Giới hạn lái xe không quá 48 giờ/tuần: Doanh nghiệp vận tải kêu khó

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tài xế ô tô kinh doanh vận tải không được lái xe liên tục quá 4 giờ, với thời gian làm việc trong ngày tối đa 10 giờ và trong một tuần không được phép lái xe quá 48 giờ. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải và tài xế đều ủng hộ quy định không được lái xe liên tục quá 4 giờ nhưng cũng còn một số băn khoăn về cách tính thời gian bắt đầu làm việc của tài xế.

Ủng hộ không được lái xe liên tục 4 giờ

Nhiều năm lái xe container vận tải tuyến Hải Phòng - Vĩnh Phúc, tài xế Bùi Văn Phương cho biết anh cùng các đồng nghiệp đã dành thời gian tìm hiểu kỹ các quy định mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

So với Luật Giao thông đường bộ trước đây, quy định về thời gian lái xe đã kế thừa và giữ nguyên việc tài xế không được lái ô tô liên tục quá 4 giờ và không quá 10 giờ một ngày. Đây là quy định cần thiết, giúp đảm bảo sức khỏe và sự tỉnh táo cho lái xe. Anh em có thể nghỉ ngơi năm, mười phút để uống nước, vệ sinh cá nhân rồi lại tiếp tục hành trình", anh Phương chia sẻ.

Theo quy định mới tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, từ ngày 1/1/2025, tài xế không được lái xe quá 48 giờ trong 1 tuần, không được điều khiển xe quá 10 giờ trong 1 ngày và không lái xe liên tục quá 4 giờ.

Quy định tài xế không được lái ô tô liên tục quá 4 giờ và không quá 10 giờ một ngày được đông đảo doanh nghiệp, tài xế ủng hộ.

Quy định tài xế không được lái ô tô liên tục quá 4 giờ và không quá 10 giờ một ngày được đông đảo doanh nghiệp, tài xế ủng hộ.

Điểm b, Khoản 5, Điều 21 Nghị định 168/2024 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định xử phạt hành chính đối với tài xế lái xe ô tô liên tục quá 4 giờ sẽ phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Hình phạt bổ sung là trừ 2 điểm giấy phép lái xe.

Ngoài ra, theo khoản 9, khoản 21, Điều 32 Nghị định 168/2024, trường hợp chủ xe để cho tài xế của mình lái xe ô tô liên tục quá 4 giờ cũng sẽ bị xử phạt. Cụ thể, phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với cá nhân là chủ xe; phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe; hình phạt bổ sung là cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm nêu trên còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe.

Nhận định về những quy định mới được ban hành, anh Nguyễn Đức Huy, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương - tài xế chạy xe dịch vụ du lịch cho rằng: Những thay đổi trong quy định thời gian lái xe là bước đi quan trọng nhằm nâng cao an toàn giao thông đường bộ. Việc tuân thủ nghiêm ngặt những quy định này sẽ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ sức khỏe cho lái xe và đảm bảo tính minh bạch trong quản lý vận tải.

“Quy định mới về giờ làm của lái xe sẽ giúp các lái xe có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, tránh tình trạng phải làm việc liên tục, bị “vắt kiệt sức” trong những mùa cao điểm, qua đó nâng cao yếu tố an toàn cho các chuyến đi”, anh Huy nhấn mạnh.

Còn đó những băn khoăn

Trao đổi với phóng viên, nhiều doanh nghiệp vận tải, tài xế cho rằng: Quy định tài xế không được lái ô tô liên tục quá 4 giờ và lái xe không quá 10 giờ một ngày là cần thiết và đã được không ít doanh nghiệp duy trì từ lâu nhằm đảm bảo sự tỉnh táo cho lái xe và an toàn cho hành khách. Tuy nhiên, quy định không được lái xe quá 48 giờ/tuần là điều gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và tài xế.

"Với một số cung đường trước đây chỉ cần một người lái, nay công ty sẽ phải điều hai người, thu nhập của chúng tôi vì thế cũng bị ảnh hưởng. Theo cá nhân tôi nên điều chỉnh quy định cho tài xế được lái xe không quá 60 giờ/tuần”, tài xế Bùi Văn Phương chia sẻ.

Chung quan điểm không nên giới hạn tài xế chỉ được chạy 48 giờ/tuần, anh Nguyễn Trung Đức, chủ một doanh nghiệp vận tải tại phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên cho rằng: "Mức trung bình 10 giờ/ngày và 60 giờ/tuần là hợp lý, chứ không nên giới hạn 48 giờ/tuần. Quy định 48 giờ/tuần sẽ khiến doanh nghiệp và tài xế gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất gây chậm tiến độ, vì bên khách hàng cần hàng hóa cho hoạt động sản xuất. Thứ hai, nếu chạy đúng quy định sẽ phải tăng tài xế, lúc này doanh nghiệp vận tải phát sinh thêm chi phí, chắc chắn giá hàng hóa và sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng”.

Bất kì quy định mới nào khi đưa vào áp dụng trong thực tế sẽ có thể ảnh hưởng, tác động đến một bộ phận người dân, doanh nghiệp. Quy định về tổng thời gian làm việc của lái xe không quá 48 giờ/tuần cũng vậy. Tuy nhiên, với những quy định hiện hành về số giờ làm việc của lái xe có thể giúp các lái xe vẫn đảm bảo thu nhập, doanh nghiệp có thêm lợi nhuận.

Cần phải nhìn nhận thực tế, thời gian qua, có nhiều lái xe do nhu cầu muốn kiếm thêm thu nhập, doanh nghiệp vì muốn tăng lợi nhuận nên lái xe làm việc quá giờ, gây ra sự mệt mỏi, thiếu tỉnh táo khi lái xe, ảnh hưởng đến sự an toàn bản thân lái xe, hành khách, người tham gia giao thông và làm gia tăng chi phí của các doanh nghiệp.

Bởi vậy, việc có những quy định về số giờ chạy xe cho tài xế là việc làm rất cần thiết nhằm hướng đến mục tiêu giảm số người tử vong và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.

Bài, ảnh: Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/123999//gioi-han-lai-xe-khong-qua-48-giotuan-doanh-nghiep-van-tai-keu-kho