Giữ gìn 'tiếng nhạc', điệu múa dân gian của đồng bào Khmer trong học đường

Bằng nhiều hình thức khác nhau, nhiều trường dân tộc nội trú (DTNT) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã chỉ dạy cho học sinh các điệu múa dân gian, nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer. Bên cạnh đó, các trường còn tạo điều kiện cho các em tập luyện, biểu diễn, giao lưu trong các hội diễn, liên hoan được tổ chức trong tỉnh. Điều đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.

Định kỳ vào tối thứ Bảy hằng tuần, sau giờ sinh hoạt nội vụ, các em học sinh Trường Trung học phổ thông DTNT Huỳnh Cương giao lưu văn nghệ, biểu diễn nhạc ngũ âm, các điệu múa dân gian của đồng bào Khmer. Thầy Thạch Anh Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông DTNT Huỳnh Cương thông tin: “Trường đã thành lập Câu lạc bộ Nhạc ngũ âm - múa, hoạt động nhiều năm qua. Câu lạc bộ này tập hợp những học sinh yêu thích nhạc ngũ âm, các điệu múa của đồng bào Khmer cùng nhau tập luyện, phục vụ trong các dịp lễ, Tết, kỷ niệm hay hội nghị được tổ chức trong trường. Ngoài những bài múa tay không, các em còn múa với đạo cụ như: múa gáo dừa, múa khăn… Ngoài ra, trường cũng tham gia các hội thi, liên hoan ca, múa, nhạc Khmer, đạt nhiều giải thưởng. Tiêu biểu là tại Hội thi văn nghệ các trường phổ thông DTNT tỉnh Sóc Trăng, qua 3 lần tham gia, trường đều đạt giải nhất. Hội thi này quy tụ các trường DTNT tham gia biểu diễn với các thể loại: đơn ca, song ca, tam ca, ca múa, múa độc lập, hòa tấu nhạc cụ dân tộc”.

Học sinh Trường Trung học phổ thông DTNT Huỳnh Cương biểu diễn nhạc ngũ âm nhân dịp lễ, Tết. Ảnh: NGỌC HẢI

Em Thạch Phúc Hậu, học sinh lớp 10, Trường Trung học phổ thông DTNT Huỳnh Cương rất phấn khởi khi được tham gia biểu diễn nhạc ngũ âm 3 lần trong ngày đại hội và ngày lễ tổ chức tại trường. “Đầu năm học này, em học đánh nhạc ngũ âm, được 1 tháng là nắm căn bản. Được các anh, bạn chung trường chỉ dạy, em rất tự tin biểu diễn trong các dịp lễ, họp mặt hay đại hội được tổ chức tại trường. Em theo học xuất phát từ sự say mê nhạc cụ dân tộc và muốn giữ gìn loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc của người Khmer”, em Phúc Hậu chia sẻ.

Trong năm 2023, Trường Trung học phổ thông DTNT Huỳnh Cương phối hợp với Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh tổ chức 2 lớp truyền dạy múa rom vong, có 40 học sinh lớp 10, lớp 11 theo học. Hoạt động này trong khuôn khổ thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2023. Thầy Thạch Anh Tú thông tin: “Các em được những nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên múa có trình độ, chuyên môn, kinh nghiệm lâu năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật múa truyền thống Khmer dạy. Tập trung 2 phần: những vấn đề cơ bản trong loại hình múa sinh hoạt truyền thống Khmer; hướng dẫn, truyền dạy kỹ năng thực hành động tác múa rom vong, saravan”.

Em Lâm Cao Đức Phát, học sinh lớp 10, Trường Trung học phổ thông DTNT Huỳnh Cương đã được bà ngoại dạy múa rom vong, saravan năm 12 tuổi. Vì vậy, em rất thích các điệu múa dân gian này. Khi biết trường có mở lớp, em đăng ký tham gia ngay và đi học đều đặn không bỏ lỡ buổi nào. Phát kể: “Hồi nhỏ, bà ngoại dạy em và chị Hai múa rồi. Cái khó là mình phải chỉnh bàn tay cong lên, bước đi uyển chuyển, nhịp nhàng theo nhạc”.

Mặt khác, nhiều trường DTNT đem điệu múa dân tộc Khmer thay cho động tác vận động trong giờ thể dục giữa giờ. Thầy Lý Minh Thế - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT Trung học cơ sở Mỹ Xuyên cho biết: “Năm học 2018 - 2019, trường có tổ chức múa madison tập thể. Sau đó, triển khai điệu múa này thay cho các động tác tập thể dục 5 phút buổi sáng các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu. Ngày thứ Ba, thứ Năm do các em có tiết thể dục nên không thực hiện múa. Cứ đầu năm học, tổng phụ trách đội, giáo viên thể dục, một số giáo viên biết múa Khmer chỉ dạy cho các học sinh lớp 6 mới vô. Qua hoạt động này, các em giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi trong giờ học và thêm yêu thích điệu múa truyền thống của dân tộc mình”.

Ngoài ra, định kỳ 1 tháng 1 lần, trường cho các em đăng ký tiết mục văn nghệ biểu diễn, không chỉ tạo sân chơi bổ ích mà còn phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ tại trường. Các tiết mục chủ yếu là ca, múa nhạc dân tộc Khmer. Nhà trường chọn những em có năng khiếu vào đội văn nghệ của trường, tập thêm cho các em để tham gia biểu diễn trong dịp mừng Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sene ĐôlTa và hội thi. Đáng mừng là 3 lần dự Hội thi văn nghệ các trường phổ thông DTNT Sóc Trăng, trường đều đạt giải nhì.

Em Hồ Thị Hồng Dương, học sinh lớp 9, Trường Phổ thông DTNT Trung học cơ sở Mỹ Xuyên có năng khiếu ca, hát nên ngoài giờ học, em còn không ngừng luyện giọng, luyện múa để mang đến tiết mục văn nghệ đặc sắc. Dương khoe: “Cha, mẹ, chị và em đều biết múa, hát. Tất cả có chung niềm đam mê nhạc dân tộc Khmer. Em có 2 lần tham gia Hội thi văn nghệ các trường phổ thông DTNT Sóc Trăng, rất tự hào cá nhân đã góp thành tích cho trường”.

Với mục đích góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, với nhiều hình thức khác nhau nhưng có chung điểm đến, các trường DTNT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã hình thành, phát huy ý thức giữ gìn nét đẹp qua điệu múa dân gian, nhạc cụ dân tộc của đồng bào Khmer trong học đường. Thầy Thạch Anh Tú khoe: “Một số học sinh của trường, khi tốt nghiệp cấp 3 đã lựa chọn học ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống của Trường Đại học Trà Vinh, ra trường đi biểu diễn trong và ngoài nước. Tôi thấy tự hào về điều đó”. Chính từ trong nhà trường, đã gieo “những hạt mầm” triển vọng ca, múa nhạc dân tộc Khmer, góp phần để “tiếng nhạc”, điệu múa dân gian mãi lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

NGỌC HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/giu-gin-tieng-nhac-dieu-mua-dan-gian-cua-dong-bao-khmer-trong-hoc-duong-68897.html