Giữ độ bền theo quy luật
Đọc bài 'Dưỡng sức cho đường dài' trên Bình Thuận cuối tuần (số 6701), nhiều bạn đồng tình, nhưng có vài bạn trao đổi, nói đọc một số bài tôi viết cho rằng giáo dục sớm – thai giáo, là phương pháp giáo dục hết sức quan trọng, sao nay nói ngược lại, để cho trẻ thoải mái trong học tập có gì mâu thuẫn?
Giữ độ bền theo quy luật
Không nên đốt cháy giai đoạn
Tôi nghĩ giáo dục sớm không có nghĩa bắt trẻ phải tiếp nhận dung nạp một khối lượng kiến thức quá lớn, mà là khơi gợi sự tò mò, khám phá, sở thích, bộc lộ sự đam mê để phát triển năng khiếu. Đặt vấn đề về hiện tượng dội khối kiến thức quá nhiều, quá nặng vào não bộ của trẻ quá sớm như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển về sau, điều đó không mới lạ, bởi nhiều trí thức, những nhà giáo dục đã nhìn ra và lên tiếng cảnh báo từ sớm. Nhưng không hiểu vì sao suốt thời gian dài, bao lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa, lần nào cũng nói giảm tải, nhưng rồi chương trình và sách giáo khoa đưa vào thực hiện, lại tiếp tục bị phản ứng vì nội dung chương trình - sách giáo khoa hàn lâm, nặng nề, quá tải với lứa tuổi.
Lễ tuyên dương học sinh giành giải quốc tế. Ảnh minh họa
Nhớ những năm ở thập kỷ XIX cuối thế kỷ XX, tôi có đi dự một số chuyên đề do Bộ Giáo dục tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, trong đó có hội thảo chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi. Lần ấy, một giáo sư đáng kính lên trình bày. Giáo sư nói, ông được Thủ tướng gọi đến trao đổi và giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phát hiện học sinh giỏi và bồi dưỡng nhân tài cho tuổi trẻ quốc gia. Nhận trách nhiệm nặng nề, nhưng ông đã cố gắng, làm dấy lên phong trào phát hiện bồi dưỡng và thi chọn học sinh giỏi toàn quốc, thi học sinh giỏi quốc tế, đã có được những kết quả nhất định. Không biết những người dự hội thảo lần ấy còn nhớ hay không, nhưng với tôi, có mấy ý giáo sư nhấn mạnh khó quên được, rằng ở nước ta có phát hiện được những tài năng trẻ, có nhân tài hay không? Ông nói có đấy, nhiều năm qua, các cháu đã đạt được những giải rất cao của các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Qua các kỳ thi, sự thông minh, trí tuệ của học sinh ở nước ta không thua các nước trên thế giới đâu, thậm chí còn hơn một số nước có nền giáo dục và công nghệ hiện đại đấy. Ông đưa mắt nhìn cử tọa trong hội trường rồi tiếp, có một điều làm ông trăn trở, đó là phát hiện được tài năng, còn kế hoạch bồi dưỡng và sử dụng nhân tài thế nào thì không rõ. Nhìn lại, việc phát hiện học sinh giỏi phổ thông để bồi dưỡng đi thi học sinh giỏi quốc tế giống như ta tổ chức kỳ thi cho các vận động viên leo núi. Những vận động viên dồi dào thể lực và nhiều kinh nghiệm leo lên đến đỉnh, xem như đã đạt được mục đích cao nhất của kỳ thi, nhận được những tràng vỗ tay khích lệ. Sau đó, những người chiến thắng ấy về đâu, làm gì, chẳng ai biết đến. Học sinh giỏi của chúng ta cũng không khác gì mấy, phát hiện, bồi dưỡng, lập đội tuyển đi thi, đạt giải, nhưng kế hoạch sau đó như thế nào cho các cháu thì không rõ. Có điều, chúng ta đã dồn công sức đốt cháy tiêu hao năng lượng của học sinh phổ thông quá lớn, mà không có kế hoạch tích lũy năng lượng cho tương lai. So với nhiều nước tiên tiến, giải học sinh giỏi quốc tế của nước ta rất nhiều - thậm chí nhiều hơn một số nước, nhưng nước họ có những nhà phát minh, nhà sáng chế, bác học nhiều hơn ta. Gần gũi với nước ta như Nhật Bản chẳng hạn. Giáo sư tiếp tục minh họa rất sinh động. Ông nói vừa qua (tức những năm cuối thế kỷ XX chứ không phải năm 2020 bây giờ) tổ chức giải ma ra tông (marathon) quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh, một sinh viên là học trò có ngôi nhà tầng nhìn ra điểm xuất phát cuộc thi đã mời giáo sư đến xem. Ông nói, khi bắn phát súng lệnh xuất phát, thấy vận động viên Việt Nam vun vút vượt lên trước, bỏ lại những vận động viên người Tây lúc lắc chạy theo sau. Đang ở tâm trạng phấn khởi thì sau đó thấy trên đường quay về đích là những vận động viên người Tây dẫn đầu, chứ không phải vận động viên Việt Nam. Thi học sinh giỏi ở Việt Nam hiện nay cũng vậy, chúng ta đốt cháy năng lượng các cháu quá lớn, làm cho các cháu cạn kiệt ngay sau khi xuất phát để dấn thân vào con đường trường tri thức của mỗi cuộc đời con người. Nên cần phải nghiên cứu và điều chỉnh cho phù hợp với khoa học giáo dục.
Lẽ nào không thuốc chữa!
Tầm nhìn về phát triển khoa học giáo dục ở Việt Nam đã có nhiều trí thức nhìn ra từ rất sớm, nhưng tại sao chưa thấy sự điều chỉnh nào cho thỏa đáng, phù hợp với quy luật vận động phát triển trí tuệ - năng lực của con người nói chung và tuổi trẻ nói riêng! Thiết nghĩ, đó chẳng qua xuất phát từ “bệnh thành tích” mà ra, nên cứ dây dưa trì trệ kéo dài.
Võ Nguyên