Giữ gìn di sản nhà rường cổ ở Lý Sơn
Nhà rường cổ ở huyện Lý Sơn là dạng nhà rường ba gian hai chái phổ biến ở các tỉnh Nam Trung Bộ, có niên đại cách đây hàng trăm năm. Đây là di sản quý, cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Nét độc đáo của nhà rường cổ
Trên địa bàn huyện Lý Sơn hiện có hơn 20 ngôi nhà rường cổ, niên đại từ 100 - 200 năm tuổi. Trong đó, có khoảng 10 ngôi nhà có giá trị tiêu biểu.
Nhà thờ tộc Phan ở huyện Lý Sơn, một ngôi nhà rường vừa được sửa chữa nhưng vẫn giữ nguyên bộ khung chịu lực, trang trí và chạm khắc nội thất cũng như dáng vẻ kiến trúc cổ. Ảnh: VÕ MINH TUẤN
Nhà rường cổ ở Lý Sơn nói riêng và ở Quảng Ngãi nói chung, phổ biến có dạng hình chữ nhất, gồm ba gian chính và hai gian phụ, gọi là nhà ba gian hai chái. Theo thời gian, những ngôi nhà rường này được duy tu, cải tiến ở những mức độ khác nhau. Hầu như các mái nhà trước đây lợp bằng tranh, lá dừa nước đã được thay thế bằng ngói các loại. Tường nhà dựng bằng tre nứa, phủ bằng cỏ, rơm phơi khô nhồi đất đã được thay thế bằng đá ong hoặc gạch thẻ, gạch vồ. Chất kết dính trước đây là tam hợp chất, nay đã thay bằng xi măng.
Yếu tố được quan tâm nhiều nhất về mặt kiến trúc đối với nhà rường cổ ở Lý Sơn là khả năng ứng phó với thời tiết thất thường của một hòn đảo ven bờ, nắng nóng đến khô khốc vào mùa hè, mưa bão diễn ra triền miên vào cuối mùa thu năm trước đến đầu mùa xuân năm sau. Nhà rường là nơi trú ẩn an toàn, chịu đựng được mưa dầm và cuồng phong. Mặt khác, nhà rường giữ nhiệt độ điều hòa bên trong ngôi nhà, nên thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Hướng nhà hợp lý, những bức tường dày, hệ thống cửa, vách hậu, độ dốc của mái nhà, mái hiên và cây xanh sân vườn là những yếu tố cơ bản của một nhà rường điển hình.
Ngoài những giá trị về kiến trúc, nhà rường ở Lý Sơn còn chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa vật thể, phi vật thể rất phong phú. Điều này thể hiện ở cách thức bố trí không gian ngôi nhà với những bức vách làm bằng ván có các dải ô hộc chạm trổ chữ thọ, bát bửu; những đường nét chạm nổi hình long phù, những đường trang trí kẻ chỉ hay diềm hoa lá trên các đầu kèo, trang trí hình cá chép hoặc giao long trên các kèo hiên. Trong ngôi nhà, những đồ gỗ như sập gụ, tủ chè, trường kỷ cùng với hoành phi, câu đối thiết trí trong nội thất hợp lý, khiến tự thân mỗi thành tố vừa có giá trị độc lập, vừa như bổ sung, tôn thêm vẻ đẹp lẫn nhau. Nội dung các hoành phi, câu đối, những nghi lễ thờ cúng thiên thần và nhân thần, tổ tiên ông bà, tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, âm hồn, cô hồn... là những giá trị phi vật thể đi liền với ngôi nhà rường ở Lý Sơn, đặc biệt là lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra hằng năm ở nhiều gia tộc trên đảo.
Cần gìn giữ và phát huy giá trị
Việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản nhà rường cổ ở Lý Sơn đặt ra nhiều vấn đề mà các đơn vị chức năng và chủ nhân của các ngôi nhà cần lưu tâm. Thứ nhất, việc duy tu, chống xuống cấp diễn ra liên tục từ sau khi ngôi nhà được dựng lên, nhằm đảm bảo tuổi thọ cũng như phát huy tốt nhất công năng của ngôi nhà. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là làm thế nào để việc duy tu, chống xuống cấp, trong đó có việc thay đổi một hoặc nhiều thành phần của các cấu kiện, thay đổi chất liệu và vật liệu xây dựng, không làm biến dạng ngôi nhà. Thực tế cho thấy, có những ngôi nhà rường cổ hiện còn ở Lý Sơn được duy tu, chống xuống cấp hợp lý, cả về cách làm cũng như nguyên vật liệu thay thế. Song cũng có không ít ngôi nhà, sau khi duy tu đã không còn có thể liệt vào danh sách các nhà rường cổ.
Thứ hai là, việc bảo vệ không gian chung quanh ngôi nhà. Ngôi nhà rường cổ sở dĩ phát huy được công năng, giá trị chính là vì được bao bọc trong một không gian sân vườn nhiều cây xanh, cây kiểng và được bố trí hài hòa. Do đó, chính quyền địa phương nên lưu ý trong công tác quy hoạch phát triển, cần có các giải pháp hợp lý bảo tồn không gian xanh cho các nhà rường cổ.
Thứ ba là, giữ gìn các di sản vật thể và phi vật thể mà các gia đình, gia tộc đã lưu giữ nhiều đời. Trong đó, có nhiều hoành phi, câu đối, đồ cổ, đồ sưu tầm từ biển, đặc biệt là nhiều văn bản hán nôm có giá trị.
Thứ tư là, việc khai thác phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Lâu nay chúng ta quen cách nghĩ, khai thác du lịch chính là làm tăng giá trị di tích, trong đó có các ngôi nhà rường cổ. Điều này không sai, nhưng nếu quá tuyệt đối nó mà không lưu ý đến những tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đối với di sản, di tích, hiện vật là một sai lầm. Hình ảnh một đám đông khách du lịch đứng trên cổng Tò Vò chụp hình lưu niệm mà không lưu ý đến khả năng chịu đựng có hạn của vòng cung cổng đá, hay ngôi nhà rường cổ khá đẹp vừa được thay bằng ngôi nhà tầng bê tông là những ví dụ cho thấy con người có thể làm ảnh hưởng đến các di sản văn hóa. Cộng đồng cùng khai thác và cộng đồng cùng bảo vệ là một định hướng đúng đắn. Vấn đề là phải có giải pháp phù hợp, nâng cao ý thức gìn giữ di sản quý báu mà ông cha truyền lại.