Giới trẻ ở Trung Quốc có còn tin vào chế độ trọng dụng nhân tài?
Tại Trung Quốc, những sinh viên xem nội dung trực tuyến liên quan đến bất công xã hội thường có xu hướng ít tin tưởng hơn vào chế độ trọng dụng nhân tài.
Đại đa số người dân Trung Quốc từng ủng hộ chế độ trọng dụng nhân tài.
Theo đó, mọi người tin rằng các nguồn lực và địa vị xã hội nên được phân bổ theo thành tích cá nhân, bất kể xuất thân của họ. Điều này có nghĩa là người dân bình đẳng với mọi cơ hội. Thành công cuối cùng của họ được xác định bởi khả năng, trình độ học vấn và sự chăm chỉ, cố gắng của bản thân.
Vỡ mộng?
Niềm tin của người dân Trung Quốc vào chế độ trọng dụng nhân tài bắt nguồn từ cả văn hóa và thể chế của nước này.
Trước đây, dựa trên cơ sở học vấn và năng lực, kỳ thi Đình cho phép nhân tài thăng tiến trên con đường làm quan. Trong cải cách kinh tế, trình độ học vấn và chuyên môn đều tác động trực tiếp đến kinh tế của một người.
Điển hình của xu hướng này là sự hồi sinh của kỳ thi đại học (gaokao). Dù cạnh tranh khốc liệt, việc có bằng cấp đại học hứa hẹn mức lương tăng đáng kể trong những năm 1980 và 1990. Việc vào đại học đã thay đổi cuộc đời những người lớn lên trong nghèo khó.
Nhưng hiện tại, khi giáo dục đại học trở nên phổ biến hơn, bằng cấp ngày càng ít có giá trị trên thị trường đại học. Theo thống kê, trước khi mở rộng giáo dục đại học vào năm 1998, tỷ lệ học sinh trúng tuyển đại học là 25,9%. Sau 20 năm, con số này tăng vọt lên 54,2%.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học ngày càng tăng dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt. Không còn dừng lại ở gaokao, người dân Trung Quốc tiếp tục cạnh tranh ở các kỳ thi tuyển sinh sau đại học, thi công chức hoặc thị trường việc làm.
Giá trị bằng cấp giảm đã làm tăng ảnh hưởng của các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của sinh viên đối với triển vọng giáo dục, chẳng hạn như nơi sinh, hoàn cảnh gia đình và các mối quan hệ xã hội.
Sự vỡ mộng trở nên phổ biến, đến mức có một cụm từ dành riêng cho hiện tượng này - các gia đình nghèo phải vật lộn để sinh ra đứa con thành đạt.
Trong khi đó, áp lực ngày càng tăng đối với những người trẻ tuổi tạo ra hàng loạt từ xu hướng trên mạng xã hội trong suốt 15 năm. Điển hình như "pindie" (dựa vào các mối quan hệ gia đình), "985 losers” (ám chỉ những người không đạt được thành công trong giới thượng lưu của Trung Quốc dù tốt nghiệp đại học), hay "tangping" (trào lưu "nằm yên" của người trẻ thách thức tham vọng cạnh tranh của Trung Quốc).
Các thuật ngữ trên phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của giới trẻ Trung Quốc khi phải đối mặt với áp lực xã hội to lớn và sự dịch chuyển xã hội đang suy giảm.
Tuy nhiên, rất ít người trẻ Trung Quốc thực sự nằm im. Trước nghịch lý trên, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu thanh niên Trung Quốc còn tin tưởng vào chế độ trọng dụng nhân tài. Giáo dục và sự chăm chỉ có thể thay đổi số phận của họ không?
Người Trung Quốc tin vào chế độ nhân tài do chính họ tạo ra
Để tìm câu trả lời, nhóm nghiên cứu của GS Xã hội học Li Zhonglu, Đại học Sơn Đông, đã tiến hành phân tích dữ liệu từ nghiên cứu nhóm năm 2018 về sinh viên đại học Trung Quốc - nghiên cứu theo chiều dọc do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thực hiện.
