Giống ngô biến đổi gen mang lại nhiều hiệu quả tích cực

Những năm qua, nhiều vùng trồng ngô trên địa bàn tỉnh thường bị sâu bệnh gây hại làm giảm năng suất, hiệu quả kinh tế. Để giảm thiểu tình trạng này, nhiều hộ nông dân đã gieo trồng giống ngô biến đổi gen có khả năng kháng được sâu bệnh, hạn hán… và bước đầu đạt được hiệu quả cao.

Để giúp nông dân trồng ngô nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đưa vào trồng khảo nghiệm một số giống ngô biến đổi gen như: DK 9955s, DK 6919s, NK 66BT, NK 66Bt/GT…

 Ruộng ngô biến đổi gen của anh Nông Văn Hoàng, thôn 1, xã Cư K’nia, phát triển tốt, cho năng suất cao

Ruộng ngô biến đổi gen của anh Nông Văn Hoàng, thôn 1, xã Cư K’nia, phát triển tốt, cho năng suất cao

Qua thực tế sản xuất, các giống ngô biến đổi gen đạt năng suất trung bình từ 8 – 9 tấn/ha/vụ, cao hơn các giống ngô thông thường từ 15 – 20%. Loại ngô này cũng đạt lợi nhuận từ 27 – 33 triệu đồng/ha/vụ, tăng từ 5 – 6 triệu đồng so với giống ngô thông thường. Các giống ngô biến đổi gen đều có khả năng chịu hạn, kháng sâu, chịu được thuốc trừ cỏ cao, nên chi phí đầu vào giảm khoảng 10 – 15%.

Vụ hè thu năm nay, tại những vùng trồng ngô lớn ở huyện Cư Jút, đa số đều xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại. Đây là loài sâu ăn nõn, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng ngô. Tuy nhiên, đối với những cánh đồng trồng ngô biến đổi gen, tỷ lệ sâu hại thấp. Anh Nông Văn Hoàng, thôn 1, xã Cư K’nia (Cư Jút), cho biết, gia đình anh trồng gần 1,5 ha ngô biến đổi gen, trong đó có khoảng 2 sào ngô nếp. Gia đình anh chỉ phun thuốc trừ sâu đục thân một lần duy nhất, thế nhưng rẫy ngô vẫn không bị các loại sâu bệnh xâm hại.

Còn gia đình ông Hà Văn Hùng, thôn 5, xã Cư K'nia, đây là vụ thứ 2 gia đình ông trồng giống ngô biến đổi gen NK 66BT của Công ty Syngenta. Cây ngô sinh trưởng, phát triển rất khỏe trên đồng đất đen pha sỏi. Từ khi trồng đến khi thu hoạch, cây ngô dường như không có một loại sâu hại nào làm ảnh hưởng đến bắp ngô. Do đó, khi thu hoạch, ngô cho bắp to, dài, năng suất đạt trên 2 tấn/ha, tăng 20% so với ngô thông thường, nhưng giảm tới khoảng 40% công lao động so với trồng ngô thường trước đây.

Theo bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư K’nia, vụ hè thu năm nay, toàn xã trồng gần 800 ha ngô. Trong đó, bà con nông dân gieo trồng khoảng 60% diện tích giống ngô biến đổi gen. Trong những tháng đầu vụ, trên địa bàn xuất hiện tình trang sâu keo mùa thu gây hại trên diện rộng, nhưng do bà con sử dụng giống ngô mới này, nên đã hạn chế được. Ngô biến đổi gen cũng cho năng suất, sản lượng cao hơn so với các giống ngô thông thường.

Tương tự, trên địa bàn huyện Krông Nô, Đắk Mil, nhiều hộ nông dân đã liên kết với các công ty giống để trồng các giống ngô biến đổi gen. Đơn cử, gia đình ông Nguyễn Văn Thủ, xã Nâm N’đir (Krông Nô), trồng 0,6 ha giống ngô biến đổi gen DK 6919s của Công ty Bayer. Ông Thủ cho biết, xuống giống từ đầu tháng 6/2020, đến nay đã gần 3 tháng, cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt, không sâu bệnh, không phải chăm bón nhiều, bắp ngô to hơn so với ngô thông thường.

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp (Sở Nông nghiệp – PTNT), đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 31.000 ha ngô. Hiện cây ngô biến đổi gen đang được bà con nông dân gieo trồng trong hầu hết các vụ sản xuất trong năm. Để giúp người dân sản xuất ngô đạt hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, thời gian tới, các cấp, ngành chuyên môn sẽ tiếp tục phối hợp với các công ty cung ứng giống triển khai mở rộng diện tích ngô biến đổi gen tại các vùng sản xuất phù hợp. Ngành Nông nghiệp cũng tiến hành hỗ trợ người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ngô để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.

Bài, ảnh: Thành Tâm

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/giong-ngo-bien-doi-gen-mang-lai-nhieu-hieu-qua-tich-cuc-81526.html