Giới trẻ Trung Quốc đổ xô đến bệnh viện để mua bánh mì

Trào lưu đến bệnh viện mua bánh mì gây nên sự xôn xao trên cộng đồng mạng Trung Quốc.

Thay vì tìm đến bệnh viện để thăm khám sức khỏe, một bộ phận không nhỏ giới trẻ Trung Quốc gần đây lại đổ xô đến Bệnh viện Y học cổ truyền Dương Châu vì một lý do rất đặc biệt: mua bánh mì.

Loại bánh mì đang gây "sốt" này không phải bánh mì thông thường, mà là "bánh mì thuốc" – một sản phẩm được phát triển tại căng tin của bệnh viện, kết hợp giữa nguyên lý y học cổ truyền Trung Hoa và hình thức thực phẩm hiện đại. Với sáu hương vị khác nhau, những chiếc bánh được chế biến từ các dược liệu như đương quy, phục linh, hạt sen, vỏ quýt… và có mức giá khá "mềm", dao động khoảng 10 nhân dân tệ (gần 35.000 VNĐ). Đây chính là điểm khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, tò mò tìm mua.

Dù mang đậm màu sắc "dưỡng sinh", người tiêu dùng không hẳn tìm đến loại bánh này chỉ vì giá trị dinh dưỡng. Một số người thẳng thắn chia sẻ rằng, việc ăn bánh mì thuốc chủ yếu mang lại cảm giác "yên tâm" về mặt tâm lý – như một hình thức "tự an ủi" sức khỏe. Jiang Han, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn Pangu Think Tank, cho rằng xu hướng tiêu dùng hiện nay đang bị thu hút bởi những trải nghiệm mới lạ. Việc kết hợp các dược liệu truyền thống vào bánh mì đã tạo nên sự giao thoa độc đáo giữa văn hóa ẩm thực và y học, đồng thời chạm vào tâm lý tò mò, thích thử cái mới của giới trẻ.

Không chỉ có Dương Châu, làn sóng bánh mì thuốc còn lan rộng đến nhiều cơ sở y học cổ truyền khác tại Trung Quốc. Bệnh viện trực thuộc Đại học Y học cổ truyền Thiên Tân đã khai trương tiệm bánh "Yaoshifang", còn Đại học Y Quý Châu – từng nổi danh với bánh trung thu thảo dược – nay cũng ra mắt sản phẩm "Bánh mì Zhe Ergen". Hàng loạt các thương hiệu bánh "dưỡng sinh" mọc lên tại Bắc Kinh, như Tong Ren Tang Zhima Health, bày bán các loại bánh sừng bò kỷ tử, bánh quy táo quế vỏ quýt, bánh mì cà rốt hoàng kỳ mật ong… với giá từ 16 đến 36 tệ, trở thành điểm "check-in" mới mẻ cho các tín đồ sống ảo.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn nhận xu hướng này một cách lạc quan. Một bác sĩ tại bệnh viện tuyến cuối ở Bắc Kinh nhấn mạnh rằng y học cổ truyền có tính chuyên biệt cao, không thể áp dụng dược liệu một cách đại trà. Thể trạng mỗi người khác nhau, do đó không có một loại bánh nào phù hợp cho tất cả. Ông cảnh báo rằng, những sản phẩm "bánh mì thuốc" chủ yếu đang khai thác yếu tố văn hóa và tâm lý tiêu dùng, hơn là thực sự có tác dụng điều trị. Người tiêu dùng cần giữ thái độ lý trí, không nên nhầm lẫn giữa thực phẩm thảo dược và thuốc chữa bệnh.

Dù còn nhiều tranh luận, không thể phủ nhận rằng làn sóng bánh mì thuốc đã tạo nên một điểm giao thoa thú vị giữa truyền thống và hiện đại, giữa chữa lành và trải nghiệm. Trong một xã hội đang ngày càng quan tâm đến sức khỏe và ý nghĩa văn hóa của ẩm thực, những chiếc bánh mì này dường như không chỉ là một món ăn – mà còn là tuyên ngôn về lối sống, thị hiếu và cả những khát vọng "dưỡng sinh" trong thời đại mới.

Minh Quân

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/vong-quanh-the-gioi/gioi-tre-trung-quoc-do-xo-den-benh-vien-de-mua-banh-mi-202505081027061953.html