nhất là vào đầu tháng 11, thị trường đã chuẩn bị tâm lý cho môi trường lãi suất “cao hơn trong thời gian dài hơn”, khi các ngân hàng trung ương tiếp tục cuộc chiến kiềm chế lạm phát.
Nhưng trong những tuần gần đây, nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hạ nhiệt và dữ liệu tăng trưởng giá yếu hơn đã giúp xoa dịu những lo ngại đó – giúp hỗ trợ thị trường trái phiếu và chứng khoán. Tuy nhiên, các dự đoán được đưa ra trong biểu đồ “dot plot” của Fed mới đây được nhiều người coi là dấu hiệu chính thức nhất cho thấy cụm từ “cao hơn trong thời gian dài hơn” đã chấm dứt.
Tính đến ngày 15/12, thị trường đã phản ánh rõ kỳ vọng của giới đầu tư về 6 đợt cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2024 – có thể bắt đầu ngay từ tháng 3. Theo những dự đoán này, lãi suất ở nền kinh tế lớn nhất giới, hiện đang trong khoảng 5,25%-5,5% sẽ giảm xuống còn 3,9%.
Trong khi Chủ tịch Fed New York John Williams hôm 15/12 cho biết thảo luận về việc cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 3 là “quá sớm”, nhưng lời cảnh báo của ông dường như không đủ để 'hạ nhiệt' kỳ vọng của thị trường.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde (Ảnh: Getty)
Giới đầu tư lạc quan
Tâm lý lạc quan cũng xuất hiện ở châu Âu và Vương quốc Anh - nơi lạm phát cao hơn nhiều so với ở Mỹ - ngay cả khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde và Thống đốc Ngân hàng Anh Andrew Bailey cố gắng đẩy lùi kỳ vọng về những đợt cắt giảm lãi suất sắp xảy ra.
Tâm lý lạc quan của nhà đầu tư cũng thúc đẩy sự bứt phá của thị trường chứng khoán trong tuần qua, trong đó chỉ số S&P 500 của Phố Wall kết thúc tuần tăng thứ 7 liên tiếp và tiến gần hơn đến mức cao kỷ lục mới.
Một số chiến lược gia lưu ý rằng lạm phát ở Mỹ vẫn còn cách xa mục tiêu dài hạn 2% của Fed - có nghĩa là lãi suất khó có thể giảm một cách nhanh chóng. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 11 đạt 3,1% - giảm so với con số 3,2% của tháng 10 và tương đồng với dự báo.
Nhưng đối với Michael Kushma, Giám đốc đầu tư tại các thị trường thu nhập cố định đến từ Morgan Stanley, “Fed đã chuyển trọng tâm từ kiềm chế lạm phát sang tăng trưởng”.
Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh trong tuần qua cũng khiến chi phí huy động vốn của doanh nghiệp đi vay thấp hơn nhiều. Theo chỉ số Ice BofA, lợi suất trái phiếu trung bình của các công ty Mỹ được xếp hạng thấp đã giảm xuống dưới 8%, quanh mức thấp nhất được ghi nhận vào tháng 2 – trong đó hôm 14/12 đánh dấu mức giảm theo ngày lớn nhất trong 13 tháng.
Quan ngại về việc một số công ty được xếp hạng thấp nhất ở cả hai bờ Đại Tây Dương sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán lãi nợ trong môi trường có chi phí vốn cao hơn nhiều, với khả năng làm gia tăng tỷ lệ vỡ nợ, đã tăng lên trong năm nay. Theo Moody's, chỉ riêng các công ty Mỹ được xếp hạng thấp đã phải đối mặt với khoản đáo hạn 1,87 nghìn tỉ USD trong 5 năm tới.
Andrzej Skiba, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định Bluebay US tại RBC Gam cho biết, triển vọng cắt giảm lãi suất có ý nghĩa rõ ràng hơn đối với các tổ chức phát hành khoản vay với lãi suất thả nổi so với các tổ chức phát hành trái phiếu với lãi suất cố định.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng nền kinh tế Mỹ chậm lại hơn nữa có thể bắt đầu ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp./.