Giòn thơm bánh rán Hữu Lũng

Huyện Hữu Lũng có nhiều món ẩm thực hấp dẫn, thơm ngon làm say lòng nhiều du khách, trong đó, không thể không nhắc đến món bánh rán. Đây là loại bánh truyền thống, có từ lâu đời và nổi tiếng của huyện Hữu Lũng.

Những ngày cuối tháng 6/2024, chúng tôi có dịp đến thị trấn Hữu Lũng và được thưởng thức món bánh rán thơm ngon. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, bánh rán có từ lâu đời trên địa bàn huyện, hiện nay, riêng trên địa bàn thị trấn có 6 hộ làm để bán, hộ ít thì cũng có 10 năm, hộ nhiều thì có tới 40 năm kinh nghiệm làm bánh. Nếu như trước đây, bánh chủ yếu được làm và bán trực tiếp tại chợ cho khách hàng trong huyện thì hiện nay, bánh đã được tiêu thụ đến khách hàng trong và ngoài tỉnh như: Ninh Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Thành phố Hà Nội... Trung bình mỗi hộ bán từ 100 - 400 chiếc/ngày, thu nhập đạt từ 400.000 - 1.600.000 đồng/ngày.

Để hiểu rõ hơn về cách làm món bánh này, chúng tôi đã đến chợ huyện tìm đến hàng bánh rán của bà Nguyễn Thị Ninh, khu An Ninh, thị trấn Hữu Lũng để tìm hiểu. Vừa bận rộn nặn từng chiếc bánh, bà Ninh vừa chia sẻ: Bánh rán là một trong những loại bánh truyền thống có từ lâu đời trên địa bàn huyện Hữu Lũng. Tính đến nay, tôi đã có 40 năm gắn bó với nghề làm bánh rán. Cứ đều đặn 2 giờ 30 phút sáng mỗi ngày, tôi lại chở nguyên liệu bột chuẩn bị sẵn từ chiều hôm trước ra chợ để vừa làm vừa bán tại đây. Trung bình mỗi ngày, tôi làm khoảng 400 chiếc bánh phục vụ khách hàng tại chỗ và giao cho các khách đặt trong và ngoài tỉnh với giá 4.000 đồng/chiếc.

Bà Nguyễn Thị Ninh, Khu An Ninh, thị trấn Hữu Lũng thực hiện công đoạn chao bánh rán

Bà Nguyễn Thị Ninh, Khu An Ninh, thị trấn Hữu Lũng thực hiện công đoạn chao bánh rán

Theo bà Ninh, nguyên liệu làm bánh rán khá đơn giản gồm: gạo nếp, đỗ xanh, đường kính trắng thế nhưng với đôi bàn tay khéo léo, người dân trên địa bàn huyện đã tạo nên những chiếc bánh rán có hương vị đặc trưng riêng. Theo đó, để làm ra chiếc bánh rán giòn thơm, người làm chọn gạo nếp được cấy ở vụ chiêm, hạt mẩy, tròn to. Trước khi chế biến, gạo nếp được ngâm với nước khoảng hơn 4 tiếng đồng hồ. Sau đó, gạo được mang đi xay thành bột nước và được bỏ vào túi vải xô để tách phần nước và tinh bột gạo. Công đoạn này mất hơn 6 tiếng đồng hồ để bột tách hết nước. Mặc dù mất rất nhiều thời gian nhưng cách làm bột thủ công này giúp cho bánh mềm, dẻo, phồng và giữ được hương vị đặc trưng của gạo nếp.

Những chiếc bánh rán thành phẩm được bày bán tại chợ

Những chiếc bánh rán thành phẩm được bày bán tại chợ

Về phần nhân bánh, người làm sử dụng đỗ xanh đã làm sạch vỏ, ngâm nước khoảng 1 tiếng rồi đồ chín. Đối với loại bánh rán vừng, phần nhân bánh sẽ được ngào với đường tạo độ ngọt thanh khi ăn bánh, còn đối với bánh rán đường, phần nhân bánh không trộn thêm bất cứ một loại gia vị nào mà chỉ sử dụng phần đỗ xanh đã đồ chín đề làm nhân. Cách chế biến này góp phần phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Sau khi đã chuẩn bị hết các nguyên liệu trên, người làm bánh dùng bột để nặn thành hình tròn, cho nhân đỗ xanh vào giữa và nặn lại. Tiếp đó, bánh được thả vào chảo mỡ nóng để chao đến khi bánh vàng đều. Đây cũng là công đoạn khác biệt của bánh rán Hữu Lũng so với các nơi khác đó chính là người làm sử dụng mỡ động vật thay vì sử dụng dầu. Mỡ sẽ làm cho bánh vàng đều, phồng và không bị vỡ nứt. Đến khi bánh chín, người làm vớt ra và tiếp tục thực hiện công đoạn nhúng bánh với đường kính trắng. Người làm bánh cho vào chảo một lượng đường và nước vừa đủ, đun sôi đến khi đường nóng chảy và nhúng trực tiếp bánh rán vào chảo đảo đều tay sao cho đường bám đều vào bánh rán, sau đó, vớt ra, để ráo đường là có thể sử dụng được.

Nhờ đôi bàn tay khéo léo của người dân đã làm nên những chiếc bánh rán ngon và đẹp mắt, bên ngoài lớp vỏ giòn, bên trong dẻo thơm được rất nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Quỳnh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội cho biết: Tôi đã được ăn thử bánh rán ở nhiều nơi nhưng khi đến Hữu Lũng du lịch và thưởng thức bánh rán ở đây tôi rất ấn tượng bởi hương vị thơm ngon đặc biệt, bên ngoài vỏ bánh giòn ngọt, bên trong dẻo thơm. Khi quay lại Hà Nội, tôi đã mua những chiếc bánh rán này về làm quà cho người thân, bạn bè.

Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: Bánh rán là một trong những món bánh truyền thống có từ lâu đời ở huyện Hữu Lũng. Bánh rán không chỉ được người dân làm và bán trực tiếp tại chợ truyền thống của huyện mà còn phục vụ các khách hàng trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần đem lại thu nhập cho người dân và tạo sự đa dạng cho ẩm thực trên địa bàn huyện.

Từ những nguyên liệu dân dã, bánh rán không chỉ là món ăn truyền thống của người dân trên địa bàn huyện mà còn là món quà bình dị gửi đến du khách mỗi khi có dịp đến du lịch trải nghiệm ẩm thực tại huyện Hữu Lũng.

CÁT TIÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/gion-thom-banh-ran-huu-lung-5013478.html