Giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống

Từ lúc mới lọt lòng đến khi cắp sách tới trường, mỗi người đã được trao truyền những giá trị văn hóa, trong đó có lối ứng xử tốt đẹp qua những câu hát ru, thành ngữ hay ca dao, tục ngữ… Văn hóa ứng xử được đề cập rất nhiều trong kho tàng phong phú văn học dân gian Việt Nam cũng cho thấy ông cha ta đã coi trọng, nâng niu lối ứng xử văn hóa ngay trong từng lời ăn, tiếng nói. Hơn nữa, nó còn có giá trị giáo dục, khuyên răn con người thực hành lối ứng xử văn minh, hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ.

Thực tế, văn hóa ứng xử cần có thời gian học hỏi để dần hình thành và bồi đắp, trong đó việc giáo dục, khuyên răn con người ngay từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng, như lời ông bà ta đã dạy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Việc ăn, nói sao cho đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách cũng cần phải rèn giũa chứ không phải ăn sao cũng được, nói gì cũng xong. Hay “gói”, “mở” chỉ sự khéo léo, linh hoạt, ứng biến trong xử lý các tình huống, mối quan hệ trong cuộc sống hàng ngày.

Không dừng lại ở việc ăn, việc nói, lối ứng xử có văn hóa còn được răn dạy trong rất nhiều câu nói không còn xa lạ với chúng ta như: Lời nói không mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau; Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe; Của cho không bằng cách cho; Lời chào cao hơn mâm cỗ; Một sự nhịn chín sự lành; Lạ thay nết nói nết cười/ Nết sao lại khiến cho người muốn thương...

Những bài học, kinh nghiệm được người xưa đúc rút qua thực tiễn cuộc sống hàng ngày vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Đó là những giá trị được trao truyền thể hiện sản phẩm của văn hóa Việt Nam trọng nghĩa tình, đạo lý, rất cần được giữ gìn và phát huy tiếp nối qua các thế hệ mặc cho những đổi thay của đời sống kinh tế thị trường…

Uyên Trang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202212/giu-gin-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-3151704/