Giới tỷ phú Trung Quốc đua nhau xây trường đại học
Thay vì các kênh truyền thống, ngày càng nhiều tỷ phú Trung Quốc bỏ vốn vào lĩnh vực giáo dục - điều vừa giúp gia tăng tài sản vừa khẳng định sự 'đúng đắn' về mặt chính trị.
![Đại học Khoa học và Công nghệ Fuyao (FYUST) do một tỷ phú Trung Quốc rót vốn đầu tư. Ảnh: CSCEC.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_119_51434864/e0a85933627d8b23d26c.jpg)
Đại học Khoa học và Công nghệ Fuyao (FYUST) do một tỷ phú Trung Quốc rót vốn đầu tư. Ảnh: CSCEC.
Trung Quốc đang chứng kiến một xu hướng đáng chú ý, đó là ngày càng nhiều tỷ phú rót hàng tỷ USD để xây dựng các trường đại học tư nhân, theo SCMP.
Từ lĩnh vực đồ uống, kính xây dựng đến bán dẫn, các ông trùm kinh doanh đang tích cực thành lập trường học nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân tài và góp phần vào chiến lược tự chủ công nghệ của đất nước tỷ dân.
Đây là hệ quả từ sự thay đổi trong cách giới tinh hoa nước này phân bổ tài sản, đặc biệt khi Bắc Kinh đang đẩy mạnh chiến lược tự chủ trong các ngành công nghệ cao.
Làn sóng đầu tư mới
Mới đây, tỷ phú ngành đồ uống Zhong Shanshan - ông chủ của Nongfu Spring đồng thời là người giàu thứ 27 trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes - đã khiến giới tài chính xôn xao khi tuyên bố đầu tư 40 tỷ nhân dân tệ (khoảng 5,5 tỷ USD) để thành lập một trường đại học tư nhân mang tên Đại học Tiền Đường (Qiantang University).
Ông Zhong cho biết ngôi trường này sẽ theo đuổi một sứ mệnh rõ ràng là thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới và đào tạo nhân tài hàng đầu trong các lĩnh vực chiến lược.
Theo kế hoạch được chính quyền Hàng Châu công bố vào cuối tháng 12/2024, Đại học Tiền Đường của ông Zhong đặt mục tiêu đào tạo 15 chuyên gia hàng đầu mỗi năm, thu hút 500 nhà nghiên cứu xuất sắc và giảng dạy cho 350.000 sinh viên.
Trong bài phát biểu tại hội nghị thường niên của công ty vào tháng trước, ông Zhong nhấn mạnh sứ mệnh của trường là “mở rộng biên giới tri thức và thúc đẩy đột phá khoa học từ con số 0”.
![Nhà sáng lập công ty nước đóng chai Nongfu Spring của Trung Quốc Zhong Shanshan. Ảnh: Rex Features.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_119_51434864/5dce9355a81b4145180a.jpg)
Nhà sáng lập công ty nước đóng chai Nongfu Spring của Trung Quốc Zhong Shanshan. Ảnh: Rex Features.
Chỉ vài ngày trước tuyên bố của tỷ phú Zhong, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã chính thức phê duyệt Đại học Khoa học và Công nghệ Fuyao (FYUST) - ngôi trường được xây dựng bằng khoản tài trợ trị giá 10 tỷ USD từ ông Cao Dewang, Chủ tịch Tập đoàn kính Fuyao. Trường dự kiến tuyển sinh ngay trong năm nay.
Ông Cao cho biết muốn biến Đại học Fuyao thành “phiên bản Stanford của Trung Quốc”. Theo các thông báo chính thức trước đó, ngôi trường này được thiết kế để hỗ trợ chiến lược công nghiệp quốc gia, với các khoa trọng điểm về khoa học vật liệu, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật cơ khí và kinh tế số.
Trong khi đó, Viện Công nghệ Miền Đông (EIT) tại thành phố cảng Ninh Ba, được tài trợ bởi tỷ phú ngành bán dẫn Yu Renrong, cũng đang chuẩn bị chào đón những sinh viên đại học đầu tiên vào cuối năm nay, sau khi đã tuyển sinh khóa tiến sĩ đầu tiên vào năm 2022.
Ông Yu cam kết đầu tư 30 tỷ nhân dân tệ (4,12 tỷ USD) để biến EIT thành trung tâm nghiên cứu công nghệ ứng dụng hàng đầu.
Những trường đại học do tỷ phú tài trợ, như Đại học Bắc Kinh Geely và Đại học Tây Hồ (Westlake University), đã mở đường cho xu hướng này. Điểm chung của các trường này là mục tiêu hỗ trợ chiến lược quốc gia, giải quyết các nút thắt công nghệ và đào tạo nhân tài để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm tại Trung Quốc.