Kết quả thật bất ngờ. Phân tích dữ liệu cho thấy khoảng 70% sinh viên đại học hiện nay vẫn tin rằng bất kể hoàn cảnh gia đình, các cá nhân có thể thành công nhờ làm việc chăm chỉ. Niềm tin này là một sản phẩm của giáo dục.
Người Trung Quốc tin vào chế độ nhân tài do chính họ tạo ra. Giáo dục nước này được kiểm soát bằng một hệ thống kiểm tra tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Mặc dù còn thiếu sót, những kỳ thi này thường được coi là thước đo công bằng và khách quan để đánh giá thành tích học hành.
Tuy nhiên, một phát hiện thú vị đó là việc tiếp xúc với các phương tiện kỹ thuật số có thể ảnh hưởng đến niềm tin của giới trẻ. Nghiên cứu của GS Li Zhonglu cho thấy những sinh viên xem nội dung trực tuyến liên quan đến bất công xã hội thường có xu hướng ít tin tưởng hơn vào chế độ trọng dụng nhân tài. Những nội dung như vậy làm tăng thêm sự hoài nghi của họ.
Theo GS Li Zhonglu, điều tra niềm tin của công chúng vào chế độ trọng dụng nhân tài là rất quan trọng. Nghiên cứu của nhóm giáo sư chỉ ra dù phổ biến đến đâu, các meme về "tangping" không ảnh hưởng đến suy nghĩ của hầu hết sinh viên đại học Trung Quốc. Họ vẫn hoàn toàn đồng ý rằng thành công được xác định bằng năng lực.
Nhưng việc kiểm tra những giả định làm nền tảng cho niềm tin này cũng quan trọng không kém.
Theo đó, các nguyên tắc của chế độ nhân tài mang lại cho mọi người động lực để theo đuổi mục tiêu và niềm tin vào khả năng thăng tiến. Tuy nhiên, một tác dụng phụ của điều này là sự khác biệt trong niềm tin vào chế độ nhân tài thực sự có thể làm trầm trọng bất bình đẳng xã hội.
Ví dụ, nếu những đứa trẻ thuộc tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu chia sẻ niềm tin cao độ của cha mẹ chúng vào chế độ trọng dụng nhân tài, trong khi đó, những đứa trẻ thuộc tầng lớp xã hội thấp hơn tin rằng chúng không còn khả năng thay đổi số phận của mình, sự chênh lệch giữa 2 nhóm sẽ càng trở nên nghiêm trọng và ăn sâu hơn.
Đây không phải là mối quan tâm không có mục đích. Trong số các sinh viên đại học, khi trường càng danh tiếng, điểm số càng cao, niềm tin của họ vào sự thăng tiến dựa trên nhân tài càng lớn.
Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra trong dân số nói chung, niềm tin vào chế độ trọng dụng nhân tài giảm xuống còn 59%. Mức độ tin tưởng tương quan chặt chẽ với tầng lớp của họ.
Trong khi đó, sự cạnh tranh khốc liệt trong hệ thống giáo dục đồng nghĩa với việc những đứa trẻ không vào được các trường đại học danh tiếng hay có điểm số không ngang bằng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn sau khi tốt nghiệp.
Việc thất bại có thể khiến người trẻ trở nên bi quan hoặc nghi ngờ về sự tồn tại của chế độ trọng dụng nhân tài.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy nhiều sinh viên theo học các trường tầm trung hoặc có điểm số bình thường chọn “nằm im” sau khi tốt nghiệp hoặc sống dựa vào cha mẹ của họ.
Nếu hệ thống giáo dục và việc làm của Trung Quốc đang dạy cho phần lớn dân số mất niềm tin vào tương lai chỉ vì một thất bại trong học tập, đó không phải là một bi kịch.
Một lý do khiến chế độ trọng dụng nhân tài đôi khi bị chỉ trích là che đậy sự bất bình đẳng xã hội. Trong xã hội lành mạnh, các tiêu chí để thành công rất đa dạng. Bất kỳ hệ thống nào khen thưởng kẻ mạnh, loại bỏ kẻ yếu đều không thực sự giải quyết được các yếu tố xã hội rộng lớn hơn, dẫn đến bất bình đẳng.