Gion Matsuri - lễ hội trong đô thị nghìn năm tuổi
Là một trong ba lễ hội truyền thống lớn nhất tại Nhật Bản, Gion Matsuri (còn gọi là hội đền Yasaka) đã nhiều lần được tổ chức lại sau những năm gián đoạn bởi chiến tranh.
Tuy nhiên, đến năm 2014, phiên bản đầy đủ của lễ hội mới được khôi phục, mang tới cho cố đô Kyodo một “bữa tiệc” văn hóa nhiều màu sắc trong suốt tháng 7 hằng năm.
Đúng như miêu tả của nhà văn người Mỹ Catherine Pawasarat trong cuốn sách “Lễ hội Gion: Khám phá những bí ẩn” (2020), đây là một trong những lễ hội trong đô thị lâu đời, độc đáo và nhiều nghi thức tôn giáo nhất trên thế giới.
Khi ra đời vào năm 869, Gion Matsuri thực chất là lời cầu xin thần linh bảo vệ con người khỏi bệnh dịch đáng sợ. Ban đầu, Gion Matsuri được nhà vua thực hiện như một nghi lễ cầu nguyện trong khu vườn hoàng gia Shinsen-en. Dần dần theo thời gian, Gion Matsuri đã phát triển từ một hoạt động của tầng lớp quý tộc thành lễ hội dành cho các thương nhân trong thị trấn.
Mỗi năm, theo phong tục truyền thống, một cậu bé trong vùng được chọn làm sứ giả sùng kính cho thần linh. Trong cuộc diễu hành đầu tiên vào ngày 17-7, cậu bé sẽ ngồi trên một trong những chiếc kiệu được rước đi qua khắp đường phố và chân không được chạm đất. Đoàn rước kiệu trong nghi lễ có tên gọi Saki Matsuri Junko (lễ hội trước) này có 23 chiếc. Lễ rước thứ 2 với tên gọi Ato Matsuri Junko (lễ hội sau) diễn ra vào ngày 24-7, có khoảng 10 chiếc kiệu.
Trong Lễ hội Gion Matsuri có hai loại kiệu: Yama và Hoko. Hoko có thể cao đến 25 mét và nặng đến 12 tấn. Riêng phần bánh xe đã cao ngang đầu người. Mỗi chiếc kiệu được kéo bởi 40 đến 50 người và thường biểu diễn những cú xoay ngoạn mục theo điệu nhạc Gion Bayashi. Âm sắc của các nhạc cụ như trống, sáo, chuông... giúp tăng không khí náo nhiệt cho lễ hội. Yama nhỏ hơn và thường được 14 - 24 người rước trên vai.
Cả Yama và Hoko đều được trang trí công phu và tô điểm bằng các sản phẩm thủ công tinh xảo như vải dệt, vải nhuộm và các tác phẩm điêu khắc. Mỗi chiếc kiệu đều có chủ đề riêng dựa theo các câu chuyện thần thoại hoặc các điển tích cổ, chúng đẹp đến mức thường xuyên được ví như những “bảo tàng nghệ thuật di động”.
Trước ngày diễu hành chính thức là 3 đêm ăn mừng được gọi là Yoiyama, lần lượt là ngày 14, 15, 16 tháng 7 và 21, 22, 23 tháng 7. Trong ba đêm này, kiệu rước được đặt ở các khu vực khác nhau trong thành phố và cho phép mọi người tham quan. Quanh kiệu rước, mọi người có thể mua những tấm bùa may mắn và thưởng thức món ăn đường phố của địa phương hoặc mặc những bộ quần áo truyền thống bằng vải bông sặc sỡ và thả mình trong bầu không khí lễ hội.
Đáng chú ý trong các ngày Yoiyama là Lễ hội Bình phong. Đây là dịp các gia đình giàu có ở khu Shinmachi và Muromachi khoe các vật báu gia truyền của họ như các tấm bình phong và áo kimono cổ. Họ thường trưng bày chúng trước nhà hoặc thậm chí mời khách tham quan vào nhà để ngắm. Các thương nhân địa phương cũng tự hào triển lãm các bộ sưu tập nghệ thuật nổi bật của mình.
Trong gần 5 thập niên sau chiến tranh, dù được phục hồi năm 1966, song vì lo ngại vấn đề giao thông nên chính quyền đã ghép Saki Matsuri Junko và Ato Matsuri Junko làm một và chỉ tổ chức vào 17 tháng 7. Đến năm 2014, Gion Matsuri mới được trả lại phiên bản đầy đủ theo truyền thống từ hơn 1.000 năm trước. Để giải “bài toán” về giao thông, trong những ngày lễ chính, một số tuyến phố mà đoàn kiệu đi qua sẽ trở thành phố đi bộ. Chính quyền địa phương sẽ hướng dẫn cụ thể cho người dân trong những ngày này.
Không chỉ khôi phục và gìn giữ một di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh, việc tổ chức Lễ hội Gion Matsuri hằng năm đã thu hút không ít du khách đến Kyodo trong tất cả các ngày của tháng 7.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, khoảng 1 triệu khách du lịch, bao gồm cả khách quốc tế, đã tới tham gia lễ hội vừa qua. Họ bị hấp dẫn bởi khung cảnh cổ xưa được tái hiện, nhất là vào lúc hoàng hôn, khi ánh nắng mặt trời nhuộm vàng khắp thành phố, tiếng trống chậm rãi và tiếng sáo vang lên trong không khí. Bánh xe bằng gỗ của những chiếc kiệu kêu lọc cọc trên nền bê tông hòa với tiếng hò hét tập thể của những người khiêng kiệu tạo nên một “bản giao hưởng” đầy mê hoặc.
Theo nhà văn người Mỹ Catherine Pawasarat, các địa phương trên thế giới có thể học hỏi được nhiều điều từ cách Nhật Bản khôi phục và gìn giữ Gion Matsuri. Một trong những chìa khóa duy trì tính bền vững của lễ hội là đảm bảo sự kết nối với cộng đồng, biến nó thành một phần của đời sống và niềm tự hào của người dân địa phương.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/gion-matsuri-le-hoi-trong-do-thi-nghin-nam-tuoi-648560.html