Giữ chân, thu hút người tài sau cuộc 'cách mạng' tinh gọn bộ máy

Hiện nay, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đang tập trung bắt tay vào cuộc 'cách mạng' sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Cùng với phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì tinh gọn bộ máy được xác định là một trong những tiền đề để nước ta vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong cuộc 'cách mạng' này, bên cạnh thu gọn bộ máy, việc giữ chân cũng như thu hút người tài vào các cơ quan trong hệ thống chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tổ chức, sắp xếp lại bộ máy chính trị là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện. Mục tiêu nhằm củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy mạnh mẽ hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khẳng định: tinh gọn bộ máy là việc khó nhưng không thể không làm. Thực tế cho thấy, tổ chức bộ máy chính trị ở nước ta hiện nay đang rất cồng kềnh, nhiều tầng bậc, nhiều đầu mối. Trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức còn trùng lặp, chồng chéo… Cùng với đó, năng lực quản lý, điều hành và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương còn hạn chế. Điều này dẫn đến số người làm việc, hưởng lương từ ngân sách lớn nhưng chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc chưa cao, trở thành điểm nghẽn cho sự phát triển. Bởi vậy, việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn là vấn đề tất yếu.

Tinh gọn bộ máy đi liền với việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Vậy ai đi, ai ở? Là câu hỏi khiến không ít cán bộ, công chức, viên chức trăn trở, suy tư. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”… Bởi vậy, tinh gọn bộ máy chỉ có thể đạt được hiệu quả nếu chúng ta xây dựng được đội ngũ cán bộ có đức, có tài, có trách nhiệm với công việc.

Trong tinh gọn bộ máy, việc đầu tiên cần làm là giữ chân được người tài. Thẳng thắn đánh giá, nhiều năm qua, tình trạng “chảy máu chất xám” đã diễn ra ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương. Sau một thời gian cống hiến nhưng không nhận thấy cơ hội phát triển, nhiều người tài đã chuyển sang làm việc ở khu vực ngoài nhà nước. Với những người tài, người có năng lực, thì dù ở đâu cũng có thể chứng minh được năng lực bản thân. Ngược lại, trong bộ máy hiện nay cũng không hiếm cán bộ làm việc trung bình chủ nghĩa, ngại khó, ngại khổ, ngại đổi mới, sợ trách nhiệm nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà vẫn tồn tại trong cơ quan nhà nước.

Vừa qua, khi làm việc với cử tri tỉnh Hưng Yên, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ quan điểm: “Không để cơ quan Nhà nước là vùng trú an toàn cho cán bộ yếu kém”. Muốn vậy, quá trình tinh gọn bộ máy, tinh giản cán bộ phải tiến hành một cách bài bản, công tâm, khách quan, vô tư, trung thực và minh bạch. Điều này đòi hỏi những cá nhân, tập thể được giao trực tiếp tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm vụ tổ chức, sắp xếp lại bộ máy phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn đặt lợi ích chung của quốc gia - dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, kiên quyết loại bỏ suy nghĩ “chọn người nhà” thay vì “chọn người tài”, mạnh dạn thanh loại những cán bộ không đáp ứng đủ điều kiện ra khỏi bộ máy. Với những người lợi dụng việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy để phục vụ động cơ, mục đích cá nhân, gây ảnh hưởng không tốt tới tổng thể chung phải xử lý nghiêm để tạo tính răn đe, cảnh báo. Đồng thời, đối với những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp cần có chế độ, chính sách hỗ trợ tương xứng để tạo sự đồng thuận.

Song song đó, khi tiến hành tinh gọn bộ máy cần nghiên cứu để có chính sách thu hút người tài, có năng lực nổi trội, bảo đảm sự kế thừa, nối tiếp giữa các thế hệ. Chúng ta xây dựng một hệ thống chính trị tinh gọn, số lượng cán bộ ít hơn nhưng hiệu lực, hiệu quả phải được nâng cao. Do vậy, nguồn nhân lực làm việc trong cơ quan nhà nước phải có năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Để đáp ứng yêu cầu này, chúng ta cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, từ tuyển dụng, đào tạo cho đến đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ. Bên cạnh chế độ tiền lương, thu nhập tương xứng với công sức lao động, việc xây dựng môi trường làm việc lành mạnh là yếu tố cần thiết để thu hút người tài, người có năng lực nổi trội vào môi trường công vụ. Đối với những trường hợp không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín cần có cơ chế sàng lọc hữu hiệu.

Tinh gọn bộ máy là chủ trương nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn Đảng, toàn dân. Hiện nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt; có sự đồng bộ, liên thông từ Trung ương đến địa phương. Việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tinh gọn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự có đức, có tài sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nước ta phát triển mạnh mẽ, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.

Anh Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/554/166355/giu-chan-thu-hut-nguoi-tai-sau-cuoc-cach-mang-tinh-gon-bo-may