Giữ an toàn đê điều, thủy lợi - nhiệm vụ cấp thiết trong mùa mưa lũ
Trong những năm qua, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân, đồng thời tác động đến mục tiêu tăng trưởng của nhiều địa phương và cả nước. Việc đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2025 là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
519 người chết và mất tích
Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, năm 2024, thiên tai ở nước ta xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình trên khắp các vùng miền trong cả nước gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của Nhân dân.
Đặc biệt, bão số 3 (Yagi), cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và 70 năm qua trên đất liền, có cường độ mạnh, sức tàn phá rất lớn, thời gian lưu bão kéo dài, phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Hoàn lưu bão gây mưa lớn toàn Bắc Bộ và Thanh Hóa, gây lũ lớn trên diện rộng. Hầu hết các sông vượt báo động 3, trong đó lũ lịch sử xuất hiện trên 7 tuyến sông chính.
Bão số 3 đã gây ra 805 sự cố đê điều, nhiều sự cố đặc biệt nguy hiểm uy hiếp đến an toàn chống lũ của đê; sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xảy ra tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ… Thiên tai do bão số 3 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi.

Thiên tai năm 2024 để lại hậu quả nặng nề cho nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội.
“Thiên tai năm 2024, trọng tâm là bão số 3, đã làm 519 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 89.089 tỷ đồng. Đồng thời, tác động lớn đến tăng trưởng của nhiều địa phương phía Bắc…” - đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát đi ngày 9/5 nêu.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình thiên tai, thời tiết năm 2025 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Từ tháng 7/2025, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở khu vực biển Đông. Ngoài ra, tổng lượng mưa ở hầu hết các khu vực được dự báo tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.
Đảm bảo an toàn đê điều, thủy lợi
Công tác phòng, chống thiên tai được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong đó, vấn đề đảm bảo an toàn đê điều, thủy lợi được xem là một trong những giải pháp căn cơ. Cũng bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước.
Từ cuối năm 2021, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã có Thông tư số 13/2021/TT-BNNPTNT để chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống lụt bão, ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ vừa ban hành Chỉ thị số 02-CT/BNNMT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị lãnh đạo các tỉnh, TP chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng hệ thống công trình đê điều, thủy lợi nhằm phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình; chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các tỉnh, TP tổ chức diễn tập phương án hộ đê, phương án ứng phó khẩn cấp của các hồ chứa; kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin liên lạc để bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, tồn tại; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê, ứng phó khẩn cấp sự cố công trình, đặc biệt là lực lượng quân đội đóng trên địa bàn.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề nghị các tỉnh, TP tập trung chỉ đạo rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, hạ lưu các tràn xả lũ có nguy cơ xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đối với những nơi chưa có điều kiện di dời ngay, địa phương phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn.
“Thực hiện Chỉ thị số 02-CT/BNNMT của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện nay Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đang tiếp tục tổ chức lực lượng và thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo quy định tại Thông tư số 01/TT-BNN để phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều xảy ra…” - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Duy Du.