Theo Báo cáo Danh sách Từ thiện Trung Quốc 2024 của Viện Nghiên cứu Hurun, 70% các nhà tài trợ hàng đầu tại Trung Quốc đã ưu tiên đầu tư vào giáo dục trong năm qua, tăng đáng kể so với con số 58% của năm 2023.
Chiến lược dài hạn của giới siêu giàu
Các chuyên gia nhận định xu hướng này không đơn thuần chỉ là một hoạt động từ thiện mà còn là một chiến lược kinh tế - chính trị đầy tính toán của giới siêu giàu Trung Quốc.
Theo ông Li Mingbo, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khu vực Vịnh lớn Quảng Châu, Trung Quốc đang rất cần đội ngũ nhân tài chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp. Hệ thống đại học truyền thống của nước này đang gặp khó khăn trong việc bắt kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của các ngành công nghệ cao.
“Nếu không có một thế hệ chuyên gia mới, Trung Quốc có nguy cơ bị tụt lại trong cuộc đua công nghệ toàn cầu”, ông Li cảnh báo. “Ngày nay, đổi mới công nghệ không còn được dẫn dắt bởi các trường đại học mà chủ yếu đến từ các doanh nghiệp, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi các doanh nhân đang bước vào để lấp đầy khoảng trống này”.
Nhà kinh tế học Ma Guangyuan thậm chí còn kêu gọi cần có nhiều “Đại học Fuyao thứ hai, thứ ba” để giúp Trung Quốc giải quyết các thách thức đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp.
![Đối với các tỷ phú Trung Quốc, việc bỏ vốn vào các trường đại học tư thục là một khoản đầu tư vừa hiệu quả vừa mang ý nghĩa chính trị. Ảnh: Reuters.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_119_51434864/09c2d259e91700495906.jpg)
Đối với các tỷ phú Trung Quốc, việc bỏ vốn vào các trường đại học tư thục là một khoản đầu tư vừa hiệu quả vừa mang ý nghĩa chính trị. Ảnh: Reuters.
Bên cạnh đó, theo Giáo sư Simon Zhao, trong bối cảnh kinh tế bất ổn và các kênh đầu tư truyền thống tiềm ẩn nhiều rủi ro, xây dựng trường đại học trở thành một lựa chọn hấp dẫn với các tỷ phú. “Thành lập trường đại học vừa phù hợp với chiến lược quốc gia, vừa mang lại lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài”, ông cho biết.
“Ở Trung Quốc, việc thành lập và vận hành trường tư thục thường mang lại lợi nhuận, trong khi các quy định của chính phủ về giáo dục tư nhân vẫn khá thông thoáng. Điều này khuyến khích các doanh nhân mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực giáo dục”, ông Zhao phân tích thêm.
Nhiều chuyên gia nhận định ngoài lợi ích kinh tế, giới tỷ phú Trung Quốc khi đầu tư vào các trường đại học còn có một động cơ quan trọng khác là đảm bảo vị thế chính trị.
Ông Donald Dai, một giám đốc điều hành tại Thâm Quyến, nhận định: “Đầu tư vào khoa học và công nghệ luôn được coi là đúng đắn về mặt chính trị. Giới lãnh đạo cấp cao chắc chắn sẽ không quên những người có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chiến lược quốc gia”.
Thực tế, từ năm 2020, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò của doanh nhân trong công cuộc xây dựng đất nước. Trong một chuyến thăm tỉnh Giang Tô, ông đã kêu gọi giới doanh nhân học tập tấm gương của Trương Kiện - nhà công nghiệp cuối triều đại nhà Thanh, người đã sáng lập hơn 300 trường học.
Năm 2021, thuật ngữ “thịnh vượng chung” cũng trở thành tâm điểm trong chính sách của Trung Quốc, nhấn mạnh sự giàu có cần được phân bổ cho toàn xã hội, thay vì tập trung vào một số ít cá nhân. Điều này khiến nhiều gia tộc giàu có phải suy nghĩ lại về cách phân bổ tài sản - và đầu tư vào giáo dục có vẻ là một phương án an toàn.
Với sự ủng hộ ngầm từ chính quyền và lợi ích kinh tế rõ ràng, làn sóng tỷ phú đầu tư vào giáo dục tại Trung Quốc dự kiến còn tiếp tục bùng nổ trong tương lai.
Nguồn Znews: https://znews.vn/gioi-ty-phu-trung-quoc-dua-nhau-xay-truong-dai-hoc-post1530345.html