Giới trẻ Trung Quốc thà 'ế tới chết'

Người trẻ ở xứ tỷ dân đang lo ngại chuyện yêu đương hơn bao giờ hết. Dẫu thích ai đó nhưng họ vẫn thà sống độc thân.

Giới trẻ Trung Quốc ngày càng có nhiều cách tiếp cận mới khi đề cập đến việc hẹn hò và các mối quan hệ tình cảm. Theo nhiều chuyên gia, lý do chính dẫn đến điều này là do sự thay đổi trong xã hội đã ảnh hưởng đến cuộc sống và quan điểm của từng cá nhân.

Một trong các chiến lược mới của họ là “tình yêu đơn lẻ".

Những người theo trường phái này tin rằng sự độc lập về tinh thần và tài chính của một cá nhân quan trọng và thiết thực hơn việc lãng phí thời gian vào các vấn đề mang tính cảm xúc, ví dụ như các mối quan hệ lãng mạn và tình yêu.

Nói cách khác, họ quan niệm rằng khi một người chăm sóc tốt cho bản thân và quan tâm đến sức khỏe và hạnh phúc của cá nhân họ, mọi vấn đề khác rồi sẽ được giải quyết.

Thái độ này giống với một cách tiếp cận khác, được giới trẻ Trung Quốc gọi là “độc thân đến chết". Trong đó, mọi người sẽ không hẹn hò và quyết định ở một mình ngay cả khi họ có tình cảm với ai đó.

Những quan điểm về tình yêu này đã khiến tình trạng dân số độc thân ngày càng tăng ở Trung Quốc, đạt mức kỷ lục 239 triệu người vào năm 2021. Độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu tại đất nước tỷ dân cũng tăng lên kể từ năm 2010, theo SCMP.

 "Tình yêu đơn lẻ" là khi một người ưu tiên nhu cầu và sự tự do của mình hơn đối phương. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

"Tình yêu đơn lẻ" là khi một người ưu tiên nhu cầu và sự tự do của mình hơn đối phương. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

Tình yêu đơn lẻ

Sau hai năm bên nhau, Momo và Chen (Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), lại giống anh em hơn là một cặp tình nhân.

Họ sống ở các quận khác nhau và gặp nhau 1-2 lần/tuần. Tin nhắn trò chuyện của họ đầy khách sáo vì cả hai cho rằng việc tán tỉnh thật “ghê".

Họ hiếm khi hào hứng với mối quan hệ của mình và cũng hiếm khi tranh cãi. Momo cho biết cô thích ở bên Chen nhưng coi trọng sự độc lập và tự do của mình hơn.

Ở Trung Quốc, những mối quan hệ như vậy được gọi là “tình yêu đơn lẻ”. Điều này có nghĩa là thay vì hy sinh mọi thứ cho bạn đời, ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc quyết định đặt tình cảm và nhu cầu của bản thân lên hàng đầu.

Họ coi thường “bộ não tình yêu”, một tình trạng mô tả những người để cho cảm xúc lấn át mình.

“Những người tin vào câu nói ‘cho đến cái chết cũng không thể chia lìa chúng ta’ là những kẻ ngu ngốc”, Momo nói.

 Nhiều người thà sống độc thân đến cuối đời còn hơi bị một chuyện tình cảm đổ vỡ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

Nhiều người thà sống độc thân đến cuối đời còn hơi bị một chuyện tình cảm đổ vỡ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

Độc thân đến chết

Trong khi đó, những người theo đuổi lối sống “ế đến chết" thường tuyên bố họ sẽ sống một mình đến cuối đời cho dù có rung động đối với người khác.

Trong trí tưởng tượng của mình, họ hình dung ra vô vàn khoảnh khắc yêu và được yêu. Song, họ chỉ cho phép những điều này diễn ra trong đầu thay vì xảy ra trong thực tế.

Những người này cũng tin rằng nếu họ cần phải làm việc chăm chỉ để tìm kiếm hoặc duy trì một mối quan hệ, thì đó rõ ràng không phải là điều dành cho họ.

Jiandanxinli, một trang web chuyên về tâm lý học tại Trung Quốc, đã giải thích rằng những người trẻ tuổi đang cảm thấy quá căng thẳng trong công việc, vì vậy họ cạn kiệt các khao khát về những mối quan hệ lãng mạn.

Nhóm người này lo sợ một mối quan hệ thất bại có thể gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của họ, vì vậy họ thà ở trong vùng an toàn của mình.

Thiên An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/gioi-tre-trung-quoc-tha-e-toi-chet-post1472684.html