Giọt lệ đọng giữa câu thơ

Nói lại câu rất cũ: 'văn là người', rất đúng với trường hợp người thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Khuôn mặt thi nhân thể hiện qua văn bản, đọc Nguyễn Ngọc Hạnh, chắc chắn không riêng tôi, hẳn nhiều người thắc mắc, trong thơ anh sao nhiều giọt nước mắt?

"Bể trần này ai sắp bày ra/ Mà giọt lệ cứ lặng thầm rơi xuống" (Cha). Đó là giọt nước mắt của người con khi nhớ về người cha, cũng có thể trong một lần nhà thơ đứng trước mộ người đã "Cả một đời lội suối trèo non/ Cha gánh hết muôn phần khổ nhọc" vì anh và người thân trong gia đình.

Rất dễ đồng cảm với anh, bởi anh nói hộ bao người. Không phải tự nhiên, bắt đầu từ tín ngưỡng Công giáo, thế giới có "Ngày của Cha" để tôn vinh những người làm cha, tôn vinh cương vị làm cha, mối quan hệ với người cha và ảnh hưởng của người cha trong xã hội. Không phải tự nhiên, trong Phật giáo có Lễ Vu Lan, được tổ chức vào ngày rằm tháng 7 (Âm lịch) hàng năm.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.

Lễ Vu Lan là truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Đây là ngày lễ để con cái báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ, tìm về cội nguồn yêu thương. Không phải tự nhiên, ca dao Việt Nam có câu "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".

Những giọt nước mắt mặn chát
Giọt đầy vơi nhỏ xuống đêm thâu
Chưa nếm trải nỗi đau nào hơn thế
Chưa biết còn day dứt đến bao lâu!

(Nước mắt)

Nhà thơ hỏi mình và tự trả lời bằng dấu "chấm than" cuối câu thơ. Rõ ràng là nỗi đau đơn côi khi bố mẹ mất theo suốt đời, thành dấu lặng suốt đời. "Giọt lệ nào đọng giữa câu thơ/ Chảy suốt một đời mẹ cha khốn khó" (Nước mắt).

Trong bài thơ "Chạm đáy sông" - trích trường ca, Nguyễn Ngọc Hạnh viết: "giấc mơ/ về ngày mẹ sinh tôi/ trong vườn lá chuối khô thô ráp/ tiếng khóc chạm tiếng ve". Chắc chắn ngày mẹ anh trở dạ, sinh ra anh trong một hoàn cảnh đặc biệt: "cha đi rồi/ lều tranh một mái/ mẹ một mình/ sinh nở những niềm đau/ giọt nước mắt đắng cay/ ngày mẹ tôi trở dạ...".

Đó chắc chắn là một ngày lam lũ, đói khát, người cha vì một lý do nào đó "đi rồi", không có mặt bên cạnh người vợ lúc lâm bồn. Thành ngữ Việt Nam có câu: "Đàn ông vượt sông có bầu có bạn, đàn bà vượt cạn chỉ có một mình", hoặc "Cửa sinh là cửa mả", vừa đau vừa nguy hiểm. Điều kiện y tế những năm tháng gian khó, bây giờ khó có thể hình dung. Vì thế, nhà thơ ao ước: "Bất chợt nhớ ngày xưa đến lạ/ mơ được một ngày làm mẹ để sinh con".

Câu thơ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh bất ngờ. Phải yêu mẹ đến thế nào, anh mới nghĩ ra mơ ước ấy. Chắc chắn nếu được như thế, mới cảm hết hạnh phúc cũng như cơ cực mà những người mẹ phải chịu đựng một mình khi sinh ra những đứa con.

Gửi lại em chỗ ướt mẹ nằm
gửi ngọn gió lùa kẽ phên đêm trở dạ
giá rét trên từng manh chiếu vá
mẹ chừa bên ráo để con lăn

(Chỗ mẹ nằm)

Tình mẹ con, tình cảm vô cùng thiêng liêng, cao quý. Mọi người mẹ trên cõi đời này đều thương yêu con của mình, đấy là bản tính của người phụ nữ. Chính nhờ tình thương của mẹ mà người con được lớn lên, được trưởng thành. Tình thương yêu của mẹ đã giúp cho người con lớn lên một cách bình thường và quân bình về các phương diện tâm sinh lý.

Dù cho mẹ có thế nào đi nữa, miễn là mẹ còn trên cõi đời này và vẫn còn có ý thức thì mẹ vẫn thương yêu con, nghĩ về con, chăm sóc con và dõi theo từng bước chân con đi. Trong kinh Báo ân cha mẹ, Đức Phật diễn tả: "Mẹ già hơn trăm tuổi, còn thương con tám mươi, ân ái có đoạn chăng chỉ hơi thở cuối cùng". Thế đấy! Do vậy mà rất hiểu, dẫu con mình lớn lên rồi, phải xa vòng tay mẹ, lòng mẹ vẫn rơm rớm:

Đêm xa làng
đong đầy nước mắt
đâu biết lòng mẹ đau như cắt
tôi cứ lơ ngơ như đàn trâu mỗi lúc chiều về

(Chạm đáy sông đầy)

Vì thế, Nguyễn Ngọc Hạnh khi viết về mẹ, anh luôn có những câu thơ chạm đến trắc ẩn của con người:

Tảo tần đời mẹ chân quê
bao năm lặn lội đi về triền song
nón che không hết mùa đông
phố che không hết nỗi buồn trần gian

(Lục bát qua sông)

Nhà thơ Thanh Quế khi đọc thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, nhận xét rằng: "Hầu hết những sáng tác từ thơ về quê hương, về tuổi thơ, về cha mẹ, tình bạn, về cuộc sống xung quanh mình, từ nông thôn đến thành thị, ở đâu người đọc cũng gặp một Nguyễn Ngọc Hạnh bơ vơ, lẻ loi, hiu quạnh, trơ trọi, hoài nhớ".

