Giới khoa học cảnh báo 'siêu biến thể' nCoV

Các chuyên gia nhận định nếu nCoV tiếp tục biến đổi, thế giới sẽ đối mặt siêu biến thể với mức độ lây nhiễm, độc lực và khả năng tránh né miễn dịch khác hoàn toàn.

Các chuyên gia nhận định nếu nCoV tiếp tục biến đổi, thế giới sẽ đối mặt siêu biến thể với mức độ lây nhiễm, độc lực và khả năng tránh né miễn dịch khác hoàn toàn.

Mỗi tuần, một nhóm chuyên gia dịch tễ tại Đông Bắc nước Mỹ tham gia cuộc họp trực tuyến để thảo luận về biến thể nCoV trên thế giới. William Hanage, nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Harvard, chia sẻ: "Nó giống kiểu dự báo thời tiết vậy. Chúng tôi từng bảo nhau ‘Tôi tìm thấy một ít biến thể Gamma ở đây. Chỗ kia thì có biến thể Alpha'. Nhưng giờ chỉ toàn biến thể Delta mà thôi", ông nói.

Kể từ lần đầu xuất hiện tại Ấn Độ vào tháng 12/2020, Delta trở nên phổ biến đến mức các nhà khoa học cho rằng virus đã ngừng biến đổi, chuyển sang trạng thái ổn định. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 99,5% trình tự gene ghi nhận trong cơ sở dữ liệu hiện là Delta.

Một số biến thể mới tiếp tục xuất hiện, như AY.4.2 hay Delta Plus thời gian gần đây, có khả năng lây truyền cao hơn 10-15%. Song chúng gần như giống với biến thể Delta, ngoại trừ một vài đột biến nhỏ khác lạ. Ông Hanage gọi chúng là "cháu chắt" của Delta.

"Có khá nhiều loại Delta Plus. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, tôi nhận định Delta Plus là tên gọi dành cho tất cả những biến thể cần quan tâm lúc này. Nhưng nó không dễ lây truyền hơn Delta quá nhiều", Hanage nói.

Hanage và các đồng nghiệp vẫn xem xét cơ sở dữ liệu Covid-19 mỗi tuần, mục đích của cuộc gặp là dự đoán điều gì xảy ra tiếp theo. Họ cần tìm hiểu Delta thực sự là ngưỡng phát triển cuối cùng của virus, hay điều đáng ngại hơn đang chờ đợi nhân loại ở tương lai? Đây là câu hỏi chưa có lời giải chắc chắn.

Một giả thuyết đưa ra là sau thay đổi lớn ban đầu, tạo ra Alpha và Delta, nCoV giờ đây đột biến từ từ và ổn định, cuối cùng vượt ngoài tầm kiểm soát của vaccine hiện tại. Nhưng quá trình này sẽ tốn nhiều năm.

Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền UCL, cho biết: "Kiểu tiến hóa này gọi là ‘trôi’ kháng nguyên (antigenic drift), khi virus tiến hóa để thoát hệ miễn dịch, thường gây nên các đợt dịch vừa và nhỏ. Đối với cúm và các chủng corona khác, virus mất khoảng 10 năm để tích lũy đủ thay đổi mà các kháng thể trong máu không nhận ra được".

Kịch bản khác là nCoV sẽ đột biến thành chủng hoàn toàn mới, mức độ lây truyền, độc lực và khả năng né tránh miễn dịch khác hẳn. Ravi Gupta, giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge gọi những chủng này là "siêu biến thể". Ông chắc chắn đến 80% chúng sẽ xuất hiện trong tương lai, chỉ chưa biết khi nào.

"Hiện giờ đại dịch chủ yếu là do Delta. Siêu biến thể tôi đang nói đến còn mạnh mẽ hơn Delta Plus. Tôi không nghĩ Delta Plus đáng lo ngại và có thể phát triển mạnh mẽ ở các nước khác. Nhưng biến thể bền vững hơn có thể xuất hiện trong hai năm tới, nó cạnh tranh trực tiếp với Delta, có khi vượt xa Delta", giáo sư Gupta nói.

Hình ảnh biểu thị các tế bào khỏe mạnh (màu đỏ) bị nCoV (màu vàng) xâm nhập. Ảnh: NIH

Siêu biến thể phát sinh theo nhiều cách khác nhau.

Nửa cuối năm 2020, các chuyên gia dịch tễ quan sát được hiện tượng tái tổ hợp virus.Trong đó, các phiên bản khác nhau của nCoV trao đổi đột biến, kết hợp để tạo thành chủng hoàn toàn mới.

May mắn là hiện tượng này không phổ biến, theo lời ông Gupta. Nhưng nó vẫn có thể là nguồn cơn của siêu biến thể, đặc biệt tại những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, nơi Covid-19 vẫn thoải mái lây lan.

