Giữ gìn bản sắc văn hóa Mường trong các lễ hội

Trong những tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Thanh Sơn có nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức như: Lễ hội Đình Khoang, xã Hương Cần; Lễ hội Đình Cả, xã Tất Thắng được tổ chức vào rằm tháng Giêng; Lễ hội Đình Thạch Khoán, xã Thạch Khoán được tổ chức ngày 24, 25 tháng Giêng; Lễ hội Đình Thủ Rồng xã Yên Lãng; Lễ hội Đình Chung, xã Giáp Lai được tổ chức vào rằm tháng Hai... Trong các lễ hội còn lưu giữ được những bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mường.

Trình diễn đâm đuống trong Lễ hội Đình Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn.

Đa phần các đình trên địa bàn huyện đều thờ Đức Thánh Tản Viên, thân Mẫu của Ngài là bà Đinh Thị Đen và các nhân vật lịch sử thời Hùng Vương dựng nước là các vị Thổ tù họ Đinh như Đinh Công Mộc, Đinh Công Tốt, Định Công Nhạ, Đinh Công Thái, Cao Sơn, Quý Minh... Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm nay, các lễ hội trên địa bàn được tổ chức đầy đủ cả phần lễ và phần hội với các hoạt động: Rước kiệu, tế lễ, hội trại và các trò chơi dân gian bịt mắt mắt vịt, ném còn, đu trà, thi đấu bóng chuyền hơi… trong đó, phần trình diễn nghệ thuật dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường.Ông Đinh Văn Thành ở xã Tất Thắng chia sẻ: Nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào Mường Thanh Sơn còn lưu giữ khá đầy đủ, những điệu hát Ví, múa Mỡi, múa Trống đu, múa Sênh tiền, đâm đuống, diễn tấu cồng chiêng thường được trình diễn trong những ngày Tết và lễ hội, tạo nên bản sắc văn hóa riêng trong các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Mường.

Trong các lễ hội của đồng bào Mường, nghệ thuật trình diễn dân gian đóng vai trò quan trọng trong phần hội, vừa tạo nên không khí vui tươi vừa thể hiện rõ bản sắc văn hóa. Diễn tấu cồng chiêng là một trong những nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu, tùy từng địa phương mà dàn cồng chiêng có bảy hoặc 12 chiếc, người Mường ở Thanh Sơn dùng dùi có một đầu bịt vải đỏ để đánh chiêng. Múa Mỡi là một trong những điệu múa đặc trưng của người Mường trong dịp lễ hội. Mọi người vui vẻ múa quanh thầy mo, thể hiện động tác gặt lúa, mời cơm, mời rượu, một số động tác săn bắn, bắt cá suối, trồng bông dệt vải, cầu mong có thần linh phù trợ để hòa hợp với đất trời làm cho mùa màng tươi tốt, nhà nhà vui tươi, khỏe mạnh.

Nếu như diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, múa Sênh tiền phổ biến nhất trong các lễ hội truyền thống ở Thanh Sơn thì ném còn, đu trà chỉ được số ít các địa phương tổ chức. Ném còn là trò chơi hấp dẫn của trai gái trong dịp hội làng. Quả còn to bằng bàn tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông. Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí, có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao, trên đỉnh có vòng còn hình tròn (khung còn), khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho sức mạnh của mặt trời), mặt kia dán giấy màu vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt vào vòng còn trên đỉnh cột là người thắng cuộc.

Bắn nỏ là môn thể thao dân tộc được tổ chức nhiều trong các lễ hội, biểu trưng cho tinh thần thượng võ của đồng bào các dân tộc. Những người tham gia bắn nỏ thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ việc chọn vật liệu làm nỏ, căng dây, vót tên đến tập các động tác bắn cho thuần thục. Bên cạnh đó còn có một số môn thể thao khác thường được tổ chức là đẩy gậy, kéo co... Tham gia thi đấu thể thao trong ngày hội còn thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các bản làng, khu dân cư.

Trình diễn nghệ thuật dân gian và các môn thể thao, trò trơi dân gian truyền thống trong ngày hội là một trong những hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Mường ở Thanh Sơn, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa vùng đất Tổ.

Phương Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//dan-toc-ton-giao/giu-gin-ban-sac-van-hoa-muong-trong-cac-le-hoi/191796.htm