Quan tâm giải quyết thủ tục hành chính cho người dân sau sáp nhập

Đổi mới lề lối, tác phong làm việc, cởi mở và thân thiện, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tạo sự hài lòng cho người dân... là những ưu tiên hàng đầu của các địa phương sau sáp nhập đơn vị hành chính, giai đoạn 2023-2025.

Công chức bộ phận “một cửa” UBND TP Thanh Hóa tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Công chức bộ phận “một cửa” UBND TP Thanh Hóa tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Có mặt tại phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) vào đầu giờ chiều ngày làm việc, chúng tôi cảm nhận được sự thân thiện giữa đội ngũ công chức bộ phận “một cửa” với người dân đến giải quyết TTHC. Những thủ tục đơn giản được đội ngũ công chức giải quyết ngay, những thủ tục cần thời gian được ghi phiếu hẹn ngày trả kết quả, những thủ tục không thuộc thẩm quyền được hướng dẫn tận tình để người dân vui vẻ liên hệ đến cơ quan chức năng khác. Từ ngày 1/1/2025, phường Tân Sơn chính thức sáp nhập vào phường Phú Sơn. Sau sáp nhập, dân số phường Phú Sơn tăng lên 33.359 người. Đồng chí Nguyễn Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Sơn cho biết: “Để người dân phường Tân Sơn (cũ) không phải lo ngại vì phải làm lại một số giấy tờ cá nhân khi mang tên đơn vị hành chính mới, phường Phú Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giải quyết TTHC cho công dân. Nhằm tạo sự gần gũi, công chức bộ phận “một cửa” luôn nhiệt tình, trách nhiệm, hỗ trợ người dân giải quyết kịp thời những thủ tục cần thiết. Các dịch vụ công thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân đều được thực hiện tốt, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Với tinh thần, trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ, sau hơn 1 tháng sáp nhập, phường Phú Sơn không có hồ sơ nào giải quyết TTHC quá hạn hoặc bị tồn đọng”.

Xã Nga Hiệp (Nga Sơn) được thành lập trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng xã Nga Bạch và xã Nga Trung, công sở làm việc đặt tại xã Nga Bạch. Sau sáp nhập, UBND xã Nga Hiệp đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính như: Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện tốt “3 không” là không phiền hà sách nhiễu, không bổ sung hồ sơ quá 1 lần và không trễ hẹn khi giải quyết TTHC... Đồng chí Mai Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Nga Hiệp cho biết: “Vì thành lập xã mới nên chúng tôi xác định việc chuyển đổi các giấy tờ cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện. Sau sáp nhập, bộ phận “một cửa” có thêm những công chức mới do 2 xã nhập lại nên Nhân dân thấy xa lạ. Để tạo sự gần gũi cho người dân, mỗi cán bộ, công chức đều thực hiện tốt công tác tiếp công dân; nếu người dân chưa hiểu thì công chức sẽ giải thích cặn kẽ, còn nếu hồ sơ không thuộc thẩm quyền phải hướng dẫn rõ ràng cho người dân được biết. Sau hơn 1 tháng sáp nhập, 100% TTHC được UBND xã Nga Hiệp xử lý đúng thời gian quy định, trên địa bàn xã không có đơn thư khiếu nại của công dân về giải quyết TTHC”.

Công chức bộ phận “một cửa” xã Nga Hiệp (Nga Sơn) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Công chức bộ phận “một cửa” xã Nga Hiệp (Nga Sơn) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Anh Nguyễn Văn Cường, xã Nga Bạch (cũ) chia sẻ: “Trước đây tôi nghĩ việc chuyển đổi giấy tờ sau khi sáp nhập sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian. Nhưng với quy trình được đổi mới, cùng sự hướng dẫn, giải thích rõ ràng, dễ hiểu của cán bộ, công chức xã nên việc sửa đổi thông tin được thực hiện nhanh và không phải mất phí. Chúng tôi không gặp khó khăn gì về vấn đề làm thủ tục, giấy tờ và khá hài lòng khi được hướng dẫn thực hiện”.

Thực hiện Nghị quyết 1238/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xã Hoằng Phượng đã sáp nhập vào xã Hoằng Giang, lấy tên là xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa). Để công tác tiếp dân, hỗ trợ giải quyết TTHC cho người dân được thực hiện nhanh nhất, UBND xã đã bố trí đủ số công chức làm việc tại bộ phận “một cửa”. Trong quá trình giải quyết TTHC, người dân có thắc mắc, băn khoăn liên quan đến việc chuyển đổi giấy tờ sau sáp nhập đều được công chức bộ phận “một cửa” giải thích cặn kẽ, tạo sự yên tâm, hài lòng đối với người dân. Đến thời điểm này, các dịch vụ công thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân đều được xã Hoằng Giang thực hiện kịp thời, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Theo Nghị quyết 1238/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Thanh Hóa có 26 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 22 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố (giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện); 547 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 452 xã, 63 phường và 32 thị trấn (giảm 12 đơn vị hành chính cấp xã). Nắm bắt được những băn khoăn, lo lắng của người dân khi thay đổi tên gọi đơn vị hành chính, ngay sau khi kiện toàn bộ máy tổ chức, các địa phương sáp nhập đã tiến hành sắp xếp, bố trí việc làm cho cán bộ, công chức theo đúng năng lực, trình độ chuyên môn. Riêng bộ phận “một cửa” bố trí đủ số lượng công chức làm việc để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân khi giải quyết TTHC và sửa đổi thông tin trên các giấy tờ liên quan. Các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền để người dân nắm được giá trị sử dụng của các loại giấy tờ. Đối với các loại giấy tờ đã được các cơ quan thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ vẫn có giá trị pháp lý bình thường. Nếu chưa hết thời hạn theo quy định người dân vẫn được tiếp tục sử dụng và không thu phí sửa đổi thông tin khi thay đổi địa giới hành chính.

Bài và ảnh: Tố Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quan-tam-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-cho-nguoi-dan-sau-sap-nhap-239185.htm