Giữ cho mạch nguồn chảy mãi
Quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS, ngoài thực hiện hiệu quả chính sách chung của Nhà nước, tỉnh Đắk Lắk còn có những quyết sách đặc thù và căn cơ. Những chính sách ấy đã khơi mạch nguồn để dòng văn hóa chảy mãi, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.
Nghệ nhân H’Săn Êban truyền dạy cồng chiêng cho thiếu nhi Ê Đê Bih.
Nâng niu mạch nguồn
Cùng sở hữu di sản phi vật thể đại diện của nhân loại là Không gian văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên được UNESCO ghi danh, Đắk Lắk là tỉnh duy nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên đến nay đã có 5 nghị quyết của HĐND tỉnh về bảo tồn di sản này. Điều đó thể hiện sự quan tâm cụ thể của HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk, các cấp, các ngành đối với di sản.
Trong đó, đặc biệt là Nghị quyết 05/2016/NQ-HĐND về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng đã tạo động lực để các địa phương trong toàn tỉnh quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ để bảo tồn văn hóa truyền thống.
Thực hiện Nghị quyết 05, với những kế hoạch cụ thể của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các văn bản liên quan, hàng trăm bộ cồng chiêng, hàng nghìn bộ trang phục truyền thống đã được trao cho nghệ nhân các buôn làng. Bên cạnh đó, nhiều nghi thức, nghi lễ và các hoạt động văn hóa dân gian cũng được phục dựng. Quan trọng hơn hết đó là sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức trong Nhân dân.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Đặng Gia Duẩn từng nói với chúng tôi rằng, văn hóa cồng chiêng là nền tảng, động lực để bảo tồn giá trị các văn hóa dân gian khác của các dân tộc Tây Nguyên. Trước đây, nạn “chảy máu” cồng chiêng diễn ra ở khắp các buôn làng, nhưng bây giờ dường như không còn nữa, ngược lại ngày càng có nhiều người yêu mến, trân quý, giữ gìn cồng chiêng.
Triển khai hiệu quả chính sách bảo tồn văn hóa dân gian, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS được duy trì, khôi phục trong các buôn làng. Đó là một điều kiện quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng ở các buôn làng đồng bào DTTS.
Đồng thời, nhằm mục đích, hỗ trợ các thôn, buôn đồng bào DTTS phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh Đắk Lắk xây dựng và ban hành Nghị quyết 08/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết đã tạo đà cho du lịch cộng đồng tại Đắk Lắk phát triển.
Đến nay, Đắk Lắk đã có buôn du lịch cộng đồng đầu tiên được công nhận là Buôn du lịch cộng đồng Ako Dhong. Năm 2023, UBND tỉnh vừa thống nhất thêm 2 buôn đồng bào DTTS được hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng gồm buôn Kuốp, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana và buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Khơi thông dòng chảy
Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023 diễn ra vào trung tuần tháng 11 đã để lại những ấn tượng đặc biệt không chỉ bởi các hoạt động hấp dẫn mà bởi hội tụ các thế hệ nghệ nhân. Không ít thanh, thiếu niên đến từ các buôn làng đã trình diễn nhuần nhuyễn các loại hình văn hóa dân gian.
Biểu diễn cùng các nghệ nhân lớn tuổi trong chương trình Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, đội chiêng trẻ Ê Đê Bih khiến người dân và du khách phải trầm trồ. Đội chiêng trẻ Ê Đê Bih ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana là đội chiêng nữ trẻ nhất tỉnh Đắk Lắk, với 20 thành viên từ 7 - 13 tuổi. Đội chiêng từng đạt giải B và giải Đội chiêng trẻ tuổi nhất tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ II.
Xác định vai trò của nghệ nhân, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết 06/2023/NQ-HĐND ngày 14/6/2023 về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân trên địa bàn tỉnh. Việc hỗ trợ nhằm mục đích góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo niềm tin, động lực để các nghệ nhân cùng nhau đoàn kết, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc”.
Từ niềm đam mê và sự cố gắng của các nghệ nhân nhí cho thấy thế hệ trẻ trong các buôn làng đã ý thức về trách nhiệm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Mới đây, chương trình Liên hoan các đội chiêng trẻ toàn TP. Buôn Ma Thuột cho thấy thế hệ trẻ đang lần lượt nắm giữ, kế thừa di sản quý giá của dân tộc. Trong số 33 thôn, buôn đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố, có 14 đội chiêng trẻ với khoảng 250 nghệ nhân nhí tham gia chương trình.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên Linh Nga Niê Kđăm chia sẻ: Điều đó chứng tỏ đời sống cồng chiêng đã trở lại không gian sinh hoạt của mỗi cộng đồng, dân tộc trong các thôn, buôn. Các đội chiêng trẻ không những kế thừa vốn di sản quý báu của ông cha, mà còn phát huy giá trị văn hóa thành thế mạnh để phát triển kinh tế. Rồi từ đó có thêm động lực để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng bền vững.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà nhấn mạnh: Đưa các nghị quyết vào cuộc sống, mục tiêu cuối cùng của các chính sách chỉ là hỗ trợ vào nền tảng để động viên, tạo động lực, điều quan trọng nhất là chủ thể của văn hóa thật sự cảm nhận được vai trò, trách nhiệm của mình để bảo tồn, phát huy vốn quý của cha ông. Thực tế cho thấy, tỉnh Đắk Lắk đã phát huy vai trò của chủ thể là đồng bào các dân tộc và mạch nguồn văn hóa sẽ chảy mãi trong đời sống đồng bào các dân tộc.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dan-toc-ton-giao/giu-cho-mach-nguon-chay-mai/206982.htm