Nguyễn Ngọc Hạnh luôn trăn trở, day dứt về nghĩa sinh thành. Nỗi buồn chảy từ trái tim anh mà thành thơ. Kinh Tạp Bảo Tạng Phật dạy "đối với cha mẹ dù làm một chút điều bất thiện cũng chịu tội báo rất khổ, cúng dường cha mẹ dù một chút ít cũng được phước báu vô lượng, đối với cha mẹ phải hết lòng siêng năng phụng dưỡng cha mẹ". Không hiếu đạo với bố mẹ, những người con khó lòng lớn lên, khó lòng nhân ái với cuộc đời.

*

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh cầm tinh con Rắn, mệnh Thổ. Anh tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, nguyên Trưởng đại diện Văn phòng Báo Công Thương tại miền Trung, hiện sống và làm việc tại Đà Nẵng, vừa là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Bài thơ mới của nhà văn Hữu Ước vừa được nhạc sỹ Đức Tuyết phổ nhạc.

Bài thơ mới của nhà văn Hữu Ước vừa được nhạc sỹ Đức Tuyết phổ nhạc.

Nguyễn Ngọc Hạnh yêu thơ và làm thơ từ sớm. Cho đến bây giờ, anh vẫn đam mê "một đời lụy với câu thơ". Nếu nói về xuất bản tác phẩm thì Nguyễn Ngọc Hạnh chưa in nhiều; mới chỉ "trình làng" 4 tác phẩm: "Khi xa mặt đất", NXB Đà Nẵng, 1997; "Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh", NXB Hội Nhà văn, 2012; "Phơi cơn mưa lên chiều", NXB Hội Nhà văn, 2018; "Lòng chưa cạn đêm sâu", Ký - Phê bình, NXB Đà Nẵng, 2019. Người xưa có nói "Quý hồ tinh bất quý hồ đa", đúng với trường hợp Nguyễn Ngọc Hạnh.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh có vinh dự được chọn đăng trong tuyển "Thơ tình Việt Nam thế kỷ 20" (NXB Thanh Niên 2001) và có gần 100 bài thơ được được các nhạc sĩ trong và ngoài nước phổ nhạc. Anh từng được trao Giải thưởng Hội Nhà văn TP Đà Nẵng (2012) với tập thơ "Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh", Giải thưởng Hội Nhà văn TP Đà Nẵng (2018) với tập thơ "Phơi cơn mưa lên chiều"; Giải thưởng của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2018 với tập thơ "Phơi cơn mưa lên chiều", Giải thưởng Hội Nhà văn TP Đà Nẵng năm 2019 với tập ký - phê bình "Lòng chưa cạn đêm sâu". Như thế cũng đã mừng với cây bút miền Trung lặng lẽ sống, khiêm nhường viết và xa lạ với chốn "lao xao".

Đọc thơ Nguyễn Ngọc Hạnh dễ nhận ra "miền ký ức" (Nguyễn Hữu Quý), và những giấc mơ "chạm tới không cùng" (Nguyễn Đông Nhật). Anh từng có câu thơ về làng, xác tín trong thẳm sâu chỉ có một địa chỉ, anh thuộc về nó: "Ngày xưa tôi sống trong làng/ Bây giờ làng sống trong tôi" (Làng). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh thi ảnh ẩn dụ, thi pháp "liên tưởng gián cách" như nhận xét của nhà thơ hải ngoại Du Tử Lê, nên trong các bài thơ đều ít nhất có một hoặc vài câu mới lạ đến sửng sốt.

Mẹ, em và nơi chốn, với Nguyễn Ngọc Hạnh là "3 in 1". Nơi chốn ở đây tượng trưng cho quê hương chỉ là một, trong cái nọ, có cái kia và ngược lại. Không ở nơi nào có thể quên được hình bóng quê. Dường như đến những nơi phù hoa, đô hội, Nguyễn Ngọc Hạnh càng nhớ quê hơn:

Mai xa rồi em nhớ gì không
Xin gửi lại hồn tôi nơi quê ấy
Mỗi đời sông có bao nhiêu dòng chảy
Một dòng trôi về phía đời em

(Gửi Hà Nội)

Không khó nhận ra trái tim Nguyễn Ngọc Hạnh căng chật nỗi niềm. Vì thế anh "Phơi cơn mưa lên chiều". Mưa ở đây không phải của đất trời mà "mưa" của cõi lòng se sắt, chiều không phải của vòng quay trái đất, mà "chiều" của đời người nơi cõi tạm. "Ai rót vào đêm giọt lệ ly tan/ Ai dằn tiếng cười con tôi rong rêu bia đá/ Ai nỡ vô tình dao kéo tuổi xuân" (Chiều cuối năm viếng mộ con). Nguyễn Ngọc Hạnh có những nỗi buồn riêng, anh cũng "phơi lên thơ" chạm trái tim người.

Nguyễn Ngọc Hạnh là thế, nên "người ơi, tôi cúi hôn mình trên sông", luôn suy nghĩ, trăn trở: "Đầu ghềnh/ còn đứng phân vân/ Cuối truông lạc bước phong trần/ Về đâu?".

Ngô Đức Hành

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/giot-le-dong-giua-cau-tho-591175/