Giới khoa học lo ngại kháng thể với biến thể Delta có thể không chống được Omicron

Theo một số nhà khoa học, có khả năng mức độ hiệu quả của các vaccine hiện nay cũng như kháng thể do miễn dịch tự nhiên của biến thể Delta đối với biến thể này tương đối hạn chế.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6 giờ ngày 6/12 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 266.098.048 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.270.351 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 407.528 và 3.815 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 239.678.676 người, 21.149.021 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 86.773 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Anh dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 43.992 ca; Pháp đứng thứ hai với 42.252 ca; tiếp theo là Đức (35.983 ca). Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.205 người chết trong ngày; tiếp theo là Ukraine (278 ca) và Mexico (251 ca tử vong).

Theo các nhà khoa học, số lượng đột biến của biến thể Omicron khác biệt về mặt cấu trúc với phần lây nhiễm của các chủng virus SARS-COV-2 khác

Ngày 5/12, Tiến sĩ Rochelle Walensky Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, cơ quan này đang dõi theo chặt chẽ tình hình liên quan đến biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và số ca nhiễm biến thể mới này ở Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng.

Theo bà Walensky, CDC Mỹ vẫn chưa xác định được mức độ lây nhiễm của Omicron cũng như mức độ hiệu quả của các vaccine hiện nay đối với biến thể này. Bà nhấn mạnh cần thời gian để theo dõi và phân tích về những đột biến của Omicron. Bà Walensky khẳng định mối quan ngại hiện nay vẫn là biến thể Delta, đang chiếm 99,9% số ca nhiễm mỗi ngày ở Mỹ mà theo bà Walensky là vào khoảng 90.000-100.000 ca.

Khi được hỏi viễn cảnh nào trong 6 tháng tới khi theo các nghiên cứu ở Nam Phi, nơi công bố về biến thể Omicron ngày 25/11 vừa qua, biến thể này có khả năng lây nhiễm cao gấp đôi so với Delta, Giám đốc CDC Mỹ cho rằng, một biến thể càng nhiều đột biến thì cơ thể càng cần tăng miễn dịch để đối phó. Do đó, CDC Mỹ đang đẩy mạnh tiêm chủng và tiêm chủng tăng cường.

Bà Walensky cũng bày tỏ lạc quan rằng, các chuyên gia y tế hiện nay đang hiểu rõ hơn về dịch bệnh so với thời điểm COVID-19 mới xuất hiện. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những hướng dẫn phòng dịch mà CDC Mỹ đã ban hành như đeo khẩu trang ở những khu vực có nguy cơ cao.

Tính đến thời điểm hiện tại, biến thể Omicron đã được phát hiện ở ít nhất 16 bang tại Mỹ.

Trong khi đó, tại Nga, trả lời hãng thông tấn TASS ngày 5/12, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền Phân tử Nga - ông Andrei Isayev cho hay sự chênh lệch rõ rệt về số lượng đột biến của biến thể Omicron cho thấy phần lây nhiễm của chủng này khác biệt về mặt cấu trúc với phần lây nhiễm của các chủng virus SARS-COV-2 khác. Đó là lý do vì sao những kháng thể được phát triển ở người từng nhiễm các chủng khác hay nhờ việc tiêm vaccine có thể không phòng ngừa được Omicron. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không tồn tại miễn dịch chéo giữa chủng virus Omicron và các chủng khác.

Tương tự, theo ông Andrei Isayev kháng thể được sản sinh sau khi nhiễm Omicron cũng sẽ không bảo vệ cơ thể khỏi Delta. Do vậy, ông Isayev tin rằng COVID-19 có khả năng phân tách thành hai dạng COVID-D và COVID-O theo lời một nhà sinh học tiến hóa từng khẳng định.

Ông Isayev cũng lưu ý rằng vì có số lượng đột biến tăng vọt nên rất khó đoán Omicron sẽ thể hiện thế nào trong tương lai.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gioi-khoa-hoc-lo-ngai-khang-the-voi-bien-the-delta-co-the-khong-chong-duoc-omicron-post170631.html