"Hiện Delta đang là chủng áp đảo nên tỷ lệ xuất hiện biến thể mới ít hơn. Nhưng tại một số khu vực, chúng tôi không thể lấy mẫu xét nghiệm, cũng không biết tình hình dịch bệnh ra sao. Vì vậy, kịch bản siêu biến thể khá thực tế", ông nói.

nCoV cũng có thể xuất hiện hàng loạt đột biến lớn, tạo ra phiên bản Delta nâng cấp mạnh mẽ hoặc chủng virus khác hẳn. Gideon Schreiber, giáo sư khoa học phân tử tại Viện Khoa học Weizmann ở Israel, cho biết: "Các biến thể gần đây là phiên bản của Delta, nhưng virus có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai. Đột biến phức tạp hơn đồng thời xuất hiện ở nhiều vị trí. Điều này gây ra nhiều vấn đề".

Nhiều người lo ngại thuốc kháng virus có thể thúc đẩy nCoV tiến hóa nhằm thích nghi với cơ thể người. Ví du, molnupiravir của hãng dược Merck hoạt động bằng cách can thiệp vào khả năng sao chép của nCoV, chèn vào các đột biến cho đến khi virus không sinh sản được nữa. Một số nhà khoa học lập luận nếu bất kỳ đột biến nào trong đó tồn tại và lây lan sang người, về mặt lý thuyết, nó tạo ra biến thể mới. Những chuyên gia khác thừa nhận khả năng này, song họ cho rằng lợi ích cứu sinh của molnupiravir vẫn lớn hơn rủi ro trên.

Siêu biến thể cũng có nguy cơ xuất hiện tại các nước có tỷ lệ lây nhiễm cao liên tục như Anh. Theo ông Gupta, khi Delta lưu hành trong các quần thể đã tiêm chủng, virus có cơ hội tiến hóa xa hơn để thích nghi.

"Càng nhiều ca nhiễm mỗi ngày, càng dễ xuất hiện một bệnh nhân X nào đó, với tế bào T không đủ mạnh để loại bỏ virus và bị ức chế miễn dịch. Họ mắc bệnh vài ngày, kháng thể chiến đấu với virus bởi họ đã tiêm vaccine, nhưng virus tìm cách trốn tránh miễn dịch và phát tán ra ngoài", ông giải thích.

Đầu năm nay, giáo sư Gupta xuất bản một nghiên cứu cho thấy tình trạng này có thể xảy ra ở bệnh nhân nặng, đã được dùng huyết tương dưỡng bệnh chứa kháng thể diệt nCoV. Hệ thống miễn dịch của họ không đủ khỏe để loại bỏ nCoV, virus đã học cách đột biến xung quanh các kháng thể đó. Nhiều chuyên gia suy đoán việc sử dụng tràn lan liệu pháp huyết tương trong thời kỳ đầu đại dịch là nguyên nhân thúc đẩy sự xuất hiện của các biến thể.

Các nhà khoa học cố gắng mô hình hóa siêu biến thể nCoV mới. Đến nay, những biến đổi chính đều giúp virus tăng khả năng lây truyền. Ông Hanage giải thích lý do khiến Delta tác động lớn đến vậy là tốc độ phát triển cực nhanh chóng trong tế bào người, trước khi hệ miễn dịch bắt đầu hoạt động. Kết quả, tải lượng virus trong mũi người nhiễm Delta nhiều hơn khoảng 1.200 lần so với chủng ban đầu, triệu chứng xuất hiện sớm hơn từ hai đến ba ngày.

Đây là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên. Virus luôn tạo ra những bản sao khác nhau. Bản sao tồn tại cuối cùng và trở nên áp đảo có khả năng lây nhiễm cao hơn. Tuy nhiên, tại các quốc gia như Anh, nơi tỷ lệ tiêm chủng giảm dần, xu hướng có thể thay đổi. Biến thể nCoV vượt được hàng rào miễn dịch có thể chiếm ưu thế hơn, siêu biến thể tiếp theo đủ sức né tránh ít nhất một phần phản ứng miễn dịch.

Dù điều này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng nó không phải tin xấu. Vaccine được tạo ra hướng tới sự tiến hóa của virus. Các chuyên gia dịch tễ không cho rằng nCoV sẽ phát triển đến mức khiến tiêm chủng hoàn toàn vô dụng. Họ cũng đang nghiên cứu vaccine thế hệ thứ hai, chống được biến thể tiềm năng.

VNE

Nguồn Hà Nam: https://www.baohanam.com.vn/suc-khoe/tu-van/gioi-khoa-hoc-canh-bao-sieu-bien-the-ncov-56739.html