Giữ bình yên cho những cánh rừng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin

Quảng Trị là địa phương có diện tích rừng khá lớn với trên 248.000 ha. Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm. Trong đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, bảo vệ rừng được coi là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết nhằm góp phần quản lý tốt rừng và đất lâm nghiệp, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, mất rừng, kiểm soát hiệu quả cháy rừng.

Sử dụng thiết vị bay flycam để hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông -Ảnh: LÊ AN

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có diện tích tự nhiên trên 23.400 ha, là nơi cư trú của quần thể các động vật, thực vật quý hiếm, nằm trên địa bàn 5 xã: Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng, Hướng Sơn và Hướng Linh.

Nếu như trước đây, những dụng cụ hỗ trợ như: bản đồ giấy, địa bàn cầm tay, thước dây... là những vật “bất ly thân” của cán bộ kiểm lâm địa bàn thì đến nay, mọi thứ đều được tích hợp trong một chiếc điện thoại thông minh với đầy đủ tính năng cần thiết thông qua các ứng dụng, phần mềm như SMART, Vtools.

Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa Hà Văn Hoan cho biết, hiện nay, từ những hình ảnh vệ tinh, số liệu diễn biến rừng trên phần mềm, đơn vị có thể thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến rừng, việc tổng hợp số liệu cũng dễ dàng, nhanh chóng. Đây thực sự là những công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp đơn vị nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông cũng đã đưa ứng dụng phần mềm công nghệ vào quản lý, bảo vệ rừng như sử dụng công nghệ ảnh viễn thám, các phần mềm Vtools, SMART, thiết bị bay không người lái (flycam). Hiện nay, thay vì dùng phiếu tuần tra và thiết bị GPS để ghi dữ liệu tuần tra, các tổ bảo vệ rừng, cán bộ kiểm lâm sẽ dùng thiết bị cầm tay được tích hợp phần mềm SMART Mobile để nhập các ghi nhận hiện trường như quan sát động vật, hoạt động vi phạm, vị trí trên hiện trường, cập nhật hiện trạng, diễn biến rừng...

Dữ liệu tuần tra sau đó được nhập, truyền trực tiếp từ thiết bị cầm tay vào máy tính hoặc được truyền trực tuyến từ thiết bị cầm tay vào máy tính. Đối với phần mềm Vtools, khi sử dụng sẽ thay thế cho thiết bị GPS trong tuần tra với giá thành thấp hơn và hỗ trợ đắc lực cho phần mềm SMART về tuần tra bảo vệ rừng.

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp, những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Chỉ riêng trong năm 2023, nhờ so sánh ảnh vệ tinh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện 62 điểm có biến động rừng tự nhiên với diện tích 70,2 ha.

Qua kiểm tra trên thực địa, các thông tin về biến động rừng từ so sánh ảnh vệ sinh có độ chính xác đến trên 90%. Hiện nay, cùng với việc số hóa dữ liệu bản đồ lâm nghiệp toàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm đã chủ động áp dụng các phần mềm như Mapinfo, MapSource, Microstation, Arcview, FRMS... để cập nhật diễn biến rừng, xây dựng bản đồ trồng rừng, bản đồ xác nhận hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp phục vụ cho công tác chuyển mục đích sử dụng rừng, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Hầu hết cán bộ nghiệp vụ của Chi cục Kiểm lâm đều cơ bản sử dụng được điện thoại thông minh, máy tính bảng cài đặt các phần mềm, có nền ảnh vệ tinh để điều tra, khảo sát thực địa, chuyển đổi và khai thác các dữ liệu bản đồ số, xác định vị trí, khoanh vẽ lô rừng, điểm, đường, xác định diện tích, khoảng cách một cách nhanh chóng và chính xác.

“Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần giúp cho ngành lâm nghiệp quản lý, nắm bắt được số liệu tin cậy, kịp thời, chính xác, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống quản lý rừng và đất lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm đã phát hiện sớm được các vụ vi phạm xâm hại rừng, đơn cử như vụ việc tại các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa) vào năm 2020; tại các xã Đakrông, Ba Lòng (huyện Đakrông) năm 2022, 2023... từ đó kịp thời ngăn chặn, xử lý không để lan rộng thêm diện tích xâm lấn rừng.

Ghi nhận những sáng kiến, giải pháp của Chi cục Kiểm lâm trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên ngành, năm 2023, Chi cục Kiểm lâm đã được UBND tỉnh tặng giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ X; Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tặng giải Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Văn Ngọc Thắng cho biết.

Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục chỉ đạo các hạt kiểm lâm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là sử dụng các phần mềm ứng dụng, thiết bị, ảnh viễn thám trong công tác theo dõi diễn biến rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phát hiện các vụ vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật.

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng các phần mềm về GIS, phân tích biến động rừng qua ảnh vệ tinh cho toàn lực lượng kiểm lâm và đội ngũ quản lý bảo vệ rừng nhằm nâng cao hơn trình độ cho người sử dụng.

Đồng thời kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT bố trí kinh phí hằng năm để trang cấp nguồn ảnh vệ tinh có chất lượng, đầu tư các trang thiết bị, hệ thống máy móc hiện đại phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày một hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/giu-binh-yen-cho-nhung-canh-rung-nho-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-186053.htm